Tinh hoa "quê lúa" xây dựng miền cực Bắc - Kỳ 1: Tình yêu Hà Giang đơm hoa từ mưa bom, bão đạn
BHG - Hà Giang, mảnh đất biên cương địa đầu cực Bắc của Tổ quốc hiện vẫn là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn. Cách đây nhiều thập kỷ, sự khó khăn ấy còn lớn gấp bội phần. Vậy nhưng, đã có bao thế hệ người con của tỉnh Thái Bình - nơi mệnh danh “vựa lúa lớn nhất miền Bắc” không ngại gian khó, sẵn sàng theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước lên Hà Giang lập nghiệp. Trong trái tim họ không chỉ có “quê hương là chùm khế ngọt” mà còn đau đáu một lòng góp tâm sức, trí tuệ xây miền cực Bắc vững mạnh.
Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang Phạm Đình Kiên (đứng giữa) cùng cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy trao đổi nghiệp vụ. |
“Người Hà Giang sống tình cảm, chịu thương, chịu khó. Nhưng ngược lại, Hà Giang có xuất phát điểm tương đối thấp về điều kiện phát triển KT-XH; vì vậy, tôi nguyện gắn bó, đem hết khả năng của mình để cống hiến xây dựng Hà Giang phát triển” – anh Phạm Đình Kiên, Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang trải lòng.
Năm 1984, chàng trai Phạm Đình Kiên (xã Thái Thọ – Thái Thụy – Thái Bình) tốt nghiệp Trường Sĩ quan Pháo binh (Hà Nội). Ra trường khi tuổi vừa tròn đôi mươi lại đúng thời điểm Hà Giang bước vào giai đoạn cam go trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (giai đoạn 1984 – 1989). Không ngại gian khổ, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng, chàng trai ấy quyết đến Hà Giang, cùng đồng bào bảo vệ vẹn toàn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngay sau khi đặt chân đến Hà Giang, anh Kiên được phân công lên chốt Coóc Nghè, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên), cùng đồng đội trong Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 457 (Sư đoàn 313) bảo vệ mặt trận Vị Xuyên. Trong quân ngũ, từng giữ vai trò Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Thiếu tá Phạm Đình Kiên không chỉ trực tiếp cầm súng chiến đấu mà còn thể hiện tài quân sự trong chỉ huy tác chiến. Chính điều đó đã góp phần quan trọng cùng đồng đội, đồng bào Hà Giang giành lại vẹn toàn chủ quyền biên giới; để dải đất biên cương thay tiếng súng bằng khúc hát khải hoàn trong công cuộc xây dựng Hà Giang trở thành thành trì vững mạnh của Tổ quốc nơi địa đầu cực Bắc.
Suốt 6 năm “nằm gai nếm mật”, chiến đấu bảo vệ biên giới tại mặt trận Vị Xuyên trước sự xâm lược của ngoại quốc tạo cho tôi tình cảm gắn bó với mảnh đất này. Ở đó, là người Hà Giang sống tình cảm, chịu thương, chịu khó. Nhưng ngược lại, Hà Giang có xuất phát điểm tương đối thấp về điều kiện phát triển KT-XH; do đặc thù của một tỉnh miền núi biên giới đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, lại là địa phương sau cùng của cả nước thoát khỏi chiến tranh với dư âm tàn phá nặng nề. Chính vì vậy, tôi nguyện gắn bó, đem hết khả năng của mình để cống hiến xây dựng Hà Giang phát triển – anh Phạm Đình Kiên trải lòng.
Thực hiện tâm huyết ấy, ngay sau khi dải đất biên cương yên tiếng súng, anh Kiên đã phát huy trí tuệ, làm tròn nhiệm vụ chính trị được giao. Trước khi trở thành Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang (từ năm 2012 đến nay), anh từng trải qua rất nhiều cương vị công tác, như: Trợ lý tác chiến (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh); Trưởng phòng Cơ sở và Quản lý đảng viên (Ban Tổ chức Tỉnh ủy); Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Yên Minh; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Giang… Trong đó, với vai trò Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, được phân công trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, theo dõi, tổng hợp lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, văn hóa - xã hội của Đảng bộ tỉnh; anh đã có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm được đánh giá cao về cơ sở lý luận và giá trị thực tiễn. Điển hình, như: Sáng kiến “Đổi mới phương pháp xử lý văn bản đi, đến trên mạng nội bộ của Đảng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc cấp ủy và Thường trực cấp ủy tỉnh”; “Quy trình xử lý văn bản khép kín trên phần mềm Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp các cơ quan Đảng của Tỉnh ủy, nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc cấp ủy tỉnh”; “Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy về nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo trên địa bàn tỉnh”…
Đặc biệt, sáng kiến “Tham mưu xây dựng giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận cơ sở, giai đoạn 2016 – 2020” của anh Kiên được BTV Tỉnh ủy phê chuẩn ban hành tại Đề án số 06-ĐA/TU ngày 7/10/2016. Sáng kiến này góp phần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các Đảng ủy xã, phường, thị trấn để tập hợp, đoàn kết, huy động tối đa nguồn nội lực trong nhân dân, đẩy mạnh phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững quốc phòng - an ninh. Trong đó, mục tiêu trước mắt là nhanh chóng hoàn thành xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh; góp phần đưa Hà Giang sớm thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của các tỉnh miền núi…
Thực tế cho thấy, dù ở cương vị nào anh Kiên cũng phát huy được trí tuệ cống hiến cho sự phát triển chung của mảnh đất địa đầu cực Bắc Tổ quốc. Điều đó được chứng minh bằng những danh hiệu, phần thưởng cao quý mà các cấp, ngành dành tặng, như: Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Bảo vệ biên giới; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Huy hiệu Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Hà Giang, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt, với nhiều thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; năm 2017, anh vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Kỳ 2: Vì Hà Giang phát triển
Ý kiến bạn đọc