Vì mục tiêu sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN
BHG- Để góp phần thực hiện mục tiêu “Vì sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015”; Hà Giang đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đóng góp tích cực vào “dòng chảy” hội nhập chung này. Nổi bật từ kết quả trên chính là công tác quản lý, sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh (KCB) Bảo hiểm y tế (BHYT).
Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên chăm sóc sức khỏe người bệnh. |
Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị khẳng định: “Bảo hiểm xã hội (BHXH) và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội (ASXH), đây là nhiệm vụ hàng đầu, then chốt góp phần phát triển KT-XH bền vững, nhất là trong bối cảnh các nước ASEAN đẩy mạnh hợp tác về phát triển ASXH. Theo dòng chảy chung này, tại Hà Giang, cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cùng ngành BHXH và Y tế của tỉnh đã có nhiều nỗ lực để tạo nên những dấu ấn quan trọng trong công tác đảm bảo ASXH tại địa phương. Trên cơ sở đó, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu “Vì sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015” – do Việt Nam khởi xướng, tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12, diễn ra tại Hà Nội (tháng 9.2014).
Theo đó, ngày 21.7.2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 36 quy định mức hỗ trợ đóng BHYT đối với một số đối tượng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống chung bình và đối tượng là học sinh, sinh viên. Đồng thời, hỗ trợ 20% trên tổng số tiền phải đóng của hộ tham gia BHYT theo gia đình... Chính điều đó đã góp phần quan trọng nâng tỷ lệ người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 98%, vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT do Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Hà Giang thực hiện đến năm 2017 là 97,3% dân số toàn tỉnh. Đặc biệt, thông qua công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH và Sở Y tế tỉnh, công tác tuyên truyền chính sách BHYT đã được tổ chức thực hiện sâu rộng. Trên cơ sở đó, giải quyết đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia BHYT. Mặt khác, việc triển khai tin học hóa trong KCB và thanh toán BHYT được 2 ngành quan tâm nên quý II năm 2017 đã thực hiện giám định trên toàn hệ thống. Cùng với đó, các cơ sở KCB thực hiện nghiêm túc việc đồng bộ mã hóa các danh mục dùng chung và đẩy dữ liệu lên cổng hệ thống thông tin giám định BHYT theo quy định; thực hiện tốt công tác KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song, tỉnh ta đang phải đối diện với thực tế số chi KCB vượt quá Quỹ KCB BHYT của tỉnh. Minh chứng cho thấy, từ đầu năm 2017 đến 1.7.2017, tổng chi KCB BHYT tại tỉnh chiếm trên 339 tỷ đồng/407.883 đối tượng (tăng 55.967 lượt bệnh nhân, tăng 118,057 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016). So với dự toán giao chi của BHXH Việt Nam thì số chi KCB của tỉnh chiếm 61,4% và bội chi Quỹ KCB BHYT là 67,987 tỷ đồng. So với số đã thu BHYT thì số chi KCB của tỉnh chiếm 132% Quỹ KCB BHYT và bội chi Quỹ lên đến 90,286 tỷ đồng. Trước thực tế này, để sử dụng Quỹ KCB BHYT một cách tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, hạn chế mức thấp nhất tình trạng bội chi Quỹ KCB BHYT.
Ngày 11.8 vừa qua, lần đầu tiên, các cơ quan hữu quan đã phối hợp tổ chức Hội nghị Giao ban công tác quản lý Quỹ KCB BHYT năm 2017. Trong đó, có sự đồng chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý và Giám đốc BHXH, Sở Y tế Hà Giang. Tại hội nghị này, các đại biểu tập trung đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến gia tăng chi phí KCB BHYT như: Gia tăng do tần xuất KCB, nâng hạng bệnh viện, triển khai dịch vụ kỹ thuật mới tại một số cơ sở KCB; tăng ngày bình quân điều trị nội trú, tăng chi phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hoặc tăng chi phí KCB BHYT do cơ sở KCB lựa chọn sử dụng thuốc giá thành cao,... Từ thực tế này, đồng chí Trần Đức Quý đã có ý kiến chỉ đạo trực tiếp đến cơ quan, đơn vị hữu quan. Trên cơ sở đó, phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT, giảm tỷ lệ nợ đọng, trốn đóng BHYT để tăng nguồn thu đảm bảo cân bằng Quỹ KCB BHYT. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp trục lợi, lạm dụng Quỹ KCB BHYT... nhằm đảm bảo nguồn kinh phí KCB trong trường hợp số chi KCB vượt Quỹ KCB BHYT của tỉnh.
Thực tiễn cho thấy, từ giá trị nhân văn của thẻ BHYT đã nhân lên những điều tốt đẹp cho biết bao trường hợp không may nhập viện. Em Giàng Tờ Quỳnh, xã Minh Tân (Vị Xuyên), chia sẻ: Cuối tháng 6.2017, em không may bị tai nạn lao động, cụt mất 2 bàn tay. Trong suốt thời gian 21 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Giang, nếu không có thẻ BHYT thì gia đình em khó có thể xoay sở số tiền hàng chục triệu đồng để thanh toán các khoản chi phí điều trị. Nhưng nhờ tham gia BHYT, em chỉ phải thanh toán 300 nghìn đồng và còn có cơ hội được chăm sóc sức khỏe tốt hơn...
Có thể khẳng định: “Thực hiện tốt các chế độ chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân” (trích Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị). Bởi đây không chỉ là là trụ cột chính của hệ thống ASXH mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra.
PHƯƠNG THÙY
Ý kiến bạn đọc