Tăng cường quản lý, hạn chế rủi ro cho người lao động sang Trung Quốc làm thuê
BHG- Nhiều năm nay, tỉnh ta triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người dân kiến thức, vốn phát triển kinh tế, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhằm nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.
Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ là giải pháp hạn chế người lao động sang Trung Quốc làm thuê trái phép. Trong ảnh: Lớp học nghề trồng nấm rơm tại xã Hữu Vinh (Yên Minh). |
Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí không đồng đều nên tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao, số lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định thấp. Trong khi đó, thị trường việc làm bên Trung Quốc nhiều, chủ yếu làm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, xây dựng cơ bản. Những công việc này tính ổn định không cao nhưng lại phù hợp với trình độ, khả năng của người lao động tỉnh ta. Bên cạnh đó, với mức thu nhập bình quân 120.000 đồng/ngày (đã trừ chi phí) là nguồn thu khá, giúp các gia đình tăng thu nhập... Từ thực tế đó nên từ năm 2012 đến nay, mỗi năm tỉnh có trên dưới 15.000 lượt lao động tự do sang Trung Quốc kiếm việc làm thêm.
Năm 2014, Sở Lao động, Thương binh – Xã hội và Cục Thống kê tỉnh khảo sát về thực trạng lao động tự do sang Trung Quốc làm thuê tại 101 xã ở 7 huyện biên giới cho thấy. Có gần 80% số lao động sang Trung Quốc làm thuê không gặp rủi ro. Số tiền kiếm mang về từ việc làm thuê ở Trung Quốc giúp cải thiện cuộc sống gia đình. Trong đó có không ít hộ nhờ vào tiền đi làm thuê xây được nhà ở kiên cố, có tiền đầu tư mua giống, phân bón đầu tư sản xuất, nhiều hộ nhờ đó mà thoát cảnh đói, nghèo... Gia đình anh Phàn Chỏi Quáng, thôn Thèn Phùng, xã Na Khê (Yên Minh) năm vừa qua thuê máy về mở 5 mảnh ruộng bậc thang liền kề trong đất vườn đồi của gia đình. Tiền thuê máy trên 52 triệu đồng là nhờ anh Quáng đi làm thuê bên Trung Quốc có được, anh cho biết: “Đi làm thuê bên Trung Quốc xa nhà, vất vả nhưng lại có tiền đầu tư sản xuất. Vài năm nữa, số ruộng mới mở sẽ trồng được lúa nước, giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống lâu dài, và mình cũng không phải đi làm thuê xa nữa”. Không chỉ gia đình anh Quáng, trên địa bàn xã Na Khê còn rất nhiều hộ ở các thôn Thèn Phùng, Na Pô, Phú Tỷ 1, Phú Tỷ 2 tự bỏ vài chục đến hàng trăm triệu đồng thuê máy khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang. Để có tiền thuê máy mở ruộng mới, người dân tranh thủ lúc nông nhàn sang Trung Quốc làm thuê.
Do hai nước chưa ký kết hợp tác về lao động nên người lao động sang Trung Quốc làm thuê là trái phép. Điều đó đồng nghĩa với việc phải chấp nhận với những rủi ro trong quá trình làm việc. Thực tế có trên 20% số lao động sang Trung Quốc làm thuê gặp rủi ro như: Bị thanh toán thiếu tiền so với thỏa thuận; điều kiện lao động không an toàn; bị chính quyền phát hiện, trục xuất về nước; bị đánh đập và làm việc trong môi trường nặng nhọc... Đây thực sự là “gánh nặng” cho chính quyền địa phương và những gia đình có người đi làm thuê.
Việc người dân trên địa bàn tỉnh ta sang Trung Quốc kiếm việc làm, tăng thu nhập là nhu cầu thiết thực của nhân dân trong hoàn cảnh ở trong nước việc làm khó khăn, thu nhập thấp, thời gian nông nhàn không tìm được việc làm lớn. Trên cơ sở nhìn nhận khách quan mặt được, mặt hạn chế, tỉnh và các địa phương không khuyến khích nhưng cũng không thể ngăn cấm được bà con sang Trung Quốc làm thêm tự do mà tích cực tìm giải pháp để thực hiện công tác quản lý tốt hơn, hạn chế thấp nhất những rủi ro cho người lao động.
Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh – Xã hội cho biết: “Tín hiệu tích cực trong công tác quản lý người lao động tự do sang Trung Quốc làm thêm đó là cuối năm 2014, tỉnh Hà Giang và chính quyền châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ký kết quy chế phối hợp quản lý lao động biên giới”. Theo đó, chính quyền hai bên có sổ quản lý chung số lao động sang Trung Quốc làm thuê, mỗi lao động cũng được cấp một sổ riêng, ghi ngày đi, thời gian đi, nơi đi, nơi đến và có đóng dấu của chính quyền. Bên cạnh đó, người lao động được giới thiệu công việc thông qua một đơn vị môi giới lao động của Trung Quốc. Việc làm này thuận lợi cho công tác quản lý của chính quyền hai bên, biết được người lao động làm gì, ở đâu, thời gian làm việc là bao lâu. Bên cạnh đó, giúp người lao động đi làm việc hợp pháp, tránh được rủi ro, đảm bảo việc làm và thu nhập. Hiện nay, ngành chức năng đôi bên thực hiện công tác chuẩn bị để sớm triển khai việc quản lý lao động đường biên theo quy chế phối hợp trong năm 2015.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Long, việc quản lý người lao động sang Trung Quốc làm thuê bằng sổ cũng chỉ quản lý được số người lao động đi làm việc dài ngày, đi xa. Với những người đi làm thuê theo hình ngắn ngày, đi về trong ngày, cự ly gần rất khó. Do đó, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con lên xã vào sổ quản lý thì điều quan trọng nhất tỉnh cần giải quyết “tận gốc” vấn đề bằng nhiều giải pháp. Trong đó trọng tâm đó là các giải pháp về đầu tư phát triển KT-XH, tạo việc làm, thu nhập cho lao động, đặc biệt là lao động vùng giáp biên. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi gắn liền với công tác khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, chuyển đổi nghề nghiệp. Thực hiện hiệu quả hơn công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...
Bài, ảnh: Tuyên Bình
Ý kiến bạn đọc