Chọn nghề phải dám… dấn thân

16:31, 20/06/2018

BHG - Làm nghề báo, thông tin bao giờ cũng quan trọng nhất. Để có thông tin kịp thời, chính xác, đòi hỏi người làm báo phải dám… dấn thân; luôn dũng cảm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, chấp nhận hy sinh và sự hiểm nguy.

Phóng viên Đài PT-TH tỉnh tác nghiệp tại cơ sở.
Phóng viên Đài PT-TH tỉnh tác nghiệp tại cơ sở.

Để có phóng sự điều tra về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi phải có mặt tại Chợ trung tâm thành phố Hà Giang từ 3 giờ sáng, đóng vai người mua hàng nhằm thâm nhập thực tế, ghi lại hành trình của những chuyến hàng không rõ nguồn gốc từ miền xuôi lên; hay quy trình sản xuất một số loại thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Khi có điểm nóng về thiên tai, lũ lụt, chúng tôi luôn có mặt kịp thời để chuyển tải những thông tin mới nhất, xác thực nhất, đầy đủ nhất về cuộc sống người dân vùng thiên tai…

Nghề báo có nhiều rủi ro, càng dấn thân tới tận cùng thì rủi ro càng nhiều. Còn nhớ, mùa mưa lũ năm 2017, phóng viên Đinh Hữu Dư (Thông tấn xã Việt Nam) khi đang tác nghiệp tại cầu Ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã bị lũ cuốn trôi. Đó là một tấm gương về sự dấn thân với nghề nhưng không may phải chịu rủi ro. Bên cạnh đó, thời gian qua, có rất nhiều nhà báo chân chính khi điều tra, viết bài về các vấn đề tham nhũng, tranh chấp đất đai, các sai phạm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã bị hành hung, đe dọa tính mạng, hủy hoại tài sản.

Nhà báo dấn thân không chỉ là lao vào những nơi nguy hiểm, mà còn đi tới tận cùng của chính sách, sự việc; phản ánh những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; hay tìm hiểu tận cùng những tâm tư, nguyện vọng của người dân để phản ánh đầy đủ, chính xác đến cơ quan chức năng, vì vậy đòi hỏi nhà báo phải luôn luôn năng động, học tập, bổ sung kiến thức, thông tin, hiểu sâu sắc vấn đề để có những bài vết “sắc nhọn”. Làm báo ở một địa bàn còn nhiều khó khăn như Hà Giang, nhà báo dấn thân còn phải chấp nhận nguy hiểm khi di chuyển trên đường để vào những bản làng xa xôi khai thác thông tin…

Nam giới làm báo đã lắm gian nan, phụ nữ chọn nghề báo càng phải nỗ lực gấp nhiều lần; bởi họ đã chọn gánh lên đôi vai áp lực công việc, trách nhiệm đối với độc giả, với xã hội và cả trách nhiệm gia đình riêng. Vì vậy, các nữ nhà báo buộc phải năng nổ, nhanh nhạy, sắc sảo thì mới có thể “Giỏi việc nước đảm việc nhà”.

Để khuyến khích thêm nhiều nhà báo dám dấn thân với nghề, trước hết các cơ quan công quyền cần thực thi pháp luật nghiêm minh, bảo vệ nhà báo bằng pháp luật; người dân chung sức bảo vệ nhà báo và hơn hết, mỗi nhà báo phải có kỹ năng cần thiết để tác nghiệp và tự bảo vệ mình trước những rủi ro có thể xẩy ra.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phía sau những tác phẩm ảnh báo chí

BHG - Ảnh báo chí (ABC) là một trong những yếu tố hấp dẫn, thu hút độc giả ngay từ ánh nhìn đầu tiên, trước khi tiếp cận thông tin trong một tác phẩm báo chí. Với vị trí quan trọng như vậy, để có được tác phẩm ABC chất lượng là sự nỗ lực rèn nghề không mệt mỏi của đội ngũ phóng viên Báo Hà Giang; nhất là những sự kiện có sự hiện diện của nguyên thủ Quốc gia.

 

20/06/2018
Cẩn thận các bệnh về tai do bơi lội

BHG - Mùa Hè nóng bức, hầu hết mọi người đều muốn đắm mình trong dòng nước mát sau một ngày làm việc, học tập mệt nhọc, khiến các bể bơi, thậm chí các ao, hồ, sông,... nhưng ít ai nghĩ rằng cũng có một số bệnh thường gặp trong bơi lội, hay gặp nhất là bệnh về tai.

 

20/06/2018
Phóng viên bám bản

BHG - Giáo viên bám bản một cụm từ chúng ta dành để tặng, để ca ngợi những thầy, cô giáo đang ngày, đêm "gieo chữ" tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới... Còn với chúng tôi, mỗi phóng viên (PV) tác nghiệp vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc luôn đóng vai trò là một Phóng viên bám bản trên mặt trận tuyên truyền. Cũng như những đồng nghiệp khác, nhiệm vụ của người PV dường như cũng tuân theo một quy luật đã được định sẵn "ngày cày, đêm cày" để dòng chảy thông tin được cập nhật kịp thời, đáp ứng nhu cầu bạn đọc...

20/06/2018
Trải lòng người làm báo ở vùng cao

BHG - Còn nhớ, khi mới vào công tác tại Báo Hà Giang, chuyến đi cơ sở đầu tiên lên vùng Cao nguyên đá, tôi đã òa khóc khi chứng kiến những cung đường núi ngoằn ngoèo, những khúc cua tay áo liên tục; mệt lử và nhìn thấy những em bé vùng cao mặt mũi lấm lem, mặc mỗi manh áo cộc, lũn cũn theo mẹ lên nương. Càng trăn trở hơn, khi vào bản ăn bữa cơm với đồng bào chỉ có mèn mén và canh rau cải nương. Khi đó, tôi đã nghĩ, mình sẽ không theo nổi nghề báo hoặc có chăng là sẽ làm báo ở một nơi khác;  nơi có cuộc sống sung túc hơn và mọi thứ cũng dễ dàng hơn…

 

20/06/2018