Bản Rịa gian nan mùa mưa đến!
BHG - Đã nhiều năm qua, tuyến đường từ xã Yên Thành vào trung tâm xã Bản Rịa (huyện Quang Bình) xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thương, đi lại của bà con. Không chỉ người dân nơi đây, mà bất cứ ai phải đi qua con đường này cũng đều mong mỏi từng ngày, từng giờ con đường sớm được sửa chữa, nâng cấp để người dân đi lại được thuận tiện, các cháu học sinh mỗi ngày đến trường sẽ là một ngày vui….
Đoạn sạt lở nghiêm trọng trên trục đường vào trung tâm xã Bản Rịa (Quang Bình) luôn đe dọa đến tính mạng và tài sản nhân dân. |
Nằm cách trung tâm huyện Quang Bình 16 km, Bản Rịa là địa bàn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 57%; giao thông chưa được đầu tư đồng bộ. Từ km0+500, đoạn thôn Yên Thượng, xã Yên Thành vào thôn Bản Thín, xã Bản Rịa hiện có 1 điểm sạt lở nghiêm trọng với khoảng 20.000m3 đất, đá nằm “chềnh ềnh” trên mặt đường, chẳng khác gì một cái “bẫy” đánh cược sinh mạng người dân bất cứ lúc nào; nhất là khi trời mưa, đêm tối. Vượt nguy hiểm, đi tiếp đến km2+400, rồi đến km6+200, tiếp tục là những hành trình vô cùng gian nan. Đoạn đường này, xuất hiện vô số “ổ voi”, “ổ gà” và trên dưới 7 khu vực bị sạt lở lớn, nhỏ. Theo người dân phản ánh, trơn trượt là chuyện thường ngày mỗi khi vào mùa mưa…, người đi xe máy trên tuyến đường này thường xuyên phải dắt xe, thậm chí ngã, trầy xước da thịt là điều quá bình thường.
Anh Hoàng Văn Tuyên, thôn Bản Rịa bộc bạch: “Vào tháng 6.2017, lúc đó, tôi có chở 2 bao xi - măng từ dưới huyện về làm nhà, đi đến điểm sạt lở qua xã Yên Thành, bất ngờ đất, đá từ trên núi trôi xuống; theo phản xạ, tôi chỉ kịp nhảy ra khỏi xe để chạy thoát thân… May mắn thoát chết trong gang tấc và được chứng kiến cảnh tượng sạt lở; giờ, lúc nào cũng cảm thấy sợ và cảnh giác mỗi khi đi trên con đường này. Khi trời mưa, gia đình có người đau ốm, hoạn nạn phải đi viện thực sự là một cự hình với ngươi dân chúng tôi, chưa kể vì đường khó đi, nên nông sản của bà con làm ra cũng khó tiêu thụ, giá cả thì bếp bênh. Anh Tuyên mong muốn tỉnh, huyện sớm quan tâm đầu tư, sửa đường tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”.
Đã 7 năm làm cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Bản Rịa, anh Hoàng Văn Bính cho biết: “Hàng ngày, anh đều đi lại trên con đường nay, những hôm gặp mưa to, lượng nước trên núi đổ xuống mạnh làm sói lở cả mặt đường. Vào thời điểm tháng 5 – tháng 7, mưa liên tục nên rất vất vả, có hôm phải hộ nhau đẩy xe lên đường tắt để đi vào xã. Do đặc thù công việc, anh thường xuyên phải đến các thôn, bản kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi; hôm trời mưa to, phương tiện duy nhất để xuống cơ sở làm việc là đi bộ. Người lớn đã khổ, ít nhất vài ba lần tôi thoát nạn, tiền sửa xe nhiều hơn tiền đổ xăng; thương nhất là các cháu học sinh, có hôm phải nghỉ học vì đường mưa trơn, thậm chí bị sạt lở không thể đi được”.
Qua tìm hiểu, năm 2017 - 2018, xã Bản Rịa được UBND tỉnh đầu tư đổ bê - tông 2 km đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn Bản Rịa nhưng mới chỉ đáp ứng và giải quyết một phần. Chủ tịch UBND xã Bản Rịa, Đặng Ngọc Huân cho hay: “Sau mỗi trận mưa, xã phải huy động toàn lực lượng cán bộ, dân quân và nhân dân phải tu sửa lại những điểm hư hỏng nặng, nhưng do không có hệ thống rãnh thoát nước nên mưa lớn “đâu lại hoàn đó”. Đỉnh điểm, có đợt huyện, xã phải thuê máy xúc nửa tháng để xử lý 15.000 m3 đất, đá khu vực sạt lở, san gạt lại mặt bằng đường qua địa bàn xã Yên Thành. Vừa qua, xã lại tiếp tục xử lý thêm, nhưng hiện giờ nguy cơ sạt lở là rất cao”.
Con đường là nhịp cầu nối quan trọng thúc đẩy giao lưu buôn bán hàng hóa, phát triển KT- XH. Tuy nhiên, thực trạng trên đã tác động trực tiếp đến đời sống của bà con, mang theo bao nỗi nhọc nhằn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, nhận thức,… Được biết, xã Bản Rịa có mức tăng trưởng chậm, thu nhập bình quân đạt 13,4 triệu đồng/người/năm. Trước nhu cầu cấp thiết, cấp ủy, chính quyền xã Bản Rịa rất mong các cấp, các ngành xem xét nâng cấp, đầu tư làm đường bê - tông cho nhân dân đi lại thuận tiện; để người dân nơi đây có thêm động lực vươn lên thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc