Nỗ lực thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
BHG - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) do Bộ Chính trị phát động, đến nay đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Việc ưu tiên sử dụng hàng nội địa không chỉ từng bước chiếm ưu thế trong văn hóa mua sắm của người tiêu dùng mà còn mang đậm giá trị nhân văn khi thể hiện trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống dân tộc Việt.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, Cuộc vận động đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham mưu cho Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cuộc vận động của tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện theo từng năm; phối hợp với các thành viên BCĐ tham gia Ban Tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa, tại các huyện biên giới… Cùng với đó, BCĐ Cuộc vận động đặc biệt coi trọng hoạt động khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm; có chiến lược quảng bá, khuyến mại, so sánh giữa hàng nội và hàng ngoại để người tiêu dùng lựa chọn. Đồng thời, quan tâm phát triển, quảng bá các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, nhằm tạo sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Minh chứng cho thấy, năm 2017, trong khuôn khổ tuyên truyền về Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang, cơ quan hữu quan đã lồng ghép tuyên truyền đến đại biểu trong và ngoài nước về những sản phẩm thế mạnh của Hà Giang; vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đại biểu, khách mời, khách du lịch ưu tiên sử dụng các sản phẩm sạch, sản phẩm có Chỉ dẫn địa lý, xuất xứ từ tỉnh Hà Giang như: Cam Sành, Chè Shan tuyết, Mật ong Bạc hà…
Sản phẩm của Tổ phụ nữ Thêu - đan xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) trưng bày, giới thiệu tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố lần thứ IX (tháng 6.2018), thu hút nhiều người tiêu dùng tham quan và mua sản phẩm. |
Song song với hoạt động trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vận động cán bộ, hội viên khi mua sắm vật dụng gia đình, tiêu dùng cá nhân, ưu tiên mua hàng do Việt Nam sản xuất và sản phẩm do doanh nghiệp, hợp tác xã, hội viên, phụ nữ địa phương sản xuất… Cùng với đó, Sở Công thương tham mưu, lựa chọn xây dựng 9 điểm bán hàng nông sản dọc tuyến Quốc lộ 2 (từ thành phố Hà Giang đến thị trấn Vĩnh Tuy – Bắc Quang), góp phần quảng bá, thu hút du khách tham quan, mua hàng nông sản do tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sản xuất. Đồng thời, tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về biên giới, miền núi tại các huyện biên giới. Tại đây, mỗi phiên chợ có quy mô từ 20 – 25 gian hàng của 10 doanh nghiệp tham gia, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, mua sắm hàng Việt. Không những vậy, Sở Công thương còn chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, thông qua các hoạt động như: Hỗ trợ trang thiết bị, tổ chức cho doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, mở các lớp đào tạo, tập huấn nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp...; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc trưng của tỉnh và ứng dụng Tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Đặc biệt, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Công thương Hà Giang đã tổ chức Đoàn khảo sát, tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng là thế mạnh của tỉnh như: Cam Sành, Chè Shan tuyết, Mật ong Bạc hà, các sản phẩm chế biến từ dược liệu tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối các tỉnh, thành phố trong nước. Đồng thời, tổ chức Tuần lễ cam Sành và các đặc sản Hà Giang lồng ghép với Hội chợ Nông sản thực phẩm an toàn tại các triển lãm nông nghiệp. Tổ chức không gian Văn hóa – Du lịch gắn với trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Quảng trường 26.3 (thành phố Hà Giang) và tổ chức không gian thưởng thức trà Hà Giang trong chuỗi các sự kiện của tỉnh diễn ra năm 2017. Qua đó, không chỉ quảng bá, giới thiệu sản phẩm chất lượng của Hà Giang đến người tiêu dùng mà còn kích thích ưu tiên sử dụng hàng Việt của nhân dân. Đặc biệt hơn, các thành viên BCĐ thực hiện Cuộc vận động còn phối hợp với ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, áp dụng các biện pháp quản lý, ngăn chặn việc nhập lậu hàng hóa; xử lý nghiêm trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; nhằm tạo niềm tin của nhân dân trong việc ưu tiên lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt. Minh chứng cho thấy, năm 2017, các cơ quan chức năng đã bắt giữ, xử lý 1.519 vụ vi phạm, thu nộp Ngân sách Nhà nước trên 14,4 tỷ đồng. Trong đó, trị giá hàng hóa vi phạm lên đến 7,4 tỷ đồng và trị giá hàng hóa tiêu hủy là 625,6 triệu đồng.
Có thể khẳng định, đến nay, Cuộc vận động từng bước đi vào chiều sâu, trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng nơi địa đầu Tổ quốc. Và sâu trong tâm khảm nhiều người đã ý thức rằng: Việc ưu tiên sử dụng hàng Việt chính là thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đúng như ý nghĩa sâu xa của Cuộc vận động do Bộ Chính trị phát động. Và đây cũng chính là động lực để các doanh nghiệp chân chính không ngừng nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng. Trên cơ sở này, không chỉ tạo cơ hội sản xuất, kinh doanh tại thị trường nội địa và xuất khẩu mà còn tạo vị thế hàng Việt Nam chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY
Ý kiến bạn đọc