Nhân lên tình yêu Tổ quốc - Bài 2: Chuyện tác nghiệp ở trường Sa
BHG - Được đến với Quần đảo Trường Sa là mơ ước của mỗi người con đất Việt và có lẽ việc được tác nghiệp ở Trường Sa là hạnh phúc lớn lao, là một dấu ấn không thể nào quên của những người làm báo nói chung và người làm báo của Hà Giang cực Bắc nói riêng.
Các chiến sỹ đảo Sơn Ca trong giờ giải lao. |
Đối với họ để đến được các đảo Sinh Tồn, Tây, Cô Lin, Sơn Ca, nhà dàn DK1, những đảo nổi, đảo chìm… thì họ phải trải qua một hành trình đầy vất vả. Là cựu chiến binh có thâm niên tác nghiệp ở những địa bàn khó khăn của Hà Giang, nhưng với 2 nhà báo Đặng Quang Vượng và phóng viên Phi Anh thì ra Trường Sa quả là sự thử thách lớn. Bởi sự rất khác biệt khi tác nghiệp ở đất liền: Thời tiết, khí hậu, gió và cát biển ấy là chưa kể chặng đường lênh đênh trên sóng biển và… say sóng. Không chỉ tham gia các hoạt động chung với Đoàn công tác, mà mỗi phóng viên phải tranh thủ thời gian để tác nghiệp. Trong điều kiện tác nghiệp vô cùng khó khăn, nhưng các nhà báo đều có những bài viết, bức ảnh đẹp, đặc biệt là những thước phim phản ánh sinh động cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ Hải quân, các hộ dân và học sinh sinh sống trên đảo Trường Sa; các hoạt động của Đoàn công tác số 14 tỉnh Hà Giang, của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang gửi gắm đến Trường Sa.
Các phóng viên trong đoàn công tác số 14 tác nghiệp tại Quần đảo trường sa. Ảnh: Tư Liệu |
Những ngày trên quần đảo, cũng như nhà Báo Đặng Quang Vượng luôn sưu tầm, kiếm tìm những tư liệu để có những bài viết bề Biển đảo, về những con người ở Trường Sa, thì phóng viên Phi Anh (Báo Hà Giang) còn đam mê chụp ảnh về Trường Sa, về “Lính đảo”. Để cập nhật hoạt động của Đoàn công tác, những tin, bài, ảnh gửi về tòa soạn đăng báo, các nhà báo dường như quên ăn, quên ngủ bởi ngày đi các đảo, tối ngồi trên bong tàu viết, chọn ảnh gửi về tòa soạn.
Phóng viên Phi Anh chia sẻ: Đi Trường Sa, bên cạnh việc say nghiệp viết còn phải có tinh thần vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Chưa bao giờ anh phải làm việc với cường độ công việc lớn như vậy, bởi liên tục tác nghiệp, hầu như chẳng có giờ nghỉ. Có lúc bài viết xong, chọn ảnh xong nhưng nhấn nút chuyển, thì lại không có mạng… đành chờ. So với những người lính đảo, thì công việc của chúng tôi chẳng thấm tháp gì, nhưng với áp lực tác nghiệp trong điều kiện khó khăn tại quần đảo thì có lẽ từ ý chí kiên cường của người lính, những tình cảm của người lính Trường Sa, của đoàn công tác, đã truyền cho chúng tôi có thêm nghị lực và sự quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ. Được biết, vốn say nghề, say nghiệp ảnh, mặc dù kinh tế chẳng dư dả gì, nhưng Phi Anh không ngần ngại đầu tư gần 40 triệu đồng để mua máy ảnh và các phương tiện phục vụ cho chuyến đi tác nghiệp. Để có những bài viết (đã đạt giải cao của tỉnh), những kinh nghiệm tác nghiệp ở Trường Sa, trước khi đi, Phi Anh còn đọc khá nhiều tài liệu về Trường Sa, các kinh nghiệm bảo quản các thiết bị khi tác nghiệp nơi gió cát, trên biển. Cũng chính vậy mà những ngày ở quần đảo, dù lủng củng máy ảnh, máy ghi âm, máy tính xách tay, nhưng vẫn… ok.
Cũng là thành viên của Đoàn công tác số 14 trên tàu HQ 996 Hải quân ra Trường Sa tháng 5. 2012 nữ Nhà báo Minh Tâm, Trưởng TTXVN tại Hà Giang, chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Giang, theo nghề báo nhiều năm, đặt chân hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh, nhưng trong cuộc đời làm báo, một lần được đến Trường Sa là sự kiện lớn trong đời. Chuyến đi Trường Sa năm ấy, mặc dù say sóng, tác nghiệp trong điều kiện khó khăn, cái khó không chỉ là những cơn say sóng mà phải đối diện với sự quá eo hẹp về thời gian. Chỉ khoảng gần 2 giờ đồng hồ lên mỗi điểm đảo, nếu không biết tận dụng thời gian thì cũng là lúc trở lại tàu. Sự khác biệt của những phóng viên tác báo tác nghiệp ở nơi đầu sóng ngọn gió này, không chỉ chụp được những tấm hình, được trò chuyện phỏng vấn những cán bộ, chiến sỹ, các hộ gia đình và trẻ em sinh sống trên các đảo chìm, đảo nổi mà phải vừa chạy đua với thời gian, vừa phải xây dựng và lưu giữ được cho mình một cảm xúc thiêng liêng. Hơn cả, đó là niềm xúc động vô bờ, khi được chạm đến trái tim của Tổ quốc giữa ngàn trùng sóng gió từ đó mới có thể sáng tạo ra những bài viết, những bức ảnh đầy ý nghĩa, hay những thước phim phóng sự tài liệu tác nghiệp tại Trường Sa cuốn hút mỗi bạn đọc, mỗi khán- thính giả, giúp mọi người hiểu hơn về Biển đảo Việt Nam, về Trường Sa Anh hùng.
Việc được tác nghiệp tại vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn là một trải nghiệm vô giá. Như các Nhà Báo chia sẻ: 10 ngày được tham gia cùng Đoàn công tác số 14, được sinh sống cùng cán bộ, chiến sỹ Hải quân trên tàu HQ-996 đã cho họ những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa. Giá trị lớn nhất mà họ thu nhận qua chuyến đi Trường Sa đó là được hun đúc thêm tình yêu với biển đảo, tình yêu với quê hương đất nước con người Việt Nam.
Hoa Sim
Bài 3: Nhân lên tình yêu Tổ quốc
[links()]
Ý kiến bạn đọc