Cách làm hay và sáng tạo trong phòng, chống thiên tai ở Quản Bạ
BHG- Đêm mồng 2 rạng sáng 3.4.2016, là những giờ phút không thể nào quên với người dân nhiều nơi trên địa bàn huyện Quản Bạ. Một trận mưa đá rất lớn diễn ra trong vòng 15 phút với mức độ “chưa từng có” trong vài chục năm trở lại đây, đã đổ xuống gây ảnh hưởng trực tiếp đến các xã: Quyết Tiến, Tùng Vài, Tả Ván, Quản Bạ, Đông Hà và Lùng Tám. Với 1.565 hộ, gần 100 nghìn tấm pro xi – măng, trên 2.300 ha cây nông - lâm nghiệp bị thiệt hại... ước tính thiệt hại mùa mưa bão trên 23 tỷ đồng của cả năm 2016, con số này khiến Quản Bạ trở thành địa phương bị thiệt hại mùa mưa bão nặng nề nhất tỉnh. Rút kinh nghiệm năm trước, ngay từ đầu năm 2017, huyện chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại mùa mưa bão.
Mô hình “chằng néo mái nhà phủ lưới” chống mưa bão của hộ anh Hầu Ngọc Tiến, thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến. |
Điểm nhấn “mô hình chằng néo mái nhà tại xã Quyết Tiến”
Năm 2016, Quyết Tiến là xã bị thiệt hại do mưa bão nặng nhất so với các địa phương còn lại của huyện: Hứng chịu 2 trận mưa đá, bão lốc, làm tốc mái và hư hỏng trên 1.200 mái nhà, 74.391 tấm lợp, trên 600 ha cây nông - lâm nghiệp và dược liệu. Có 4 thôn bị thiệt hại gần 100% số hộ như Lùng Thàng, Đông Tinh, Bó Lách, Tân Tiến. Để phòng, chống mưa bão, năm 2017 xã xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai. Đồng thời, được huyện lựa chọn là “mô hình điểm chằng néo mái nhà” tại thôn Nậm Lương với 5 hộ dân thực hiện: Hầu Văn Tiến, Ly Thị Dế, Chảo Văn Cồ, Chảo Vần Phù và Triệu Xuân Lương. Mái nhà được làm gồm các nguyên, vật liệu: Cây vầu, tre hoặc gỗ, dây sắt, lưới che (loại lưới thường dùng che phủ trong các nhà lưới trồng rau sạch). Kỹ thuật làm mái được thực hiện: Buộc các thân cây tre, gỗ vào mái nhà theo hình chữ A dọc theo mái, các ô cách nhau từ 2,5 - 3m. Sau đó căng lưới che phủ lên trên, kéo căng để đàn hồi, giảm tác động khi mưa đá rơi xuống, viên đá sẽ bật lăn xuống phía dưới thấp, giảm tối thiểu việc bị thủng mái. Tùy diện tích từng nhà chi phí làm sẽ khác nhau, bình quân mỗi hộ đầu tư khoảng 1 - 1,6 triệu đồng đã có thể bảo vệ cho ngôi nhà của mình. Anh Hầu Ngọc Tiến, thôn Nậm Lương, 1 trong 5 hộ được chọn làm điểm chằng néo mái nhà, cho biết: “Năm 2016, mưa đá làm nhà tôi thiệt hại khoảng 7 triệu đồng, hỏng gần 100% tấm pro xi- măng. Mô hình chằng néo mái nhà được thực hiện từ đầu tháng 5, với sự giúp đỡ của lực lượng dân quân huyện, xã, chi phí được huyện hỗ trợ hoàn toàn. Hiện chưa có mưa đá to, nhưng tôi thấy từ khi làm xong mái nhà mới che phủ pro xi-măng cũ có 3 tác dụng: Giảm âm thanh khi trời mưa to, khi nắng to nhà bớt nóng và khi có gió lốc nhà khó bị tốc mái. Gia đình ngủ ngon, bớt lo”.Bà Ly Thị Dế, hộ cùng thôn, cho biết: “Từ khoảng năm 1987, tôi mới thấy có trận mưa đá to như thế vào năm ngoái. Nhà tôi trình tường, mưa đá năm 2016 làm hỏng gần 100% mái. Năm nay, được chọn làm điểm tôi thấy yên tâm hơn, không sống trong sợ hãi nữa. Chúng tôi cũng thử ném viên đá, gạch lên mái nhà được chằng néo, thấy bị bật ra lăn xuống mép lưới, giảm vỡ tấm lợp”.
Đặc biệt, ngày 18.5.2017 vừa rồi, UBND huyện Quản Bạ tổ chức cho lãnh đạo và cán bộ 13 xã, thị trấn tham quan học tập mô hình thí điểm phòng, chống thiên tai bằng phương pháp chằng néo mái nhà tại Đội 3, thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến. Trên cơ sở đó, giúp các xã tuyên truyền đến đông đảo bà con địa phương áp dụng, nhân rộng trong thời gian tới. Mô hình này được nhân dân đánh giá cao, cán bộ và lãnh đạo huyện, xã rất đồng tình. Đây cũng chính là ý kiến đồng tình của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến trong dịp tham quan mô hình này tại Quyết Tiến thời gian vừa qua.
Căn nhà trình tường thực hiện mô hình điểm “chằng néo mái nhà phủ lưới” chống mưa bão của hộ bà Ly Thị Dế, thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến. |
Chủ động mọi biện pháp phòng, chống thiên tai
Theo báo cáo đánh giá đến thời điểm hiện tại, so với cùng thời điểm năm 2016, năm nay huyện Quản Bạ bị thiệt hại ít hơn. Song không thể chủ quan do diễn biến thất thường của thời tiết. Để việc phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm 2017, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện đã xây dựng, triển khai Kế hoạch tới toàn bộ 13 xã, thị trấn. Yêu cầu các địa phương kiện toàn Đội xung kích cấp xã; bố trí lực lượng, phương tiện vật tư, kinh phí để thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Do ảnh hưởng trận mưa đá, mưa to, gió lớn kéo dài ngày 18.3.2017, có 48 hộ dân ở các xã: Quyết Tiến, Tùng Vài, Quản Bạ, Thanh Vân, Thanh Vân, thị trấn Tam Sơn; 3 điểm trường bị tốc mái ở các xã Cán Tỷ, Quản Bạ, Tùng Vài. Trước tình hình trên, UBND huyện Quản Bạ chỉ đạo UBND các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân các biện pháp khắc phục, huy động lực lượng giúp đỡ những hộ bị thiệt hại nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Anh Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, cho biết: “Những trận mưa đá như năm 2016 vừa rồi là hiện tượng thời tiết cực kỳ nguy hiểm. Có thể chỉ kéo dài vài phút nhưng gây nguy hại đến tính mạng con người, hủy hoại tài sản. Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay xã tuyên truyền nhân dân xây dựng, sửa chữa nhà ở sao cho kiên cố, thường xuyên chằng néo mái nhà để tăng độ chắc chắn, phòng gió lốc, thực hiện phòng, chống thiên tai và phương châm 4 tại chỗ”.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, năm 2017 thời tiết diễn biến thất thường, các hiện tượng như: Sét, dông lốc, mưa rào, mưa đá có khả năng xảy ra với cấp độ mạnh và phạm vi rộng. Anh Mùng Xuân Huynh, Phó phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, cho biết: Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện và Ban Thường trực Kế hoạch dự phòng thiên tai, thành lập lực lượng cứu hộ, cứu nạn từ 50-100 người để điều động khi cần thiết. Huyện cũng chủ động nhân lực, phương tiện, các điều kiện cần thiết để di dời người và tài sản đến nơi an toàn, sẵn sàng với phương châm 4 tại chỗ. Kiện toàn Đội xung kích PCTT&TKCN cấp xã từ 20 – 30 người. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền tới nhân dân...”.
Huyện Quản Bạ đã có các biện pháp chủ động, cách làm linh hoạt, sáng tạo qua thực hiện thí điểm “mô hình chằng néo mái nhà chống mưa bão”.
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc