Trải lòng người làm báo ở vùng cao
BHG - Còn nhớ, khi mới vào công tác tại Báo Hà Giang, chuyến đi cơ sở đầu tiên lên vùng Cao nguyên đá, tôi đã òa khóc khi chứng kiến những cung đường núi ngoằn ngoèo, những khúc cua tay áo liên tục; mệt lử và nhìn thấy những em bé vùng cao mặt mũi lấm lem, mặc mỗi manh áo cộc, lũn cũn theo mẹ lên nương. Càng trăn trở hơn, khi vào bản ăn bữa cơm với đồng bào chỉ có mèn mén và canh rau cải nương. Khi đó, tôi đã nghĩ, mình sẽ không theo nổi nghề báo hoặc có chăng là sẽ làm báo ở một nơi khác; nơi có cuộc sống sung túc hơn và mọi thứ cũng dễ dàng hơn…
Phóng viên Đài PT-TH Hà Giang lội bùn tác nghiệp. |
Thế mà mấy năm đã trôi qua, tôi vẫn miệt mài đi về trên Cao nguyên đá, tự mình rong ruổi trên những cung đường hùng vĩ của mảnh đất biên thùy, và cái ý nghĩ từ bỏ nghề báo đã chẳng còn mảy may xuất hiện trong đầu. Tôi nhận ra rằng, duyên nợ với vùng cao đã níu chân tôi ở lại, dù sống với nghề ở nơi ấy thật nhọc nhằn và gian khó. Nghề báo vốn dĩ đã vất vả, nhưng so với đồng nghiệp ở nhiều nơi thì những người làm báo ở tỉnh vùng cao, biên giới như Hà Giang, khó khăn khi tác nghiệp càng nhân lên gấp bội.
Là tỉnh có địa bàn rộng, với 11 huyện, thành phố và 195 xã, phường, thị trấn; địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Hiện, phương tiện đi lại để tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, nhà báo ở Hà Giang là xe máy, thậm chí nhiều thôn, bản phải đi bộ... Các phóng viên trẻ của Báo Hà Giang khi tác nghiệp tại những huyện vùng cao như: Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần đều tự đi xe máy và ở cơ sở đến cả tuần để nắm bắt thông tin, tìm kiếm đề tài nhằm tiết kiệm thời gian, công sức đi lại.
Tác giả trong chuyến công tác tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn). Ảnh: P.V |
Tự đi xe máy vượt hàng trăm cây số đường núi hay băng rừng, lội suối, lên non để tác nghiệp là điều không còn xa lạ với những người làm báo ở Hà Giang. Không những vậy, họ còn phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập như: Sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét trong quá trình tác nghiệp ở cơ sở; đặc biệt là khi vào mùa mưa. Đó là chưa kể một vài khó khăn trên đường tác nghiệp như đường trơn, đường dốc, đá; thì việc xe bị hỏng, thậm chí ngã xe, trầy xước chân tay là điều khó tránh khỏi. Đường sá đi lại rất khó khăn, quá trình tác nghiệp tại cơ sở lại thường chỉ có một mình, khiến công việc của những người làm báo vùng cao càng trở nên khó khăn, nguy hiểm; nhất là với những phóng viên nữ.
Nhưng quả thật, “lửa thử vàng – gian nan thử sức”, mặc dù khó khăn, vất vả, những người làm báo nơi địa đầu Tổ quốc vẫn ngày đêm hăng say với nghiệp “cầm bút”, vẫn dấn thân đến những vùng đất khó khăn bằng tình yêu nghề mãnh liệt. Để rồi, khi những “đứa con” tinh thần ra đời được độc giả đón nhận, thì trách nhiệm với công việc và tình yêu nghề của họ lại càng được nhân lên; họ lại đi, lại viết, lại sống với đam mê nghề nghiệp của mình.
Dù nhọc nhằn, vất vả, nhưng làm báo ở vùng cao cũng chứa đựng rất nhiều điều thú vị, độc đáo. Đó là được đặt chân đến những dải biên cương hùng vĩ của Tổ quốc, nơi chủ quyền biên giới thiêng liêng; được sống trong tình người thấm đẫm của đồng bào rẻo cao hồn hậu, chất phác và khâm phục trước ý chí kiên cường, vượt khó vươn lên của người dân nơi đây. Và còn rất điều thú vị khác mà các nhà báo, phóng viên có thể thu lượm được sau mỗi chuyến tác nghiệp ở vùng cao. Để rồi sau những chuyến đi, những tác phẩm báo chí mặn mòi mồ hôi, nước mắt cứ thế ra đời, với một ước muốn chung của tất cả những người làm báo là góp sức dựng xây vùng đất biên cương vững vàng, giàu đẹp.
Sau vài năm gắn bó với nghề, tôi thấy mình nhanh già đi. Cái nắng như đổ lửa của đất trời miền Tây, cái rét cắt da thịt của mùa Đông vùng Cao nguyên đá; những ngày dậy sớm đi cơ sở, hay những đêm thức khuya miệt mài bên máy tính và trăn trở với từng con chữ khiến tôi và nhiều đồng nghiệp già dặn hơn so với tuổi thật của mình. Nhưng nghề đã giúp những người làm báo như tôi trưởng thành hơn, vững vàng hơn và thêm yêu, thêm gắn bó hơn với cuộc sống ở miền đất còn nhiều gian khó này…
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc