Xín Mần, nhiều khó khăn trong quản lý lao động tự do sang Trung Quốc

08:54, 11/07/2018

BHG - Huyện Xín Mần có 4 xã giáp ranh huyện Mã Quan (Trung Quốc); nhiều năm nay, tình trạng lao động tự do sang làm thuê trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

Xã Xín Mần có 4,727 km đường biên và Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long, là địa phương gặp nhiều khó khăn trong quản lý lao động sang Trung Quốc làm thuê. Từ đầu năm đến nay, xã có 31 lượt người sang Trung Quốc làm thuê, nhưng đó chỉ là con số chính quyền địa phương nắm được, thực tế lớn hơn nhiều vì người dân vượt biên theo đường tiểu ngạch. Người lao động tự phát sang Trung Quốc lâu nay là hiện trạng khó quản lý của xã Xín Mần nói riêng và các xã vùng biên nói chung. Người dân các xã giáp biên chủ yếu là người Mông, Dao, La Chí, Nùng, kinh tế còn nhiều khó khăn, địa hình canh tác phức tạp, ruộng nương chỉ làm được một vụ; những lúc nông nhàn bà con thường chủ động sang Trung Quốc làm các công việc như trồng cây, bốc vác, xây dựng…, với ngày công từ 180 – 300 nghìn đồng.

Bộ đội Biên phòng Xín Mần giúp dân xây dựng Nông thôn mới lồng ghép tuyên truyền người dân không vượt biên lao động trái phép.
Bộ đội Biên phòng Xín Mần giúp dân xây dựng Nông thôn mới lồng ghép tuyên truyền người dân không vượt biên lao động trái phép.

Anh Vàng Sèo Sì, dân tộc Mông, thôn Quán Dín Ngài, xã Xín Mần đã có nhiều năm sang làm thuê tại huyện Mã Quan, Trung Quốc, vừa trở về địa bàn xã được một tháng nay, cho biết: Trước đây anh thường sang đất bạn làm thuê, ngày công khá cao, nhưng công việc bấp bênh, thời gian làm việc dài hơn so với công nhật bên mình. Năm 2017, anh sang Trung Quốc làm thuê theo dạng hợp đồng 1 năm, nhưng vừa rồi vì có tuổi nên anh về nhà và để con trai là Vàng Seo Lún và con dâu Sùng Thị Say thay mình đi làm cho đủ 1 năm hợp đồng mới được trả công. Vàng Seo Lún mới hơn 20 tuổi, nhưng đã có nhiều năm sang Mã Quan làm thuê, lần này Lún cho cả vợ đang chăm đứa con mới đẻ hơn 6 tháng đi cùng sang bên kia cửa khẩu làm thuê ở trang trại chuối, thuộc huyện Mã Quan.

Theo anh Lù Văn Kinh, Trưởng Công an xã Xín Mần, hầu hết người dân khi làm giấy thông hành qua cửa khẩu đều lấy lý do đi thăm người thân hoặc buôn bán, nhưng thực chất là đi tìm công việc làm thuê kiếm thêm thu nhập. Những trường hợp này xã không thể ngăn cấm, chỉ biết thăm hỏi tình hình an toàn lao động và công xá khi trở về địa bàn. Còn trường hợp vượt biên trái phép, chính quyền xã khó kiểm soát được hết, ngay cả lực lượng cán bộ Đồn Biên phòng Xín Mần cũng gặp khó khăn trong nắm bắt các lao động vượt biên trái phép.

 Xã Chí Cà có 2 thôn Bản Phố và Hậu Cấu giáp biên giới nước bạn. Trong quý I năm nay, toàn xã có 193 lượt lao động sang Trung Quốc làm thuê, lao động có giấy thông hành 7 người còn lại 186 lượt đi tự do. Sát xã Chí Cà, xã Pà Vầy Sủ có giao thông đi lại khó khăn nhất huyện Xín Mần, địa hình dốc đứng khiến cho việc sản xuất của bà con hết sức khó khăn. Xã có 23 mốc Quốc giới từ mốc 172 đến mốc 185, trong đó nổi bật là mốc 172 thuộc địa phận thôn Ma Ly Phàn; có chợ biên mậu nên trường hợp người dân trong các thôn sáng đi qua biên giới, tối lại trở về gần như không thể kiểm soát.

 Đầu năm 2018 đến nay, Đồn Biên phòng Xín Mần đã 4 lần tiếp nhận trao trả lao động tự do từ lực lượng Biên phòng Trung Quốc với 38 người thuộc địa bàn huyện. Chia sẻ về tình hình lao động tự do sang Trung Quốc, Thiếu tá Bàn Văn Trọng, Phó trưởng Đồn Biên phòng Xín Mần cho biết: Công tác vận động, tuyên truyền cho bà con không vượt biên lao động trái phép được cán bộ đồn kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện thường xuyên, nhưng do nhận thức bà con còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Thống kê của Công an huyện Xín Mần, năm 2017 có 4.022 lượt lao động của huyện đăng ký sang Trung Quốc làm thuê, tăng 991 lượt so với 2016; quý I năm nay có 1.334 lượt người tính đến 15.3.

Tình trạng tự phát vượt biên đi làm thuê rất phức tạp, nhiều trường hợp bị lợi dụng sức lao động, bị lừa phải mất phí mới về được quê nhà. Năm 2016, có 3 thanh niên người Mông xã Xín Mần là Vàng Seo Sèo, Củ Seo Dìn, thôn Hẩu Cấu và Vàng Seo Sinh, thôn Xín Mần, nghe kẻ xấu dụ dỗ đã vượt biên làm thuê, nhưng do không thông thạo tiếng bản địa, không nắm chắc nơi mình đến làm nên bị lừa sang tận thành phố Quảng Đông, Trung Quốc làm thuê hơn 6 tháng không công, cả 3 khi biết bị lừa đã rủ nhau bỏ trốn. Rất may trên đường tìm về quê hương, họ gặp được 1 người quen đang sinh sống ở nước bạn giúp đỡ họ trở về quê hương với số tiền tàu xe hơn 1.000 nhân dân tệ. Đầu năm 2017, anh Sèn Văn Cường, thôn Cốc Cái, xã Cốc Rế sang Mã Quan làm thuê, không may bị điện giật chết.

Nhu cầu tìm kiếm việc làm để tăng thêm thu nhập của người dân địa phương là chính đáng, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng với hình thức tự liên hệ công việc, bà con dễ bị lợi dụng sức lao động, mất an toàn lao động... Bên cạnh đó, người dân tự ý vượt biên làm thuê ảnh hưởng việc quản lý nhân khẩu, trật tự, an ninh của địa phương gặp không ít khó khăn. Thiết nghĩ cần có thêm cơ chế hợp tác xuất khẩu lao động giữa huyện Xín Mần với huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc để người lao động có thể thông quan làm việc an toàn và đúng pháp luật.

Bài, ảnh: TRỌNG TOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phòng bệnh viêm não vi-rút vào mùa Hè

BHG – Mùa Hè, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi của nhiều bệnh, trong đó đáng lưu ý nhất là các bệnh do vi nhiễm vi-rút, vi khuẩn, ký sinh trùng. Đối với trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên vào mùa nắng nóng có nguy cơ cao mắc một số bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh viêm não vi-rút.

11/07/2018
Thành phố Hà Giang chú trọng nâng cao chất lượng dân số

BHG - Hà Giang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, chính vì vậy chất lượng dân số vẫn còn khá thấp. Nâng cao chất lượng dân số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Xác định được điều đó, tỉnh ta đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng dân số như: Quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân,... 

11/07/2018
Nỗ lực thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

BHG - Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động) do Bộ Chính trị phát động, đến nay đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Việc ưu tiên sử dụng hàng nội địa không chỉ từng bước chiếm ưu thế trong văn hóa mua sắm của người tiêu dùng mà còn mang đậm giá trị nhân văn khi thể hiện trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống dân tộc Việt.

10/07/2018
Đồn biên phòng Đồng Văn: Tiếp nhận công dân xuất cảnh trái phép

BHG - Vừa qua, tại khu vực Mốc 409 (Việt Nam), Đồn Biên phòng Đồng Văn đã tiếp nhận 8 công dân Việt Nam, do Trạm kiểm soát Biên cảnh Mã Lâm, Trạm kiểm soát Biên cảnh Đồng Cán, thuộc Đại đội Công An Biên phòng Huyện MaLyPho (Trung Quốc) trao trả.

09/07/2018