Những "bức ngăn" không nhỏ đối với công tác dân số ở rẻo cao
BHG- “Tôi vẫn bắt chúng đẻ, cho đến khi có được cháu trai mới dừng...” Đó là câu chuyện của ông Vàng Sao Vàng, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ; một người đã ngoài 60 tuổi, nhưng vẫn mong muốn con dâu đẻ cho được cháu trai.
5 người con của gia đình anh Vàng Tờ Chính, bé lớn hiện đang học lớp 8, nhỏ 2 tuổi. |
“Gái hay trai chỉ hai là đủ” câu tuyên truyền này dường như vẫn thật khó thực hiện trên mảnh đất rẻo cao, bởi theo quan niệm của người Mông: Khi còn sống phải có con trai, để sau khi chết sẽ có người chăm sóc mồ mả, thờ cúng; cho nên “sống mà không có con trai cũng bằng không”. Từ những quan niệm đó, việc có con trai là bắt buộc; vì vậy, dù có phải đẻ 5, 6 hay 10 đứa nếu chưa có con trai thì vẫn phải tiếp tục đẻ. Quan niệm từ ngàn đời đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân và trở thành rào cản cho việc tuyên truyền hướng người dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch.
Thanh Vân là một xã cách trung tâm thị trấn huyện Quản Bạ hơn 3 km, mặc dù đã có sự quan tâm không nhỏ của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhưng công tác tuyên truyền KHHGĐ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, có những “bức ngăn” chưa thể dỡ bỏ, như: Phong tục tập quán; chế độ thù lao cho cán bộ làm công tác dân số (DS) và cộng tác viên DS thấp, không kịp thời nên chưa đảm bảo cho các hoạt động; trình độ dân chí hạn chế, không đồng đều nên việc tiếp cận các thông tin tuyên truyền về DS - KHHGĐ còn thấp; thuốc phòng, tránh thai không đủ nhu cầu của chị em phụ nữ trên địa bàn xã; việc áp dụng quy ước, hương ước của thôn vào xử lý các trường hợp vi phạm về chính sách DS - KHHGĐ còn hạn chế. Cho nên những con số về tăng dân số hàng năm tại đây vẫn còn cao, theo anh Nguyễn Trung Tuyến, cán bộ Tư pháp xã cho biết: “Năm 2016, toàn xã Thanh Vân có 5 cặp tảo hôn và 16 trường hợp sinh con thứ 3, hai tháng đầu năm nay xuất hiện thêm 2 trường hợp, trong đó có trường hợp là đảng viên...”
Nút thắt ngày một khó ngỡ, khi chúng tôi đến làm việc thì cán bộ DS tại địa phương đã xin nghỉ, hiện giờ xã chưa có người phụ trách DS, việc nắm số liệu hay thông tin do Trung tâm Y tế xã và Tư pháp xã mỗi bên nắm một ít. Gỡ nút thắt ở tại chính quyền hay tại lòng dân!? Trở lại câu chuyện của ông Vàng Sao Vàng tại thôn Mỏ Sài, là một người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, hiểu và tin theo Đảng nhưng ông vẫn không thể bỏ qua những quan niệm cũ. Hiện tại con trai ông đã sinh đến đứa con thứ 6, những đứa bé gái xinh xắn, ngoan ngoãn cũng không giúp ông từ bỏ việc phải có cháu trai. Ông nói, “dù bằng cách nào con trai ông cũng phải sinh hạ một bé trai, cho đến lúc ấy ông mới có thể nhắm mắt...”. Không chỉ nhà ông, tại thôn cũng có nhiều gia đình có đến 5, 6 đứa con gái những họ vẫn quyết tâm... đẻ tiếp, như gia đình anh Vàng Tờ Chính hiện đã có 5 người con gái, nhưng anh vẫn chưa từ bỏ việc sinh con trai nối dõi của gia đình.
Đông con là nguyên nhân dẫn đến nghèo, đói; nhìn những đứa bé cầm tờ giấy xin chữ kí của bố, của trưởng thôn xác nhận để nhận tiền chợ cấp học sinh nghèo hàng tháng, rồi nhìn sang những đứa bé thiếu áo quần trong giá lạnh, bò lăn lộn trên nhà. Một khung cảnh nheo nhóc, biết là nghèo nhưng vẫn cố, quyết tâm đẻ cho bằng được một cậu ấm. Đó là một “bức ngăn” không hề nhỏ đối với công tác DS ở rẻo cao.
Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc