Các công trình... "chờ trục lợi" chính sách giải phóng mặt bằng Thuỷ điện Sông Lô 6 ở xã Hùng An (!)
BHG- Báo cáo số 303, ngày 15.6.2017, của UBND xã Hùng An (Bắc Quang) chỉ ra rằng, Hội đồng kiểm đếm đền bù bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) công trình Thuỷ điện Sông Lô 6 của xã đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản 57 trường hợp xây dựng nhà ở, vật kiến trúc trên vị trí đất ngập nước buộc phải di dời để xây dựng công trình Thuỷ điện Sông Lô 6. Trong đó, UBND xã đã lập biên bản vi phạm xử lý hành chính đối với 41 trường hợp... và khẳng định: “Hiện tượng xây dựng nhà ở, vật kiến trúc diễn ra khá phổ biến ở 5 thôn được xác định nằm trong vùng ngập nước tại xã Hùng An hiện nay chưa được xử lý dứt điểm ”.
Những khu nhà sàn mọc lên như “nấm sau mưa”, cấp tốc rồi... bỏ hoang chờ đền bù tại thôn An Bình, xã Hùng An. |
“Mắt thấy, tai nghe”:
Trưởng thôn Đá Bàn (xã Hùng An) Lê Xuân Lớp, cho biết: Lãnh đạo xã, thôn và Hội đồng kiểm đếm của xã, huyện Bắc Quang đã xác định, Đá Bàn có 19 ngôi nhà to, nhỏ được dựng lên trái quy định pháp luật. Kèm theo đó là rất nhiều các công trình phụ trợ như nhà tắm, bể nước, chuồng trại... cũng được xây “cấp tốc” giai đoạn trước ngày 30.5.2016. (Xin nói rõ thời gian này huyện Bắc Quang đang gấp rút tiến hành công tác Bầu cử Đại biểu HĐND các cấp). Ông Lớp cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ các công trình xây dựng được cho là “ cấp tốc” trên đã được UBND xã, thôn tiến hành lập biên bản vi phạm và đề nghị xử phạt hành chính rồi tự tháo rỡ.
Nếu các công trình xây dựng “cấp tốc” được xác định là vi phạm pháp luật ở thôn Đá Bàn diễn ra còn “nhỏ lẻ” thì đến thôn An Bình mới là “đại công trình”. Tại các điểm được xác định là “trũng nhất” buộc phải di dời lại là các “tụ điểm chính” để xây dựng nhà ở. Tại các điểm trũng này, hàng loạt những ngôi nhà sàn đủ các kích cỡ to, nhỏ. Thoạt nhìn, những loạt nhà sàn cùng lúc dựng lên dựa lưng vào nhau làm người ta liên tưởng tới các “khu rì sọt” nghỉ dưỡng ở đâu đó.
Ông Nguyễn Xuân Tứ, Trưởng thôn An Bình, khẳng định: Hiện nay, đã xác định được 24 ngôi nhà dựng lên trái quy định pháp luật. Trong đó, chủ yếu là nhà sàn và hàng loạt các công trình kiến trúc khác xây cất kèm theo. Có những gia đình được gọi “3 không”, không hộ khẩu thường trú, không ở, không anh em họ hàng trong thôn cũng về đây xây cất nhà cửa (chủ yếu là nhà sàn, đào ao, xây chuồng trại) rồi... bỏ hoang (!).
Trực tiếp vào các công trình trên mới thấy, phần lớn các ngôi nhà sàn đều được các chủ nhân của nó mua lại đâu đó mang về dựng lên một cách tạp nham. Trong đó, cây cột làm nhà chủ yếu là gỗ tạp nhiều mối mọt, mái lợp phi pro xi-măng, không trần, thiếu những điều kiện phục vụ sinh hoạt tối thiểu và chắp vá. Gần như 100% các ngôi nhà sàn này đều không bàn thờ Tổ tiên, không người ở. Các công trình phụ xây dựng chắp vá, nhôm nham, bẩn thỉu. Hệ thống chuồng trại, ao cá, bể nước... tại các công trình xây dựng “cấp tốc” nêu trên đều bỏ hoang và cùng chung một mục tiêu là “chờ bồi thường”. Người dân trong thôn An Bình cho rằng, cần phải loại bỏ các công trình xây dựng trái pháp luật ra khỏi chính sách bồi thường. Đồng thời, đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra làm rõ và xử lý nghiêm những người lạm dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm “ trục lợi” bất chính.
Những vướng mắc:
Anh Vũ Đình Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hùng An, cho biết: Xã có 5 thôn nằm trong vùng di dời nhường đất để xây dựng Thuỷ điện Sông Lô 6 thì cả 5 thôn đều có hiện tượng xây dựng các công trình kiến trúc trái pháp luật “chờ” đền bù. Chính các công trình xây trái phép này đã và đang cản trở quá trình GPMB làm khó cho chính quyền địa phương và làm chậm tiến độ thi công xây dựng của chủ đầu tư. Qua điều tra của chính quyền, phần lớn các công trình xây trái pháp luật nêu trên đều được làm xong trong tháng 5.2016. Tại sao nó lại được xây dựng cấp tốc tại thời điểm đó. Vì thời điểm đó cả huyện Bắc Quang, chính quyền các xã đang tập trung làm công tác bầu cử HĐND các cấp. Và đây là thời điểm thuận lợi để các đối tượng trục lợi xây dựng lên để đòi bồi thường (!?).
Một trong những khó khăn nữa trong quá trình kiểm đếm tài sản mà chính quyền đang phải xác minh lại là: Hệ thống bản đồ của xã hiện không thể hiện đầy đủ, rách nát, các thông tin thửa không rõ ràng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các hộ từ năm 1993 chưa thể hiện cụ thể diện tích đất ở thuộc vị trí nào trên bản đồ dải thửa... dẫn đến khó khăn trong việc xác định vị trí các công trình xây dựng hiện nay. Bên cạnh đó, hệ thống bản đồ của xã Hùng An là bản đồ dải thửa, các mốc toạ độ là các mốc giả định. Trong khi đó, đơn vị nhận đo vẽ bản đồ là đo vẽ thực trạng. Quá trình kiểm đếm còn phát hiện nhiều số thửa đất đo vẽ trồng chéo, nhầm lẫn nhau... Từ quá khứ lập bản đồ trước đây và đo vẽ hiện trạng ngày nay còn nhiều chỗ chưa rõ cũng là những “nút thắt” làm chậm quá trình GPMB. Anh Tuyên khẳng định: Cũng cần phải nói thêm rằng, các cơ quan liên quan, cơ quan bảo vệ pháp luật hiện vẫn chưa vào cuộc quyết liệt. Mong rằng, thời gian tới sự phối kết hợp sẽ đồng bộ, quyết liệt hơn.
Hiện tại, công việc xác định rõ các lỗi vi phạm trong quá trình xây dựng “cấp tốc” để xử phạt đang được gấp rút tiến hành. UBND xã Hùng An cũng đã đề nghị UBND huyện Bắc Quang, Hội đồng bồi thường tái định cư và GPMB công trình Thuỷ điện Sông Lô 6 phối kết hợp làm theo hình thức “cuốn chiếu” để nhanh chóng hoàn thành công việc được giao. Rất mong các cơ quan hữu quan tập trung hỗ trợ UBND xã Hùng An giải quyết dứt điểm công tác GPMB và tái định cư để người dân ổn định đời sống, an tâm sản xuất.
NGUYỄN HÙNG
Ý kiến bạn đọc