Hội nghị đánh giá công tác giáo dục nghề nghiệp 2 năm 2016-2017, triển khai nhiệm vụ đến năm 2020.
BHG - Sáng 25.1, Sở Lao động TB&XH, Sở Nông nghiệp & PTNT và Sở GD&ĐT đã phối hợp tổ chức Hội nghị đánh giá công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) 2 năm 2016-2017, triển khai nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2020. Dự và chủ trì hội nghị có lãnh đạo 3 sở; Thường trực UBND các huyện, thành phố; đại diện các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề, Trung tâm đào tạo nghề trên toàn tỉnh và đại diện một số đơn vị liên kết đào tạo.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở GDNN, chất lượng đào tạo tại các cơ sở đã có bước chuyển biến tích cực, ngành nghề đào tạo đa dạng. Kinh phí đầu tư cho GDNN hai năm qua là 73 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn xã hội hóa là hơn 20 tỷ đồng. Từ năm 2016-2017, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh đào tạo được 23.179 người; trong đó, cao đẳng 379 sinh viên, trung cấp 1.593 sinh viên, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng được 21.207 học viên, đạt 104,41% so với kế hoạch. Công tác giải quyết việc làm ở lĩnh vực phi nông nghiệp là trên 70%; lĩnh vực nông nghiệp là trên 80%, một số nghề như dệt thổ cẩm, đan lát, chế biến chè trên 80% lao động có việc làm sau đào tạo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 46% năm 2015 được nâng lên 49,5% vào năm 2017. Mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ như: Đào tạo nghề theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng NTM… đã mang lại hiệu quả cao và được nhân rộng.
Triển khai nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2020, các sở, ngành liên quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng GDNN. Mục tiêu phấn đấu mỗi năm đào tạo bình quân 12.000 lao động, phấn đấu hết năm 2020 đào tạo nghề cho trên 36.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nghề trọng điểm Quốc gia. Đảm bảo trên 80% lao động có viêc làm ổn định và tăng thu nhập…
Hội nghị dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, phân tích những yếu kém, tồn tại trong công tác GDNN và đưa ra giải pháp khắc phục xoay quanh các vấn đề như: Công tác đào tạo nghề cần gắn với thế mạnh và nhu cầu đào tạo của từng địa phương; Có phương án nâng cao chất lượng liên kết đào tạo Trung cấp nghề theo Đề án 844 của UBND tỉnh về gắn giáo dục với dạy nghề tại trung tâm GDTX; Cần có sự phối hợp chặt chẽ trong khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động, có định hướng dài hạn và gắn với quy hoạch phát triển KT-XH chung của tỉnh…
Tin, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc