Cần có giải pháp giúp người dân 3 thôn hạ sơn của xã Kim Linh có cuộc sống tốt hơn
BHG- Xã Kim Linh (Vị Xuyên) có 9 thôn bản gồm: Bản Ngàn, Bản Lầu, Đán Dầu, Nà Thuông, Bản Mạ, Khuổi Niềng, Nà Pồng, Lùng Bẻ và Nà Pù. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về di dời dân, giúp đồng bào có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ; từ năm 1999 đến nay, UBND xã Kim Linh đã vận động được 65 hộ dân sống trên núi cao về 3 thôn tái định cư của xã. Mặc dù chính quyền địa phương đã có sự quan tâm, hỗ trợ người dân sau khi hạ sơn nhưng đến nay, cuộc sống của các hộ dân khu hạ sơn xã Kim Linh vẫn còn nhiều khó khăn, thậm chí một số hộ đã bỏ về nơi ở cũ.
Nhiều ngôi nhà được xây kiên cố giúp bà con có chỗ ở ổn định lâu dài, nhưng do thiếu đất, thiếu nước sản xuất; bà con thôn Mạ Trang đã bỏ về nơi ở cũ. |
Năm 1999, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước; cấp ủy chính quyền xã Kim Linh đã vận động 32 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao đang sống trên núi cao hạ sơn về sinh sống tại thôn Khuổi Niềng (Kim Linh). Mặc dù toàn thôn chỉ có tổng diện tích 6,5 ha đất thổ cư và đất nông nghiệp, nhưng khi về nơi ở mới, mỗi hộ được xã hỗ trợ 400m2 đất ở, 2.000m2 đất sản xuất và hỗ trợ một phần vật liệu để làm nhà. Tại đây, bà con được tiếp cận với cuộc sống có điều kiện tốt hơn so với trước kia, đường giao thông đi lại đỡ khó khăn hơn, trẻ em được đến trường thuận lợi hơn; các công trình công cộng như điện, nước, trạm xá cũng được đầu tư xây dựng khang trang. Thế nhưng đến nay, sau 15 năm hạ sơn; thôn Khuổi Niềng chỉ có duy nhất 1 hộ trung bình, còn lại là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Hàng năm, người dân vẫn phải trông vào nguồn hỗ trợ gạo cứu đói của Nhà nước trong những dịp lễ, tết và mùa giáp hạt.
Anh Triệu Văn Hòa, Trưởng thôn Khuổi Niềng cho biết: Mặc dù về nơi ở mới ổn định, nhưng đời sống của bà con khó khăn lắm; nguyên nhân là thiếu đất sản xuất, có hộ không có trâu, bò để cày kéo, nguồn nước cho sản xuất phải trông chờ vào thiên nhiên, khi nào mưa nhiều thì có nước, không có mưa thì ruộng lại bỏ không. Chúng tôi mong Đảng, Nhà nước quan tâm giúp bà con xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi để lấy nước sinh hoạt và sản xuất; đồng thời hỗ trợ người dân vay vốn để mua trâu, bò cày kéo...
Cùng với thôn Khuổi Niềng, năm 1999 xã cũng đã vận động 35 hộ dân chủ yếu là người dân tộc Mông của thôn Đán Dầu xuống hạ sơn tại thôn Mạ Trang để ổn định cuộc sống; thôn này có diện tích khá lớn trên 30ha, nhưng chủ yếu là đất đồi, nguồn nước không có. Mặc dù cấp ủy, chính quyền xã cũng rất quan tâm giúp người dân làm nhà ở, xây dựng hệ thống nước sạch, điện thắp sáng,... nhưng do điều kiện đất đai cằn cỗi, chủ yếu là đất đồi không thể cải tạo để sản xuất được nên bà con lại trở về nơi ở cũ để sinh sống, 7 hộ còn lại không trở về nơi ở cũ được xã sát nhập về thôn Lùng Bẻ.
Cùng với 2 thôn trên, năm 2013 thực hiện dự án di dân của Chi cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp – PTNT Hà Giang, 16 hộ dân của xã Cán Tỷ (Quản Bạ), 2 hộ của xã Minh Tân (Vị Xuyên) cùng với 15 hộ dân của xã Kim Linh được di dời về thôn Bản Ngàn của xã để ổn định cuộc sống (18 hộ dân tộc Mông, 15 hộ dân tộc Giấy). Hiện , cơ sở hạ tầng như đường nhựa đã đến thôn, đường xương cá đến nhà các hộ dân đã được bê - tông hóa; trụ sở thôn, điểm trường mầm non, điện, nước sinh hoạt đã đầy đủ, chỗ ở của các hộ cơ bản là ổn định. Nhưng khó khăn nhất hiện nay vẫn là đất sản xuất, vì toàn bộ diện tích khu vực này đều là đất đồi.
Theo Bí thư Đảng ủy xã, Hoàng Tiến Dũng và Chủ tịch UBND xã Kim Linh, Lý Quảng Ba cho biết: Hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã đang phối hợp với ngành Nông nghiệp - PTNT tiến hành cấp đất sản xuất cho nhân dân. Tuy nhiên, muốn người dân có cuộc sống ổn định lâu dài cần phải có kinh phí để cải tạo đất đồi thành ruộng bậc thang, như vậy người dân mới yên tâm ổn định cuộc sống.
Vận động nhân dân sống trên núi cao hạ sơn là chủ trương đúng đắn, thiết thực của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, tại các khu vực tái định cư của xã Kim Linh hiện nay, cuộc sống mới của người dân vẫn chưa khá lên là mấy; nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ vấn đề thiếu đất canh tác, thiếu nước sản xuất, thiếu trâu, bò cày kéo... Đây là vấn đề hết sức quan trọng đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền địa phương xã Kim Linh. Bởi vậy, cần có những phương án, giải pháp khẩn trương, kịp thời giúp bà con tăng gia sản xuất ở những khu vực tái định cư. Có như vậy, chủ trương hạ sơn của Đảng và Nhà nước mới đi vào cuộc sống và người dân hạ sơn mới có cơ hội để vươn lên XĐGN bền vững.
Bài, ảnh: Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc