Ngành Y tế nỗ lực triển khai mô hình bác sỹ gia đình
BHG - Nhận thức rõ những lợi ích của mô hình bác sỹ gia đình (BSGĐ), thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã chủ động, nỗ lực triển khai lựa chọn 33 xã, thị trấn/11 huyện, thành phố để thực hiện. Với sự đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đã từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân.
Các y, bác sỹ huyện Quản Bạ thăm khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân thôn Nà Sài, xã Đông Hà (Quản Bạ). |
Để triển khai thực hiện mô hình BSGĐ, ngành Y tế đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng y tế tuyến cơ sở về nhân lực, cơ sở vật chất, nhu cầu chăm sóc của người dân để có hướng đầu tư trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực. Sở Y tế đã phối hợp với Trường Đại học Y dược Thái Nguyên, Y dược Hà Nội mở 25 lớp đào tạo về nguyên lý y học gia đình cho 875 học viên là các bác sỹ, cán bộ, giảng viên cấp tỉnh, bác sỹ đang công tác tại trạm y tế xã; tổ chức 23 lớp đào tạo về quản lý trạm y tế, siêu âm, nguyên lý y học gia đình cho các dược sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh đang công tác tại 33 trạm y tế xã trong kế hoạch thực hiện mô hình BSGĐ năm 2018 - 2019. Cùng đó, tổ chức khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, đào tạo quản lý bệnh mãn tính cho tuyến huyện, xã; xây dựng module phần mềm hỗ trợ quản lý sức khỏe cá nhân, hộ dân được tích hợp trên phần mềm quản lý y tế xã, phường liên thông. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn nhà thầu tiến hành in hồ sơ sức khỏe cá nhân theo mẫu quy định của Bộ Y tế; đã in 175.000 hồ sơ và phân bổ cho các huyện, thành phố triển khai thực hiện mô hình BSGĐ.
Theo đánh giá ban đầu về mô hình BSGĐ, người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu được đáp ứng và giải quyết ngay tại cơ sở. Bác sỹ Lê Minh Đức, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ, chia sẻ: “Mô hình BSGĐ khi triển khai tại một số xã cho thấy sự cần thiết và rất hữu ích; người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn, được phát hiện bệnh sớm nhằm tránh tình trạng bệnh nặng mới đi khám; góp phần giảm chi phí khám bệnh, thời gian đi lại, chờ đợi và giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến trên”.
Anh Vàng Sào Chấn, thôn Nà Sài, xã Đông Hà (Quản Bạ), cho biết: “Nếu mô hình BSGĐ được nhân rộng là điều rất tốt, vì chúng tôi được phát hiện bệnh và điều trị sớm. Gia đình tôi may mắn có lần khám sàng lọc đã phát hiện mình bị bệnh đái tháo đường. Do phát hiện bệnh sớm, nên tôi được tư vấn và điều trị, bệnh đã có phần thuyên giảm; tôi mong muốn cần mở rộng việc khám sức khỏe theo định kỳ nhằm phát hiện bệnh sớm cho người bệnh, đồng thời tuyên truyền về mô hình BSGĐ nhiều hơn để người dân hiểu”.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện mô hình BSGĐ trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ những vướng mắc, hạn chế cần sớm được giải quyết, vì là mô hình mới nên chưa được quan tâm đúng mức; việc cấp Chứng chỉ hành nghề BSGĐ cũng gặp khó khăn. Phí dịch vụ khám, chữa bệnh loại hình này còn mang tính tự phát, chưa được cơ quan quản lý Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và chính người dân cũng chưa hiểu rõ về mô hình…
Để phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình BSGĐ trong những năm tới, theo đồng chí Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế; ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, huyện, thành phố dành nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã; đào tạo nhân lực theo nguyên lý y học gia đình; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức của người dân về mô hình BSGĐ. Điều quan trọng hơn cả các đơn vị liên quan phải xây dựng được các biểu mẫu khám, xét nghiệm và chuyển bệnh cũng như giải quyết được các thủ tục thanh toán Bảo hiểm Y tế cho người bệnh… Đây chính là cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát huy tính hiệu quả, đáp ứng được những kỳ vọng của mô hình BSGĐ đặt ra.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc