Bắc Quang - nơi cơn giông lốc đi qua!
BHG - Cơn giông lốc càn quét trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ, nhưng đã đẩy nhiều người dân trên địa bàn huyện Bắc Quang rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”; nhiều diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp bị thiệt hại… Thiên tai đi qua, người dân nơi vùng “cửa ngõ” phía Nam của tỉnh đã thể hiện rõ tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nỗ lực khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
Nhiều ngôi nhà bị hư hại
Chiều 17.2 vừa qua, thiên tai bất ngờ ập đến, nhiều hộ như gia đình chị Lý Thị Sinh, anh Đặng Văn An, thôn Nậm Moòng, xã Việt Vinh bỗng chốc rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất” khi ngôi nhà sàn – tổ ấm bình yên của họ bị giông lốc đánh sập. Gạt nước mắt, chị Triệu Thị Liên, vợ anh An nghẹn ngào: Sau bao năm, vợ chồng tôi mới dựng được ngôi nhà sàn 4 gian. Vậy mà chỉ sau cơn giông lốc, chúng tôi mất trắng! Trấn an tinh thần vợ, anh An ôn tồn: “Còn người còn của. Cũng may, cả gia đình kịp thoát ra ngoài trước khi nhà sập hoàn toàn”.
Trong căn bếp chỉ còn trơ khung và những mảnh Phi - bro xi - măng vụn vỡ vương khắp nền, chị Đặng Thị Hải, thôn Pha, xã Đồng Tâm vẫn bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc giông lốc “bốc” sạch mái bếp của gia đình. Khi ấy, chị và 2 con nhỏ đang sum vầy bên mâm cơm tối. Thấy mưa, giông ập đến, chị vội chạy lên khu nhà sàn thu vén quần, áo và đồ dùng, tránh mưa ướt. Bất ngờ, một phần mái hiên của nhà sàn đổ sập, khiến chị bị thương vùng đầu. Phía dưới bếp, 42 tấm mái lợp bắt đầu bung, rơi xuống đất, vỡ vụn. Hốt hoảng, chị chạy xuống, kịp đưa các con đến nơi tránh trú an toàn. Nhưng trời mưa, điện bị ngắt, chị không hay biết cô con gái Đặng Thị Oanh (12 tuổi) đã bị mảnh Phi - bro xi - măng rơi trúng đầu. Chỉ đến khi thấy con lịm đi, chị dùng ánh sáng từ điện thoại soi thì máu đã chảy ướt mặt và cổ áo… Giông lốc qua đi, giờ đây, ngồi phơi sách, vở dưới nắng nhuộm vàng không gian, giọng bé Oanh đầy nuối tiếc: Cháu vừa theo mẹ xuống bệnh viện khâu vết thương, 8 mũi nên không đến trường được; sách, vở ướt hết, có quyển còn bị rách…
Người dân thôn Pha, xã Đồng Tâm dọn cây đổ chắn đường nội thôn. Ảnh: THU PHƯƠNG |
Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn huyện Bắc Quang: Có 16/23 xã, thị trấn bị thiệt hại về nhà ở. Trong đó, 45 nhà và bếp bị đổ sập hoàn toàn. Hai địa bàn chịu thiệt hại nhiều nhất là thị trấn Việt Quang, 11 nhà và xã Quang Minh 15 nhà. Bên cạnh đó, số nhà bị tốc nóc, tốc mái của toàn huyện lên đến 1.535 nhà, tập trung nhiều nhất ở xã Quang Minh (418 nhà), Vô Điếm (385 nhà), Liên Hiệp (158 nhà) và thị trấn Việt Quang (222 nhà)…
Sản xuất nông nghiệp thiệt hại
Chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ xảy ra mưa, giông lốc, nhiều diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp của 16/23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bắc Quang bị thiệt hại, thậm chí mất trắng. Trong đó, 92 ha rừng keo bị ảnh hưởng, tập trung nhiều nhất ở 3 xã: Vô Điếm, Quang Minh và Bằng Hành; nhiều diện tích chuối đang kỳ thu hoạch bị đổ, gãy; gần 50 ha lúa, ngô bị ảnh hưởng… Đặc biệt, 56 ha cam Sành của người dân 4 xã: Việt Vinh, Đồng Tâm, Vô Điếm và thị trấn Việt Quang chưa kịp thu hoạch bị rụng hàng trăm tấn quả. Thêm vào đó, 1 xưởng sản xuất Nấm tại thị trấn Việt Quang bị sập, làm hỏng 7 nghìn phôi nấm; 600 m2 nhà lưới sản xuất rau, hoa của Hợp tác xã Thanh niên sản xuất Rau và hoa an toàn thôn Thượng Mỹ, xã Việt Vinh bị đổ sập; 115 chuồng nuôi bị sập, tốc mái, làm chết gần 100 con gà, lợn và dê. Anh Lương Xuân Hải, Đội trưởng Đội 2 Công ty Lâm nghiệp Cầu Ham cho biết: Giông lốc khiến 7 ha keo tại các xã: Đồng Tâm, Việt Vinh, Tân Thành bị gãy, đổ không thể khắc phục. Nhìn thân keo gãy nham nhở khắp rừng, xót xa lắm!
Cam chưa kịp thu hoạch, rụng vàng khu vườn khiến người dân xã Việt Vinh thiệt hại hàng trăm triệu đồng. |
Chứng kiến vườn cam hơn 2 ha của gia đình anh Triệu Văn Hồi, thôn Nậm Moòng, xã Việt Vinh, quả rụng nhuộm vàng góc vườn, gốc cây khiến nhiều người không khỏi xót xa. Anh Hồi cho biết: “Nếu không xảy ra giông lốc và mưa đá, gia đình tôi có thể xuất bán trên 80 tấn quả. Nhưng giờ chỉ còn khoảng 50 tấn”. Với giá cam từ 6 – 8 nghìn đồng/kg bán tại vườn như hiện nay, gia đình anh Hồi đã thiệt hại cả trăm triệu đồng. Không những vậy, anh Hồi và nhiều người trồng cam còn đang đối diện với thiệt hại kép: Hiện nay, nhiều vườn cam dù còn sai quả nhưng do ảnh hưởng mưa đá, quả cam xuất hiện những lỗ thủng nhỏ; điều này làm giảm chất lượng, rất khó bán; hơn nữa, chỉ sau một thời gian ngắn, những quả cam bị ảnh hưởng sẽ rụng - thương nhân Phùng Văn Mạnh, xã Vĩnh Hảo nhận định.
Tình người tỏa sáng
Giữa tiết trời Xuân, trận mưa kèm giông lốc chiều 17.2 vừa qua được đánh giá hy hữu, nhưng để lại hậu quả nặng nề, khiến huyện Bắc Quang thiệt hại trên 8 tỷ đồng.
Lực lượng “4 tại chỗ” giúp gia đình ông Bàn Văn Sài, xã Đồng Tâm lợp lại mái nhà. |
Thiên tai có thể gây nhiều khó khăn, mất mát cho người dân, nhưng trong lúc hoạn nạn ập đến thì truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” luôn tỏa sáng. Nhận được thông tin, nhiều người có tấm lòng hảo tâm đã kịp thời ủng hộ vật chất, tinh thần, chia sẻ mất mát với mong muốn xoa dịu phần nào nỗi đau của bà con. Thấm nhuần đạo lý tốt đẹp đó, anh Đặng Văn Học, dân quân tự vệ thôn Pha, xã Đồng Tâm đã hoãn chuyến du Xuân, lễ chùa đầu năm để cùng bà con trong thôn góp sức hỗ trợ, giúp đỡ những hộ bị thiệt hại về nhà sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã kịp thời đến từng hộ dân động viên, chung tay, giúp đỡ họ khắc phục hậu quả thiên tai với số tiền hỗ trợ lên đến hàng trăm triệu đồng…
Cơn lốc đi qua, những lán tạm, ngôi nhà mới đang hình thành từ sự chung tay, giúp sức của toàn xã hội để người dân bị ảnh hưởng sớm “an cư lạc nghiệp”. Tình cảm sẻ chia chân thành ấy giống như chốn bình an của mỗi người trong cơn giông tố!
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc