Ký ức "Người lính già"

06:17, 30/04/2016

BHG- Họ gọi nhau là những “Người lính già” bởi mái đầu đã ngả nhiều sợi bạc, đôi bàn tay run run lần từng kỷ vật và ký ức lại vỡ òa nước mắt khi nhớ về thời khắc hào hùng của hơn 40 năm về trước. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng với họ, từng trận đánh, từng mảnh đất đã đi qua và cả tình người miền Nam ấm áp, ruột thịt luôn ở lại trong trái tim mình.

Niềm vui ngày gặp mặt đồng đội của Hội những người tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Niềm vui ngày gặp mặt đồng đội của Hội những người tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tôi may mắn được trò chuyện với những “Người lính già” ấy trong buổi gặp mặt đồng đội của những người từng tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (trên địa bàn thành phố Hà Giang) nhân kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trên ngực áo ai cũng đỏ đầy những tấm Huân, Huy chương; 41 năm đã trôi qua, người còn, người mất, nhưng với những người cựu chiến binh hôm nay, đồng đội và chiến trường như một phần của cuộc sống. Họ nắm tay nhau thật chặt, đôi mắt rưng rưng lệ khi nhắc tên đồng đội đã mất vì bệnh tật, vì di chứng mà chiến tranh để lại; họ cùng nhau cất lên những bài ca cách mạng, cùng thăm hỏi, động viên nhau vượt qua cuộc sống.

Ngày ấy của hơn 40 năm về trước, những chàng trai đất Bắc xếp bút nghiên, quyết tâm lên đường đi đánh giặc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc; để lại phía sau là gia đình, bè bạn, tình yêu và cả những ước mơ dang dở. Trong không khí náo nức của ngày gặp mặt hôm nay, tôi thấy dường như ai trong họ cũng đều trẻ lại, sống cùng ký ức hào hùng với những tháng ngày chiến đấu ác liệt trên khắp các chiến trường miền Nam.

Cựu chiến binh (CCB) Chẩu Thanh Quý (phường Minh Khai) hào sảng kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời mình: “21 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ, hành quân vào chiến trường niềm Nam, tham gia đánh trận ở khắp các chiến trường từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, đến Tây Nguyên. Năm 1975, đơn vị tôi được lệnh vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Mũi tấn công của Quân đoàn 2 là đánh thộc sâu vào Dinh Độc lập. Tôi là một trong những người ngồi trên đoàn xe tăng của Quân đoàn 2, húc đổ cổng Dinh Độc lập. Chúng tôi lúc đó hừng hực khí thế chiến đấu ...”. 11h 30 phút ngày 30.4.1975, có lẽ là khoảnh khắc thiêng liêng không thể nào quên với ông. “Chiến thắng rồi, đất nước thống nhất rồi, vui sướng lắm, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của từng chiến sỹ và người dân Sài Gòn lúc đó” - ông Quý tiếp lời.

Thời khắc lịch sử ấy, không chỉ đồng bào niềm Nam, đồng bào cả nước vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, mà chính những người trực tiếp chiến đấu, làm nên kỳ tích ấy lại nghẹn ngào trong hạnh phúc khi những nỗ lực chiến đấu không ngại gian khổ, hy sinh của họ đã đến ngày thắng lợi hoàn toàn; xương máu của đồng đội ngã xuống đã không vô ích.CCB Lê Văn Bảng (phường Nguyễn Trãi) cũng là một trong những chiến sỹ mà đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh thọc sâu vào Sài Gòn từ hướng khác. Nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên có dáng người thư sinh, trắng trẻo đã không quản ngại khó khăn, cùng đồng đội băng rừng, lội suối, vừa hành quân, vừa đánh giặc: “Cuối tháng 3.1975, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân vào miền Nam chiến đấu, đánh trận khắp các chiến trường Tây Nguyên, Bình Dương, Biên Hòa. Sáng ngày 30.4, đơn vị được lệnh đánh thẳng vào Sài Gòn, mũi tấn công của đơn vị là đánh vào Dinh tỉnh trưởng Gia Định. Sau khi chiếm xong Dinh tỉnh trưởng, cũng là lúc nhận được tin đồng đội đã chiếm được Dinh Độc lập, cả đơn vị vỡ òa trong niềm vui”. Ký ức về chiến tranh với ông Bảng không chỉ là những trận đánh ác liệt, những cơn sốt rét rừng hành hạ, những bữa chia nhau từng miếng lương khô, uống nước từ các hố bom... mà là tình đồng đội thiêng liêng và tình cảm gắn bó, ruột thịt của người dân miền Nam luôn che chở, bảo vệ cán bộ, chiến sỹ cách mạng.

Xen vào giữa những câu chuyện kể về các trận đánh oai hùng, CCB Nguyễn Công Hoan (phường Trần Phú) lại dùng những lời ca, tiếng hát của mình mang đi khắp các chiến trường miền Nam để động viên, cổ vũ chiến sỹ vững chắc tay súng, hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ Tổ quốc: “Sau khi nhập ngũ, tôi được bổ sung vào đội Tuyên văn, Sư đoàn 470, Đoàn 559; không trực tiếp tham gia cầm súng đánh giặc, những chúng tôi luôn có mặt trên tất cả các chiến trường, cũng chịu những trận mưa bom, cũng sốt rét rừng và cũng bị thương nặng. Nhưng lấy “tiếng hát át tiếng bom”, chúng tôi đã kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho các chiến sỹ trên chiến trường”. 

Rời chiến trường miền Nam sau ngày giải phóng đất nước, có người ở lại phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, có người được điều chuyển về công tác tại các cơ quan nhà nước, các địa phương và nhiều người trở về đời thường với cuộc sống vô cùng khó khăn, đặc biệt những CCB đang phải mang trong mình “nỗi đau thời chiến”. Những mảnh đạn vẫn còn găm trong người, lúc trái gió, trở trời lại oằn lên đau đớn, hay di chứng của chất độc Điôxin quặn thắt lòng người đi trước vì để lại di chứng cho thế hệ tiếp sau...Có những nỗi đau không thể xóa mờ bởi vết bụi thời gian, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực vượt qua hoàn cảnh của chính mình, họ đã luôn cố gắng vươn lên, phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống, sáng mãi phẩm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Bên cạnh đó, các CCB còn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương như: Tham gia HĐND các xã, phường, tham gia các hội đặc thù, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố... thường xuyên tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, chung tay xây dựng Nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là tuyên truyền cho người dân hiểu về Ngày bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; sống hòa thuận, gương mẫu, là chỗ dựa vững chắc và tấm gương cho con cháu, mọi người noi theo.

Những câu chuyện dội về từ ký ức chiếm hết cả không gian, thời gian của buổi gặp mặt, thế hệ trẻ như chúng tôi hôm nay, cảm nhận sự khốc liệt của chiến tranh và những chiến công vang dội của lịch sử đất nước qua sách, báo và qua lời kể của những nhân chứng lịch sử ấy; luôn cảm thấy phải nỗ lực hết mình để không phụ lòng những mất mát, hy sinh và cống hiến to lớn của thế hệ cha anh đi trước.

Xin được kết thúc bài viết này bằng những câu thơ của CCB Nguyễn Quốc Tuấn: “Cảm ơn anh, người lính đã về giàĐã cống hiến trọn đời cho Tổ quốcCác anh đã lập nên kỳ tíchThu liền về một dải non sông”.

BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức gặp mặt đại diện Ban liên lạc truyền thống

BHG- Sáng 28.4, tại hội trường Tỉnh Đoàn, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh tổ chức gặp mặt đại diện Ban liên lạc truyền thống CCB các đơn vị trên địa bàn tỉnh, nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam (30.4.1975 – 30.4.2016).

28/04/2016
Bé gái 3 tuổi ở Bắc Mê bị vết thương sọ não đang cần sự giúp đỡ

BHG - Khoảng 10h ngày 23.4, khi đang làm nương thì vợ chồng anh Triệu Văn Quốc ở thôn Thâm Quảng, xã Đường Âm (Bắc Mê) nhận được tin con gái của mình là cháu Triệu Thị Hương (3 tuổi) bị chảy nhiều máu ở đầu, lơ mơ, nói nhảm. Ngay lập tức, gia đình đưa cháu Hương đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Bắc Mê và được giới thiệu lên BVĐK tỉnh trong tình trạng hôn mê, khó thở.

27/04/2016
Tác hại của việc hút thuốc lá

BHG - Theo tổ chức Y tế thế giới hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá., cứ 8 giây lại có một người chết do hút thuốc lá trung bình mỗi năm có khoảng 5 triệu người chết do hút thuốc lá và ước tính đến năm 2025, con số này sẽ lên 10 triệu người . 

27/04/2016
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vì sự phát triển bền vững

BHG - Dự báo nhu cầu sử dụng lao động (LĐ) trong khối doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 tăng khoảng trên dưới 20 nghìn người. Trong đó, LĐ qua đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng nghề khoảng 14 nghìn người; LĐ có trình độ đại học, cao đẳng 5 nghìn người. Như vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho LĐ không khó, chỉ có điều nguồn nhân lực (NNL) có đáp ứng được yêu cầu của chủ sử dụng. 

26/04/2016