Đề phòng gia súc bị sét đánh, việc của chính người chăn nuôi
BHG - Vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh ta thường xảy ra những vụ sét đánh chết trâu, bò. Con số thiệt hại là không nhỏ khi có vụ sét đánh chết cả đàn trâu. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính 3 – 4 năm trở lại đây, toàn tỉnh có hàng chục con trâu, bò bị sét đánh chết, đó là những điều rất đáng lưu tâm.
Để phòng ngừa sét đánh, người dân cần bỏ tập quán chăn thả rông gia súc trên đồi rừng. Trong ảnh: Người dân xã Phương Độ, thành phố Hà Giang lùa đàn trâu về chuồng sau một ngày chăn thả trên đồi. |
Điểm lại những vụ gia súc bị sét đánh ở tỉnh ta có thể thấy, do địa hình nhiều đồi núi, truyền thống thả rông ở một số nơi, hoặc do vài hộ gom chung đàn đi thả… là những nguyên nhân. Có thể kể đến những vụ điển hình như: Tháng 7.2015, tại thôn Khuổi Dò, xã Bạch Ngọc, Vị Xuyên sét đánh khiến đàn trâu 19 con thả trên đồi của 8 hộ dân bị chết, thiệt hại ước 600 triệu đồng. Cuối tháng 5.2017, tại thôn Khá Trung, xã Tân Lập, Bắc Quang tiếp tục xảy ra vụ sét đánh khiến 4 con trâu của 2 hộ dân bị chết, ước thiệt hại trên 100 triệu đồng. Mới đây (ngày 5.8), tại thôn Thanh Bình, thị trấn Việt Quang, Bắc Quang xảy ra vụ sét đánh khiến đàn trâu 8 con của 3 hộ dân bị chết trên rừng, thiệt hại ước 200 triệu đồng…
Ngoài ra, còn không ít vụ sét đánh gây thiệt hại về người và gia súc ở một số địa phương. Những thiệt hại do sét đánh thường xảy ra trong mùa mưa lũ, ở những địa bàn khó khăn. Qua thực tế cũng dễ nhận thấy những vụ thiệt hại lớn thường rơi vào trường hợp trâu của một vài hộ thả rông trên đồi cao; các hộ để trâu qua đêm trên đồi rừng; nơi chăn thả, nhốt có nền đất ẩm ướt, dễ truyền dẫn điện…
Thực tế không chỉ riêng ở tỉnh ta, nhiều tỉnh miền núi như Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái…, cũng đều ghi nhận những vụ sét đánh chết trâu, bò với số lượng thiệt hại không nhỏ. Một trong những nghi vấn về sét dễ đánh trúng đàn trâu là việc để quản lý đàn trâu chăn thả trên đồi rừng, nhiều gia đình thường treo chuông sắt vào cổ trâu. Khi trâu tập trung cả đàn trên đồi, với nhiều chuông sắt treo trên cổ dễ là tác nhân hút sét. Đặc biệt khi mưa, giông, trâu nằm trên nền đất ướt nên nếu bị sét đánh rất dễ làm cho cả đàn bị thiệt hại.
Những năm qua, tình trạng biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan khó lường, kèm theo đó là sét đánh nhiều hơn. Rừng tự nhiên dần mất đi, để lại nhiều đồi, núi trọc cũng dễ tạo ra những thiệt hại lớn hơn khi có thiên tai, mưa lũ, giông, sét. Thạc sỹ Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Quản lý khoa học cơ sở (Sở Khoa học và Công nghệ), lý giải: Khi trời giông, bão, các đám mây có chứa điện tích âm và dương bị dồn thổi va vào nhau, gây nổ và tạo ra sét. Các đám mây dễ tập trung hoặc bị cản lại nhiều ở các eo núi, đỉnh núi, những nơi có địa hình chia cắt, các ngọn cây cao, vì thế ở những nơi này thường dễ có sét. Bản thân vật nuôi như trâu dễ hấp thu điện, vì thế khi chăn thả trên đồi cao, trời mưa, giông rất dễ bị dính sét.
Thực tế những năm qua, trong các vụ sét đánh, chủ yếu là trâu bị thiệt hại. Anh Mua Quang Bình, Trưởng trạm Chăn nuôi, thú y huyện Yên Minh, cho hay: Do con trâu có trọng lượng lớn, cơ thể tích trữ nhiều nước, trên da ít lông nên có những vụ trâu đi qua sát trạm biến áp điện, bị điện phóng giật chết. Anh Bình dưa ra khuyến cáo, để tránh thiệt hại do sét, người dân cần thay đổi tập quán thả rông. Cần phải lùa trâu, bò về chuồng vào cuối ngày, đặc biệt là trước thời điểm mưa giông. Chuồng trại cần chỗ làm cao, ráo để phòng và giảm truyền dẫn điện khi bị sét đánh…
Trước sự biến đổi khí hậu ngày một khó lường, để tránh những vụ thiệt hại gia súc do sét đánh, các địa phương, đặc biệt là ngành Nông nghiệp cần tuyên truyền để người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, giảm thiệt hại do sét; áp dụng chăn nuôi khoa học, làm chuồng trại kiên cố, khô ráo, không chăn thả rông, để gia súc ngủ trên đồi rừng... Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức tự bảo vệ gia súc, tài sản của người dân.
Bài, ảnh: HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc