Giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học
BHG - Chất lượng bữa ăn của học sinh (HS) ở trường học bán trú luôn là mối quan tâm lớn của các bậc phụ huynh và toàn xã hội, khi ngày càng nhiều vụ ngộc độc thực phẩm (NĐTP) trong trường học liên tiếp xảy ra thời gian qua.
Chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh tại Trường Mầm non Sao Mai (thành phố Hà Giang). |
Đơn cử như, ngày 3.10, hơn 150 HS Trường PTDT bán trú Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc) có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, đi ngoài; nghi bị NĐTP sau khi ăn sáng bằng xôi với thịt lợn băm tại bếp ăn của nhà trường. Ngay khi xảy ra sự việc, các em đã được đưa đi cấp cứu kịp thời tại Phòng khám Đa khoa khu vực Xín Cái và Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc. Sau 2 ngày, toàn bộ số HS trên đều đã được xuất viện, với sức khỏe ổn định. Nguyên nhân gây ngộ độc được xác định là do thịt băm bị nhiễm khuẩn; sự việc trên thực sự là tiếng chuông cảnh báo về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong bếp ăn trường học.
Trên địa bàn tỉnh ta, hiện có 178 trường PTDT bán trú có bếp ăn trường học, với trên 50 nghìn HS được tổ chức ăn tập thể. Để đảm bảo VSATTP trong các trường học; ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức bếp ăn tập thể phải bảo đảm dinh dưỡng và VSATTP theo đúng quy định; đồng thời phối hợp với các cơ sở y tế của địa phương thường xuyên quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho HS; chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh. Hàng năm, các huyện, thành phố đều tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra an toàn VSATTP tại các bếp ăn trường học; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sở Y tế đã có chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện phối hợp với bệnh viện, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về cách phòng, chống NĐTP; đặc biệt là phòng, chống NĐTP trong bếp ăn trường học.
Thực tế cho thấy, việc đảm bảo VSATTP tại các trường học cũng đang gặp nhiều khó khăn và luôn tiềm ẩn nguy cơ bị ngộ độc. Khảo sát bếp ăn tập thể tại một số trường học trên địa bàn tỉnh, chúng tôi ghi nhận: Phần lớn các nhà trường đều chuẩn bị chu đáo bữa ăn có đầy đủ dinh dưỡng, các các loại thực phẩm đủ chất đạm, xơ, vitamin; khu vực chế biến thực phẩm được tách riêng, vệ sinh sạch sẽ, thực phẩm được mua ở các cơ sở có uy tín… Tuy nhiên, do khó khăn về cơ sở vật chất, một số trường học chưa đảm bảo về điều kiện bảo quản thực phẩm; nhân viên y tế trường học là cán bộ kiêm nhiệm nên hạn chế về năng lực kiểm tra VSATTP, nguồn thực phẩm cung cấp cho các trường học đa dạng, khó kiểm soát.
Để công tác kiểm tra VSATTP trong trường học được đảm bảo, Sở GD&ĐT vừa có Công văn 1175/SGDĐT-GDTH-DT về tăng cường các biện pháp đảm bảo VSATTP bếp ăn tập thể trong trường học. Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về VSATTP; không mua bán, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng; đảm bảo vệ sinh nơi chế biến và bảo quản thực phẩm; lưu mẫu thức ăn đúng quy định; người tham gia chế biến thức ăn phải vệ sinh sạch sẽ; phòng ăn, bàn ăn, chạn để bát đũa phải thường xuyên được vệ sinh; tăng cường kiểm tra, thanh tra cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn tập thể tại trường; đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục trên địa bàn có tổ chức bếp ăn tập thể cho HS...
Để đảm bảo VSATTP, nguồn thực phẩm cần phải được đảm bảo “sạch” từ cơ sở cung cấp đến bàn ăn của HS; Sở Y tế phải kiểm soát kỹ đầu vào thực phẩm trên địa bàn tỉnh, phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT trong kiểm tra, xử lý vi phạm về VSATTP trong trường học. Các nhà quản lý tại các cơ sở giáo dục và những người trực tiếp chế biến thức ăn cho học sinh phải nêu cao trách nhiệm và tuân thủ các quy định trong quá trình chế biến bữa ăn; xử lý nghiêm các cơ sở không đảm bảo VSATTP, các cơ sở để xảy ra NĐTP.
Chỉ khi nào các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện tốt ở tất cả các khâu, thì bữa ăn tập thể của HS tại trường học mới thực sự được đảm bảo.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc