Dương Thanh Hiền - nữ Nhiếp ảnh gia nơi cực Bắc
BHG - Có thể khẳng định tới thời điểm khi tôi viết bài này, nghệ sỹ Nhiếp ảnh Dương Thanh Hiền là phụ nữ duy nhất ở của tỉnh có tước hiệu trên con đường nghệ thuật Nhiếp ảnh ở vùng cực Bắc biên cương. Chị được kết nạp vào Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam; được Tổ chức Nhiếp ảnh Quốc tế Piat phong Danh hiệu APAVA (Nghệ sỹ Nhiếp ảnh xuất sắc). Để có được những danh hiệu của một tổ chức uy tín nghề nghiệp trong nước và quốc tế như vậy, bất cứ văn nghệ sỹ nào cũng phải có một quá trình rèn luyện qua thử thách nghiệt ngã: Có năng khiếu bẩm sinh, lòng đam mê nghề mình theo đuổi và một nghị lực khao khát sáng tạo. Và nữ Nhiếp ảnh gia Dương Thanh Hiền đã vượt qua “Vũ môn” để đạt được những đòi hỏi khắt khe của nghề nghiệp như vậy! Từ một kế toán HTX mua, bán, chị trở thành nữ nghệ sỹ Nhiếp ảnh cấp quốc gia, danh hiệu APAVA của Tổ chức Nhiếp ảnh Quốc tế phong tặng; là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Hà Giang, Hội Viên Hội Nhà Báo Việt Nam tỉnh Hà Giang; Hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Chợ tình Khau Vai. Ảnh: Dương Thanh Hiền |
Dương Thanh Hiền sinh năm 1964, quê gốc Nghệ An, cha, mẹ làm cán bộ, lên Hà Giang từ những năm 60 của thế kỷ trước, rồi ông ở lại vùng đất biên cương Tổ quốc, an cư lạc nghiệp đến bây giờ. Dương Thanh Hiền sinh ra và lớn lên ở thành phố Hà Giang. Chị kể: Sau khi học xong Trung cấp kế toán năm 1983 chị vào làm kế toán tại Ban Quản lý HTX mua bán thị xã Hà Giang cho đến năm 1993. Mười năm làm nghề kế toán HTX, chị suốt ngày làm bạn với những con số cộng, trừ, nhân, chia, những cuốn sổ sách dày cộm, những trang biểu bảng. Rồi như một “định mệnh”, một lần bạn bè mách bảo, cơ quan Hội VHNT Hà Giang cần một kế toán, sau nhiều đêm suy nghĩ chị quyết định về Hội năm 1993. Làm ở Hội VHNT với công tác kế toán không chịu nhiều áp lực như hồi ở HTX mua bán. Chị lại được tiếp xúc nhiều với các văn nghệ sỹ là những nhà văn, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh, họa sỹ, nhạc sỹ vv…, tâm hồn chị được cởi mở ra một bầu trời rộng lớn và tươi đẹp như mùa Xuân. Chị đôi lúc cũng thấy lòng mình xốn xang ở một môi trường mới đầy thi vị này. Chị được các văn nghệ sỹ lớp trên và cùng tuổi thi thoảng cho đi công tác tiếp cận với công việc sáng tác VHNT. Và tình yêu nhiếp ảnh đến với Dương Thanh Hiền lúc nào không biết. Chị bắt đầu sắm máy ảnh. Sau mỗi chuyến đi công tác, chị được thử sức mình bằng những thước phim đen trắng chụp về phong cảnh thiên nhiên, con người các vùng miền mà chị đã đi qua. Ảnh chụp nhiều, về rửa ảnh hỏng cũng không ít, nhưng chị chẳng nản lòng… Chị luôn học hỏi mọi người, nhất là các bác, các chú đi trước về nghề: Nhiếp ảnh gia Nông Tú Tường, nghệ sỹ nhiếp ảnh Quốc gia, danh hiệu APAVA (Tổ chức Nhiếp ảnh quốc tế) phong tặng. Rồi đến các nghệ sỹ nhiếp ảnh lớn tuổi như: Hữu Đại, Đinh Quang Trung, Lê Được, Nguyễn Hữu Ninh… chỉ bảo, giúp đỡ…
Như con tằm miệt mài nhả tơ, làm kén, Dương Thanh Hiền vừa làm công việc kế toán cơ quan, vừa làm nghề nhiếp ảnh và chị yêu quý, đam mê nghề nhiếp ảnh như một tình yêu tri kỷ. Chị dồn hết cả tình cảm, trách nhiệm, nghị lực, lòng đam mê cho nhiếp ảnh. Rồi chị được bổ nhiệm Chánh Văn phòng Hội VHNT tỉnh. Từ đây Dương Thanh Hiền dành tất cả tâm sức cho nhiếp ảnh. Chị thường xuyên lăn lộn với cơ sở từ vùng chè, cam Bắc Quang, tới vùng xa miền Tây ruộng bậc thang, chè Shan tuyết Hoàng Su Phì, Xín Mần, tới vùng cao biên giới Cao nguyên đá 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc để phản ánh về con người, mảnh đất, lịch sử, văn hóa… của cộng đồng các dân tộc thông qua ống kính. Ảnh của Dương Thanh Hiền cuối những năm 90 thường xuyên được đăng trên trang bìa của Tạp chí Văn nghệ Hà Giang, Báo Hà Giang và một số tờ báo, tạp chí ở Trung ương.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, cuối năm 1999 tại Liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh Việt Bắc, tác phẩm “ Duyên núi” của Hiền đoạt Huy chương Đồng.
Thành công bước đầu của một chặng đường mới đã khích lệ Dương Thanh Hiền vững bước đi lên. Chị không thỏa mãn, tiếp tục lao vào “mặt trận” khám phá thiên nhiên, con người, văn hóa, cuộc sống… bằng sự sáng tạo của khoảnh khắc ánh sáng thông qua niềm đam mê nhiếp ảnh. Bàn chân của Dương Thanh Hiền đã đặt lên không biết bao nhiêu lần trên những con đường đá tai mèo vùng cao, những con đường mòn cheo leo, chênh vênh, hiểm trở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên viễn của mảnh đất Hà Giang… Nhiều khi cả ngày chịu đói, rét hay nắng gắt… để theo đuổi một ý tưởng chủ đề, đợi chờ một khoảnh khắc ánh sáng hay bất chợt một sự việc xảy ra để bấm máy… Chỉ sau 3 năm từ giải thưởng khu vực ban đầu, chị liên tục đoạt 6 giải thưởng, gồm: Giải C của Ủy ban Toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam với tác phẩm: “Êm ả Khau Vai” - 2002; Huy chương Bạc khu vực miền núi phía Bắc, tác phẩm: “Chợ tình Khau Vai”- 2003; Giải C Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, tác phẩm: “Chiều về Lũng Cú” - 2003; Giải C Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, tác phẩm: “Mùa lanh” - 2004; Huy chương Bạc khu vực miền núi phía Bắc, tác phẩm: “Em học lớp một”- 2005; Giải khuyến khích Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, tác phẩm: “Nét vẽ của Trời”- 2007.
Năm 2012 Hiền tiếp tục đoạt giải C của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, tác phẩm: “Điều mới lạ”. Giải C của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, tác phẩm: “Bé cũng e thẹn” – 2014; Giải khuyến khích Hội VHNT các dân tộc Thiểu số Việt Nam, tác phẩm: “Phơi lanh” - 2015. Giải A Giải thưởng VHNT tây Côn Lĩnh 5 năm lần 2, 3,4; Giải A tác phẩm VHNT về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
Những ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018 này, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Dương Thanh Hiền được sự tài trợ của Nhà nước qua Hội VHNT tỉnh Hà Giang và Hội Nhà báo Hà Giang tổ chức Triển lãm 120 bức ảnh tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang. Ảnh của Hiền chủ đề xuyên suốt các tác phẩm thường phản ánh về con người (chân dung) và cuộc sống con người gắn với thiên nhiên, văn hóa đặc trưng Hà Giang. Con người trong ảnh Dương Thanh Hiền dù già hay trẻ thường thể hiện bản chất của người lao động cần cù, sáng tạo và đặc biệt là sự sự hồn nhiên, vô tư có tính đặc trưng văn hóa cuộc sống…. Bố cục ảnh rõ chủ thể, thể hiện được cái chất của nhân vật… Về nghệ thuật ánh sáng rất tinh sảo giữa cái thực và cái hư để tạo nên sự hài hòa. Đặc biệt, ảnh phong cảnh của Hiền tĩnh mà lại động, bởi cái tài tạo ra từ sự xử lý ánh sáng và khoảnh khắc bấm máy làm cho tác phẩm có hồn.
Không chỉ thành đạt về nhiếp ảnh, Dương Thanh Hiền còn thử sức cả “sân” văn học. Chị làm thơ cho người lớn và cả thiếu nhi. Thơ Dương Thanh Hiền chủ đề thường phản ánh về cuộc sống lao động, tình cảm về quê hương, gia đình, bạn bè và triết lý cuộc sống… Câu từ mộc mạc, chân thành, dễ hiểu như chính con người chị. Chị đã đoạt giải Nhì cuộc thi thơ cho trẻ em tỉnh Hà Giang năm 2015 với tác phẩm “Tết ở quê ngoại”.
Với nhũng cống hiến trong quá trình công tác, chị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2013; 4 lần đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; 9 lần đoạt các giảI thưởng Nhiếp ảnh của khu vực phía Bắc và các chuyên ngành Trung ương cùng nhiều Bằng khen của các bộ, ngành Trung ương, của UBND tỉnh Hà Giang vv… Những phần thưởng cao quý đó phải chăng là những con số biết nói khẳng định một tên tuổi, âu cũng là đóng góp cho quê hương, đất nước của nữ nghệ sỹ Nhiếp ảnh Dương Thanh Hiền.
Bài, ảnh: Nhà văn: Đặng Quang Vượng
Ý kiến bạn đọc