Bản Pin, ngày ấy - bây giờ

06:55, 27/07/2017

BHG- Trong cuộc chiến tranh khốc liệt trên mặt trận biên giới Vị Xuyên - Thanh Thủy những năm 1984 - 1989, Bản Pin (xã Thanh Thủy, Vị Xuyên) được xem là tuyến phòng thủ thứ 2 sau các chốt ở các Cao điểm và được các chiến sĩ quân đội ta tham gia chiến đấu ở vùng đất này mệnh danh là “Thủ đô của lính” thời bấy giờ. Gần 30 năm, chiến tranh lùi xa, Bản Pin bây giờ là thôn Thanh Sơn đã khởi sắc về diện mạo và trở thành Làng Văn hóa du lịch cộng đồng nhưng vẫn còn đó những chứng tích lịch sử trong cuộc chiến đấu giành lại các Cao điểm trên mặt trận biên giới Thanh Thủy.

Những ngôi nhà đá được bộ đội ta xây dựng dưới chân núi Thần trong thời kỳ chiến tranh 1984 - 1989.
Những ngôi nhà đá được bộ đội ta xây dựng dưới chân núi Thần trong thời kỳ chiến tranh 1984 - 1989.

“Thủ đô của lính” ngày ấy...

Chúng tôi đến Bản Pin trong một ngày tháng 7, những ánh nắng vàng chiếu rực rỡ trên những thửa ruộng mới cấy xong. Dừng chân dưới ngọn núi Thần hùng vĩ, những ký ức một thời chiến tranh lại ùa về trong tâm tưởng của mỗi người. Vẫn còn đó cửa hang Thẳm Nghịa và những ngôi nhà đá tựa lưng vào các vách núi dựng đứng được xây trong những năm chiến tranh ác liệt nhất. Theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Công Dựng (sinh năm 1976) một người con sinh ra, lớn lên ở Bản Pin và cũng là người tham gia chiến đấu ở đây cho biết: Cái tên Bản Pin đã có từ rất lâu đời, đến năm 1960, Bản Pin mới đổi tên thành thôn Thanh Sơn. Các chiến sĩ quân đội ta chiến đấu ở đây thường gọi là Làng Pin (theo tiếng Tày, Pin có nghĩa là trèo, leo). Bản Pin vốn là một vùng đất có địa thế hiểm trở, phía Tây được che chắn bởi dãy núi Đán Thân hay còn gọi là núi Thần, để vào được Bản Pin thường thì phải vượt qua 9 đoạn suối. Đây cũng là điểm cuối cùng của các phương tiện cơ giới, vì vậy Bản Pin được xem là hậu cứ của bộ đội ta. Ngoài ra, Bản Pin còn có các lối mòn dẫn đến các xã Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải và các chốt ở các Cao điểm nên thuận lợi cho việc phòng thủ và di chuyển của quân ta. Dọc theo chân núi Thần, tuy với diện tích chỉ vài trăm mét vuông nhưng được bố trí nhiều hệ thống tác chiến như: Sở Chỉ huy, kho hậu cần, trạm phẫu và hệ thống hầm, hào chiến đấu... Ông Dựng cho biết thêm: Năm 1979, Trung đoàn 122 thuộc Sư đoàn 313 được lệnh bảo vệ khu vực biên giới Thanh Thủy. Đây cũng là đơn vị đầu tiên đóng quân tại Bản Pin lúc bấy giờ. Tiếp đó khi cuộc chiến tranh khốc liệt vào những năm 1984 - 1989 các đơn vị của quân đội ta lần lượt được tập kết tại đây bao gồm: Sư đoàn 316, Sư đoàn 314,  Sư đoàn 356...

Ngày 28/3/1984, quân địch bắt đầu bắn pháo thăm dò, 1 tháng sau đó (ngày 28/4) cuộc chiến ác liệt nổ ra. Để đảm bảo an toàn, người dân Bản Pin được sơ tán về khu vực xã Linh Hồ (Vị Xuyên). Bản Pin trở thành khu vực phòng thủ thứ 2 trong cuộc chiến đấu giành lại các Cao điểm lúc bấy giờ. Đại tá Nguyễn Đình Tác, nguyên cán bộ Phòng Khoa học Quân sự thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ: Sở dĩ thế hệ những người lính từng tham gia chiến đấu ở mặt trận biên giới Thanh Thủy đều quen gọi Bản Pin là “Thủ đô của lính”, bởi lúc ấy tất cả các hoạt động của chiến sĩ quân đội ta đều tập kết ở đây sau đó mới được phân đi các chốt. Từ năm 1984 - 1989, quân địch bắn phá ác liệt với hàng nghìn quả đạn pháo xuống mặt trận biên giới. Cuộc sống của chiến sĩ vô cùng gian khổ, hầu hết mọi hoạt động đều diễn ra vào ban đêm để đảm bảo an toàn và bí mật. Tuy vậy, với tinh thần quyết chiến, quân đội ta đã giành được nhiều chiến thắng quan trọng trên các Cao điểm. 

Một góc bình yên Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Thanh Sơn hôm nay.
Một góc bình yên Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Thanh Sơn hôm nay.

... thôn Thanh Sơn bây giờ.

Chiến tranh đã lùi xa gần 30 năm, người dân Bản Pin lại trở về trên mảnh đất quê hương để tiếp tục công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ biên giới. Bản Pin lúc ấy giờ là Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Thanh Sơn đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới. Với sự đầu tư, quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã nỗ lực xây dựng thôn Thanh Sơn ngày càng khởi sắc. Không còn cảnh hoang tàn do đạn pháo hay phải vượt qua những khúc suối mà thay vào đó là những con đường bê tông trải dài đến từng hộ dân, điểm trường Mầm non được xây dựng khang trang, những ngôi nhà sàn được xây dựng mang đậm phong cách truyền thống... Anh Nguyễn Văn Liền, Trưởng thôn Thanh Sơn cho biết: Thôn có tổng diện tích tự nhiên là 320 ha, với 76 hộ, 369 khẩu, 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Tày chiếm hơn 90%. Toàn thôn có 13 hộ dân tham gia phát triển dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ phục vụ cho khách du lịch. Thu nhập của người dân chủ yếu là phát triển nông nghiệp, nhiều mô hình chăn nuôi lợn, dê với quy mô trang trại, gia trại được triển khai và nhân rộng. Nhờ thế, cuộc sống người dân từng bước được nâng cao, hộ nghèo cũng giảm xuống đáng kể theo từng năm. Đến nay, toàn thôn hiện có 10 hộ giàu, hộ khá và trung bình chiếm đa số.          

Năm 2015, thôn Thanh Sơn được UBND tỉnh công nhận là Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới. Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và phát huy mạnh mẽ nội lực, thôn Thanh Sơn đã hoàn thành 10 tiêu chí theo tiêu chuẩn Panhou (Khu du lịch sinh thái). Thanh Sơn cũng là thôn đầu tiên của huyện Vị Xuyên trong số 11 thôn của các huyện, thành phố trong tỉnh hoàn thành 10/10 tiêu chí được các ngành của tỉnh thẩm định. Hàng năm, thôn đón rất nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Qua đó, thúc đẩy kinh tế toàn thôn phát triển, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

 Những ngày tháng 7 tri ân, hàng nghìn cựu chiến binh, chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam lần lượt trở về Bản Pin để thăm lại hậu cứ ngày xưa, nơi mà họ cùng đồng đội từng chia nửa miếng lương khô, chiến đấu anh dũng để giành lại từng tấc đất cho quê hương. Để thắp những nén hương thơm tưởng nhớ đến những người đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi đất mẹ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bản Pin anh hùng ngày ấy và Thanh Sơn bây giờ đã khởi sắc hơn nhiều nhưng vẫn còn đó những người lính, người con kiên trung, vẫn còn đó những chứng tích lịch sử của những ngôi nhà đá tựa núi Thần hay hang Thẳm Nghịa từng che chở cho người lính quân đội ta một thời oanh liệt.

VĂN LONG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn và Bắc Mê với phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa"

BHG- Trong những ngày tháng 7 này, cả nước cùng hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ; huyện Đồng Văn cũng đang tích cực chăm lo đến đời sống các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng. 

27/07/2017
Sức mạnh tập thể ở một Công đoàn cơ sở

BHG- Công đoàn cơ sở (CĐCS) Trung tâm Dịch vụ công cộng - Môi trường (DVCC-MT) và Cấp thoát nước huyện Yên Minh hiện nay, tiền thân là CĐCS Phòng Tài nguyên và Môi trường được sát nhập từ ba đơn vị: Phòng TN&MT, Văn phòng Sử dụng đất và Đội DVCC&MT và hoạt động dưới sự chỉ đạo của LĐLĐ huyện Yên Minh.

27/07/2017
Thông tấn xã Việt Nam tri ân các thương binh, liệt sỹ tại Hà Giang

BHG - Hòa chung không khí cả nước tri ân Ngày Thương binh liệt sĩ (27.7.1947 -27.7.2017), trong 2 ngày 25 và 26.7, đồng chí Đinh Đăng Quang, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) làm trưởng đoàn đã đến đặt vòng hoa, thắp hương tưởng nhớ anh linh các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. 

26/07/2017
Lãnh đạo Công an tỉnh thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, người có công với cách mạng nhân ngày Thương binh, liệt sĩ 27.7

BHG - Ngày 25.7, lãnh đạo Công an tỉnh đã đến thăm hỏi, tặng quà thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong ngành Công an nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sĩ.

26/07/2017