Nghề báo cần những cái... "không"
BHG - Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng 4.0 với đầy hy vọng và nhiều thách thức với mỗi người, mỗi nghề. Nghề báo cũng không ngoại lệ, bên cạnh sự đổi mới, sáng tạo để đáp ứng với xu thế thời đại, nghề báo rất cần có những cái... “không”.
Phóng viên Báo Hà Giang, Đài PT-TH Hà Giang tác nghiệp tại một sự kiện của tỉnh. |
Không lười. Nghề báo hay bất cứ nghề nào, đều có cả quá trình từ khi học nghề cho đến khi làm nghề; nếu lười không chịu học, không chịu rèn thì rất khó. Khi đã vào nghề, điều đầu tiên phải có của mỗi người là sự cần cù, chịu khó. Làm báo không thể “há miệng chờ sung”, phải luôn tư duy, tìm tòi, lặn lội, phát hiện để có những đề tài mới, hay. Khi có đề tài hay rồi, bạn luôn phải trăn trở, viết, sửa, sửa viết thì mới có thể có được tác phẩm chất lượng. Tay làm, hàm nhai, làm báo nếu lười, không có tác phẩm thì đương nhiên là… “đói”.
Không được bảo thủ. Không ít người làm nghề báo với cá tính riêng rất mạnh mẽ. Nhưng cũng có những người vì cá tính của mình mà dẫn đến sự bảo thủ, cái gì cũng coi mình là đúng, là “đỉnh”, là nhất; từ đó, dẫn đến sự tự cao, tự đại, đó chính là khởi đầu cho quá trình tự thui chột chính mình. Khi không có tinh thần cầu thị, tiếp thu, núp mình trong vỏ bọc tự mãn, đó cũng là lúc làm mất đi sự chủ động, tính khách quan, một trong những điều cực kỳ quan trọng với nghề báo.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo, là một trong những đòi hỏi bức thiết với nghề báo. Một phóng viên cứ viết đi, viết lại một đề tài, nhiều năm liền cứ lặp đi, lặp lại một lối viết, bài nào cũng giống bài nào, chỉ có cái khác là địa danh, tên người thì thật là… “thảm họa” cho tờ báo; điều này chẳng khác nào đẩy tờ báo đi giật lùi. Các tác phẩm báo chí trên một số báo cũng giống như mâm cơm, cần có nhiều món và cần phải có sự chế biến, đổi món theo chu kỳ để có sự hấp dẫn với độc giả. Mỗi phóng viên phải luôn đi tìm những đề tài mới, cách thể hiện mới, cách nhìn nhận mới. Đó là những điều quan trọng giúp tờ báo phát triển, cá nhân phóng viên xây dựng được tên tuổi, tờ báo có chỗ đứng trong lòng độc giả.
Không ngừng rèn luyện, nâng cao đạo đức, tác phong nghề nghiệp là một trong những đòi hỏi quan trọng bậc nhất đối với mỗi người làm báo. Bút sắc, tâm sáng, đó là những yếu tố để làm nên những tác phẩm báo chí hay, có sức lan tỏa. Ngược lại, khi không có lòng tự trọng, cái tâm bị vẩn đục, viết chạy theo số lượng, đạo bài, xào bài, lợi dụng báo chí để trục lợi cá nhân…, khi ấy người viết báo sẽ như mất đi cái thần của nghề. Sự ngông nghênh, tự kiêu, tự đại mà chúng ta vẫn thường gọi là “tinh tướng”, “oai”, sẽ khiến chúng ta có ngày phải trả giá đắt. Nghề báo bao giờ cũng vậy, là một nghề phục vụ xã hội, có tính tiên phong cao, vì thế yêu cầu đầu tiên là phải đảm bảo tính định hướng, phải tuân thủ pháp luật, phải đảm bảo các quy tắc nghề nghiệp. Khi xác định được điều này, người làm báo sẽ tự xây dựng cho mình tâm thế hành nghề với tinh thần khiêm tốn, thái độ cầu thị để từ đó xây dựng nên cốt cách và bản lĩnh của người làm báo.
Nghề báo chắc chắn sẽ cần thêm những cái “không” nữa, nhưng một điều không thể không biết với mỗi người làm báo, đó là lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào”. Không ngấm những điều Bác dạy, rất khó thành công trong nghề báo.
Bài, ảnh: Huy Toán
Ý kiến bạn đọc