Để 6 thôn bản vùng sâu của xã Nà Chì phát triển vững chắc
BHG- Tôi phải chọn 1 ngày thật nắng ráo mới can đảm lần về 6 thôn: Nậm Sái, Nậm Ánh, Nậm Khương, Nguyên Thành, Bản Vẽ, Bản Bó của xã Nà Chì (Xín Mần). Trên 433 hộ, gần 3.000 con người của 5 dân tộc đã gắn bó ngàn đời vượt qua mọi gian lao gìn giữ mảnh đất này.
Đồng bào Bản Bó mở đường đại đoàn kết. |
Đồng bào thôn Bản Bó trong ngày mở đường Đại đoàn kết đông như hội. Tất cả lực lượng thanh, thiếu niên, người còn sức lao động được huy động mở rộng đường liên thôn, bản.
Người dân trong bản hy vọng, con đường rộng ra để các sản phẩm nông nghiệp trong bản ra ngoài trung tâm xã Nà Chì gần lại. Trong những năm qua, đồng bào địa phương đã hiến cho Nhà nước rất nhiều đất đai, hoa màu, ruộng nương để mở đường về thôn. Phong trào “Đại đoàn kết” đã trở thành bài học, thành động lực giúp cho dân làng làm được nhiều việc tốt. Mở đường, xóa nhà tạm, góp đất, san nền, làm trường học... Gần như tất tật công việc trong thôn, ngoài xã Nà Chì đồng bào đều dùng sức mạnh “Đại đoàn kết” làm nên.Người dân trong các thôn tâm sự: Nếu có được xi măng, nhựa đường thì họ sẽ dùng sức mạnh “ Đại đoàn kết” để làm nốt con đường về thôn. Đấy là những nỗi mong chờ đã rất nhiều năm từ phía Nhà nước của đồng bào địa phương nơi này để đường về 6 thôn vùng sâu, đặc biệt khó khăn này gần lại. Nhiều gia đình cho rằng, con đường khó đi hiện nay là “vật cản” vô hình đến công tác xóa đói, giảm nghèo tại quê hương họ. Một bác nông dân ngơi tay cuốc đất mở đường cho tôi biết, vào mùa gặt, mỗi kg thóc bán tại thôn Bản Bó chỉ có 3,5 – 4.000 đ/kg. Trong khi đó, mỗi kg thóc bán tại trung tâm chợ xã Nà Chì rẻ nhất phải là 7,5 – 8.000 đ/kg. Theo tính toán, mỗi vụ thu hoạch, sản lượng lúa vùng này bán ra cả trăm tấn lúa hàng hóa với giá giẻ làm thiệt hại cho bà con.
Tương tự, vào mùa chè rộ búp hiện nay thì rất nhiều nhà trong thôn mong khách vào mua để hái bán. Bởi vì, mỗi năm trong 6 thôn bản vùng này cung cấp ra thị trường hàng ngàn tấn chè búp tươi. Các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng đè lên lưng người dân. Bởi lẽ, phần lớn người dân trong này đi tắt núi xuống chợ xã Bản Liền (Lào Cai) địu về. Mùa khô đã vậy, mùa mưa thì nỗi cực nhọc của đồng bào các thôn khó nói cho hết. Mong được Nhà nước đầu tư nâng cấp con đường từ xã Nà Chì đi qua Nậm Ánh, Nậm Khương vào Bản Vẽ, Bản Bó, lên Nguyên Thành, về Nậm Sái để đồng bào nơi đây phấn đấu xóa nghèo, theo kịp miền xuôi.
Trao đổi với anh Hoàng Văn Hành, Trưởng thôn Bản Vẽ được biết, thôn có 71 hộ. Tiềm năng lớn nhất của thôn là chăn nuôi trâu, bò, dê, trồng rừng và thu hái chè Shan Tuyết. Còn Trưởng thôn Bản Bó, Hoàng Văn Dư thì khẳng định: Nếu Nhà nước đầu tư nâng cấp đường về 6 thôn của họ thì chăn nuôi, du lịch khám phá, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề truyền thống sẽ bừng dậy...! Được biết, phần lớn diện tích và sản lượng chè búp của xã Nà Chì tập trung tại 6 thôn vùng sâu này. Nguồn lực để phát triển chăn nuôi trâu, dê, nuôi ong lấy mật cũng ở trong 6 thôn trên. Tiềm năng phát triển kinh tế rừng, phát triển du lịch cũng ở nơi đây mà ra. Tiềm năng về văn hóa tộc người, thế mạnh về tài nguyên rừng sẽ gắn liền với địa danh, địa mạo mà phát triển du lịch, dịch vụ đang là xu thế hiện nay. Vì thế, Bản Bó, Bản Vẽ, Bản Liền... rất cần một cơ hội đầu tư được quan tâm đúng mức của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội hướng về họ.
Bữa ăn trưa của học sinh, trường Tiểu học Bản Vẽ còn quá đạm bạc. |
Nói đến công việc dạy - học của thầy, trò nơi này tôi càng cảm phục. Một tiếng chào bác đồng loạt cất lên từ những đứa trẻ trong căn phòng nhỏ bé, chật chội. Lớp học Mầm non của cô giáo Thúy có tới trên 3 chục trẻ nằm chen chúc nhau ngủ trưa trên nền bạt ni-lông giữa ngày nắng nóng. Một bữa cơm rau đạm bạc không thể hơn nữa của các em trường Tiểu học Bản Vẽ. Được biết, các em trong 6 thôn đi học đều được Nhà nước hỗ trợ 120.000 đồng/tháng/em. Số tiền đó chỉ đủ giúp các thầy, cô nhà trường mua mắm muối, chút cá khô. Toàn bộ gạo, củi, rau măng do gia đình các em tự đóng góp. Vì thế, mỗi bữa cơm các em ăn là một niềm tự hào được cắp sách đến trường, đến với bạn bè, thầy cô. Các thầy cô nơi này khẳng định, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi từ 12 tháng tuổi đến hết tiểu học được huy động đạt 100%. Theo suy nghĩ của tôi, huy động và giữ chân được các cháu, các em đến trường của các thầy cô nơi này đã là một thành tích. Đấy là chưa kể tại các trường, điểm trường, sau mỗi buổi lên lớp các thầy cô còn tự quản lý học sinh, lo ăn, lo ngủ buổi trưa ngay trên lớp học. Riêng đối với trường Tiểu học Bản Vẽ có 72 em học sinh các lớp từ các thôn bản xa xôi về đây nội trú ăn nghỉ, học hành dưới sự chăm lo của các thầy, cô giáo. Mặc cho trường lớp còn hẹp, còn bị xuống cấp, bữa ăn còn đạm bạc... nhưng tình thầy trò lại ngày càng gắn bó, lòng thầy cô ngày càng rộng mở vì tương lai của các em, của thôn bản.
Nền tảng để 6 thôn bản vùng sâu xã Nà Chì xóa đói, giảm nghèo đã có. Nền tảng đó là tiềm năng về sức lao động, là tình đoàn kết cộng đồng, là nguồn tài nguyên, là địa danh, địa mạo vùng miền, là tri thức đang được trang bị từ các mái trường, từ thầy cô... Còn làm thế nào để “kê” cái chân tảng cho chắc tại 6 thôn bản của xã Nà Chì vẫn đang để ngỏ ? Hơn bao giờ hết, rất cần một sự quan tâm đúng mức của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với đồng bào ở 6 thôn bản vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn này. Để từ đó, tạo ra nguồn động lực thúc đẩy và hỗ trợ công tác xóa đói, giảm nghèo nơi đây.
Rời Bản Bó trong một chiều Hè nắng rực. Đánh vật với chiếc xe máy gần một tiếng đồng hồ tôi mới đi hết 11 km từ bản ra đến trung tâm xã Nà Chì đem theo bao ước vọng của người dân khao khát thoát nghèo.
Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc