Tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc do rượu
BHG - Ngày 13.2, tại huyện Phong Thổ (Lai Châu), có hàng chục người phải cấp cứu; trong đó, có 9 người tử vong do ngộ độc rượu (NĐR). Từ ngày 28.2 - 1.3, có 8 bệnh nhân được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) do ngộ độc Methanol (cồn công nghiệp) có liên quan đến rượu. ngày 10.3, hàng loạt sinh viên ở Hà Nội nhập viện vì NĐR Methanol... Những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc như hiện nay, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Hiện nay, toàn tỉnh có 19 cơ sở sản xuất rượu với 28 sản phẩm rượu được các cơ quan chức năng quản lý cấp đầy đủ các loại giấy phép, gồm: Giấy phép kinh doanh, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP, xác nhận kiến thức ATTP, chứng nhận khám sức khỏe định kỳ, xác nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm thực phẩm, kiểm nghiệm định kỳ về sản phẩm. Những sản phẩm rượu này được đóng chai và có nhãn mác cụ thể, đảm bảo về thương hiệu và chất lượng. Tuy nhiên, theo đồng chí Lục Tiến Vọt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh: Việc quản lý, kiểm soát rượu hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn bởi ngoài các sản phẩm đảm bảo an toàn VSTP được đóng chai, có nhãn mác, một lượng lớn rượu đang được lưu hành trên thị trường hiện nay là rượu can, rượu ngâm các loại loại thực vật, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát; ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong vệc đảm bảo vệ sinh ATTP chưa cao và đặc biệt là nhiều người dân đang lạm dụng rượu, biến rượu trở thành thứ thức uống không thể thiếu hàng ngày, dẫn đến không kiểm soát được hành vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành, các Bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, thực hiện ngiêm các quy định về vệ sinh ATTP đối với sản phẩm rượu, có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ban chỉ đạo vệ sinh ATTP tỉnh cũng có Công văn đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, lễ hội được tổ chức trên địa bàn có kinh doanh và sử dụng rượu, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng; Sở Công thương phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, rượu không rõ nguồn gốc, nhập lậu, kém chất lượng, triển khai các biện pháp quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đối với rượu theo phân cấp quản lý để ngăn chặn rượu kém chất lượng lưu hành trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, nấu rượu thủ công; Sở NN&PTNT phối hợp cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, quy trình sử dụng hóa chất bảo quản nông sản; Ban chỉ đạo các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm đảm bảo vệ sinh ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh rượu; không lạm dụng, sử dụng rượu bia không có nguồn gốc trôi nổi trên thị trường...
Thiết nghĩ, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành; để phòng, chống NĐR hiệu quả, bản thân mỗi người dân cần hạn chế tối đa việc uống rượu và chỉ sử dụng các loại rượu có nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ sức khỏe của chính mình.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc