Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số
BHG - “Muốn phát triển kinh tế, thoát nghèo, con cái được học hành, chăm sóc tốt thì không được sinh nhiều con”, tâm sự của nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là minh chứng rõ nét về sự thay đổi trong nhận thức, hành động của người dân về chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ).
Phụ nữ mang thai được chăm sóc sức khỏe sinh sản định kỳ. |
Mèo Vạc là một trong những địa phương có trên 90% là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, với suy nghĩ sinh nhiều con hơn nhiều của; trọng nam khinh nữ, nhiều gia đình người Mông trên miền đá núi này đã vi phạm chính sách DS-KHHGĐ khi sinh con thứ 3 trở lên, thậm chí nhiều đảng viên khu vực nông thôn cũng vi phạm; khiến cuộc sống vốn đã vất vả, lại càng khó khăn hơn, cái nghèo luôn đeo bám. Những đứa trẻ sinh ra còi cọc, suy dinh dưỡng, không được chăm sóc đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần; nhiều em trong số đó rơi vào cảnh thất học. Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Mèo Vạc, Dương Minh Sơn, cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 19, ngày 5.3.2013 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới và nâng cao chất lượng dân số, huyện đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác DS-KHHGĐ. Nhờ vậy, đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Hàng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp đưa công tác DS-KHHGĐ thành nội dung trong phát triển KT – XH của địa phương; các thôn, xóm đưa chính sách DS-KHHGĐ vào hương ước, quy ước; gắn với tiêu chí xây dựng gia đình, làng bản văn hóa; nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ không ngừng được nâng cao; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm dần qua từng năm; đội ngũ cộng tác viên dân số cơ sở được tập huấn thường xuyên và ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Vị Xuyên - huyện động lực của tỉnh, KT – XH phát triển, chất lượng dân số cũng ngày càng được nâng cao. Hiện tại, huyện đang triển khai các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số, như: Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; kiểm soát dân số biên giới; chương trình tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai và duy trì hàng chục câu lạc bộ về DS-KHHGĐ, như: Câu lạc bộ “Nam nông dân thực hiện KHHGĐ”; “Phụ nữ không sinh con thứ 3”; “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; “Tư vấn kiểm tra sức khỏe tiền hồn nhân”; mô hình “gia đình 2 con”… Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, chất lượng dân số trên địa bàn huyện không ngừng được cải thiện.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số, Chi cục DS-KHHGĐ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác dân số DS-KHHGĐ cho các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân. Sở Y tế phối hợp với Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên tại các trường học; nội dung giáo dục dân số được đưa vào lồng ghép trong các chương trình chính khóa ở các cấp học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, hướng nghiệp dạy nghề...
Trong 6 tháng đầu năm, có trên 30.450 người áp dụng các biện pháp tránh thai; các cấp tổ chức hàng nghìn lượt tuyên truyền bằng nhiều hình thức các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ; thực hiện chiến dịch truyền thông tại các xã có mức sinh cao; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ dân số, cộng tác viên dân số thôn, bản; triển khai hiệu quả các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các câu lạc bộ về dân số. Các chỉ tiêu cơ bản trong công tác DS-KHHGĐ, như: Tỷ suất sinh thô, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai, tỷ số giới tính khi sinh... hàng năm đều đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên, nhân dân vi phạm chính sách DS-KHHGĐ, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi hàng năm đều giảm; tuổi thọ trung bình được nâng lên. Đặc biệt, tỉnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27.4.2015 của Chính phủ. Đến nay, tỷ lệ tăng dân số đạt 1,49%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 21,6%; trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin đạt 96%; 100% xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; tỷ lệ huy động học sinh từ 6 – 14 tuổi đến trường đạt 98,8%.
Nâng cao chất lượng dân số là một trong những giải pháp quan trọng giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo; các cấp, các ngành và toàn dân cần tiếp tục chung tay thực hiện hiệu quả các giải pháp về chính sách DS-KHHGĐ, góp phần phát triển KT – XH của địa phương, ổn định quy mô dân số và nâng cao chất lượng cuộc sống.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc