Cảnh giác nguy cơ sạt lở ở Hoàng Su Phì
BHG- Những năm qua, hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, đá tại huyện Hoàng Su Phì đang ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như việc phát triển KT-XH tại địa phương. Sạt lở đất, đá thường xảy ra bất ngờ và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Do đó, vấn đề phòng tránh thiên tai ở các vùng có nguy cơ sạt lở cần được triển khai thường xuyên, kịp thời đến từng thôn, bản và gia đình.
Chỉ sau một trận mưa lớn, toàn bộ ngôi nhà cấp bốn của gia đình anh Nguyễn Hoàng Giáp, thôn Hạ A, xã Sán Sả Hồ bị sập hoàn toàn. |
Nằm ở phía Tây của tỉnh, Hoàng Su Phì có cấu tạo địa chất, địa hình rất phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc lớn, chất đất pha cát rất dễ bị trôi trượt khi có mưa lớn. Cùng với đó, phong tục canh tác, sinh sống của người dân thường làm nhà ở các ven triền núi, nhiều khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao và xảy ra lũ ống, lũ quét. Do đó, năm nào huyện cũng phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất, đá vùi lấp đường giao thông, ruộng vườn, nhà cửa. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến hết ngày 30.7, toàn huyện có 4 người chết do sạt lở đất và sét đánh. Mưa lớn cũng làm sạt lở ta-luy dương khiến 5 nhà bị sập hoàn toàn, 68 nhà bị sạt lở phải di dời và hơn 112 nhà bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất từ 10 – 30%; nhiều công trình phúc lợi, kênh mương bị hủy hoại. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm nhiều tuyến giao thông thuộc địa bàn 25/25 xã, thị trấn xảy ra tình trạng sạt lở với tổng số 362 vị trí, ước tính khối lượng trên 45 nghìn m3 đất, đá...
Có thể thấy mức độ tàn phá, ảnh hưởng của thiên tai đối với tài sản và tính mạng của người dân là không hề nhỏ. Cụ thể, vào khoảng gần 10 giờ sáng ngày 29.6, căn nhà cấp bốn của hộ anh Nguyễn Hoàng Giáp tại thôn Hạ A, xã Sán Sả Hồ bị sập đổ và hư hỏng toàn bộ, rất may không có thiệt hại về người. Theo anh Giáp cho biết, trước khi bị sập đổ, anh thấy nhà của mình có hiện tượng bị nứt, sụt lún nên đã báo chính quyền địa phương huy động cán bộ và nhân dân trong xã đến hỗ trợ, giúp đỡ gia đình anh di dời các vật dụng, tài sản ra khỏi căn nhà. Do phát hiện kịp thời nên không thiệt hại về người và tài sản, tuy nhiên toàn bộ căn nhà xây cấp bốn của gia đình anh đã bị sập hoàn toàn... Đau lòng nhất là vụ sạt ta-luy dương vùi lấp quán kinh doanh Internet tại khu 5, thị trấn Vinh Quang khiến 2 người tử vong.
Đồng chí Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT của huyện cho biết: Qua rà soát, toàn huyện hiện có trên 200 hộ đang sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở cao, trong đó có 71 hộ bị sạt lở cần phải di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên hiện nay, huyện đang gặp nhiều khó khăn để thực hiện di dời do thiếu nguồn kinh phí; đa số các hộ này nằm rải rác tại các khu dân cư nên việc tuyên truyền, vận động di dời gặp rất nhiều khó khăn. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân, huyện đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng thành lập các đoàn đi kiểm tra, tuyên truyền để người dân cảnh giác và chủ động phương án di dời nếu cấp thiết; các xã, thị trấn chủ động xây dựng phương án hỗ trợ cho các hộ di chuyển đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống với phương châm “Nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” gắn với xây dựng Nông thôn mới.
Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, người dân sinh sống ở những khu vực địa hình, địa chất không ổn định phải lưu ý thường xuyên khơi thông dòng chảy, nếu không sẽ tạo các nguy cơ mất ổn định rất cao, từ đó gây sạt lở. Những khu vực dân cư dọc theo các tuyến đường, đề nghị người dân phải đào các mái dốc, không để chân ta-luy dốc đứng, nguy cơ sạt lở rất cao; khi có mưa lớn trong nhiều ngày, cần phải cảnh giác và có phương án di dời đến nơi an toàn... Ngoài ra, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban chỉ huy PCTT và TKCN từ huyện đến cơ sở cần duy trì trực 24/24 giờ; triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo kịp thời và hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao cần phải tiến hành di chuyển đến nơi an toàn; tăng cường công tác thông tin dự báo, cảnh báo, thông báo của cấp trên về công tác phòng, chống thiên tai đến với người dân; luôn có những phương án dự phòng tối ưu, để kịp thời đối phó với tình huống xấu, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân...
TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc