Tăng cường công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh
BHG - Tệ nạn mại dâm (TNMD) phát sinh không chỉ làm xói mòn đạo đức xã hội, phá vỡ thuần phong mỹ tục mà còn kéo theo nhiều hệ lụy; làm gia tăng các loại tội phạm khác. Để giảm thiểu TNMD, thời gian qua, các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đấu tranh phòng, chống loại tệ nạn này.
Truyền thông phòng, chống tệ nạn xã hội, mại dâm cho thanh, thiếu niên tại thị trấn Yên Phú (Bắc Mê). |
Toàn tỉnh hiện có 805 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện; trong đó, có 557 cơ sở lưu trú, 139 nhà hàng karaoke và cơ sở massage và 109 loại hình khác. Có 557 cơ sở ký cam kết không để xảy ra TNMD; không có xã, phường trọng điểm về mại dâm và không có tụ điểm hoạt động mại dâm trong cộng đồng. Thực tế, đối tượng hoạt động mại dân (HĐMD) rất đa dạng về thành phần, loại hình với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu hành vi vi phạm; khiến công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Để ngăn ngừa, kiểm soát và hạn chế phát sinh TNMD, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống TNMD trên địa bàn tỉnh với mục tiêu: Tăng cường sự đồng thuận, quyết tâm và chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn TNMD; đẩy mạnh đấu tranh tội phạm chứa, môi giới, tổ chức HĐMD nhằm giảm thiểu tác hại của TNMD đối với đời sống xã hội…
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống TNMD cho cấp ủy, chính quyền và người dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, hội nghị, hội thảo... Các lực lượng chức năng tổ chức đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm HĐMD và xử lý nghiêm 100% số vụ việc, đường dây HĐMD; xóa bỏ tệ nạn mua, bán dâm trong lứa tuổi vị thành niên, ngăn chặn TNMD trong học sinh, sinh viên; thường xuyên kiểm tra các địa bàn trọng điểm, nghi vấn có HĐMD; bổ sung hồ sơ điều tra cơ bản các đối tượng có khả năng, điều kiện phạm tội vào diện quản lý; kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, các khu du lịch, cửa khẩu, biên giới; kịp thời chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh không chấp hành các quy định của pháp luật và yêu cầu ký cam kết kinh doanh lành mạnh, không để xảy ra các tệ nạn xã hội. Sở LĐTB&XH phối hợp với UBND huyện Bắc Quang, Vị Xuyên tổ chức hội nghị tập huấn cho trên 220 cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội từ cấp huyện đến cơ sở.
Các địa phương tổ chức cảm hóa, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm hoàn lương; xây dựng và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ phòng ngừa TNMD trong cộng đồng; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong đấu tranh phòng, chống TNMD; thực hiện tốt Cuộc vận đồng “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng gia đình, tổ dân phố, làng xóm, cơ quan, đơn vị văn hóa; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có TNMD. Đặc biệt, các huyện, thành phố lồng ghép thực hiện công tác phòng, chống mại dâm và các tệ nạn xã hội với các chương trình an sinh xã hội và kế hoạch phát triển KT – XH như: Giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người dân có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, góp phần hạn chế lao động nữ tham gia vào HĐMD để mưu sinh.
Theo lãnh đạo Sở LĐTB&XH, HĐMD thường diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh các lực lượng chức năng. Trong giai đoạn tiếp theo, để từng bước đẩy lùi TNMD, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống mại dâm của UBND tỉnh; tiếp tục đấu tranh, triệt phá, xử lý nghiêm minh các vụ việc, đường dây gái gọi, chủ chứa, cơ sở để xảy ra HĐMD; xây dựng và duy trì mô hình các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm phòng, chống MD. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu trong công tác phòng, chống mại dâm; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương; triển khai các hoạt động can thiệp phòng ngừa MD, giảm tác hại, hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng và duy trì xã, phường, thị trấn lành mạnh; tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên đội kiểm tra liên ngành và các lực lượng chức năng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên, nhóm đồng đẳng, cán bộ…; làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại các địa phương; tăng cường quản lý về an ninh, trật tự và quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc