Vĩnh Sơn - điểm sáng phong trào xây dựng nông thôn mới
16:28, 16/06/2008
(HGĐT)- 5 năm về trước, tôi đã đến làng Mông Vĩnh Sơn, Vĩnh Phúc (Bắc Quang) để viết ký sự về người Mông xuống núi. Viết về sự đùm bọc, chia sẻ của đồng bào địa phương trong mối đoàn kết, giúp đỡ cộng đồng để ổn định đời sống. Tình người, tình làng xóm 5 năm trở lại vẫn còn nguyên đó.
Những “mầm non” tương lai của thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang). Ảnh: Nguyễn Hùng
|
Lão nông Vàng Seo Pao vỗ vai trách: “5 năm rồi bây giờ anh mới quay lại?”. Trưởng thôn Nguyễn Văn Thược à lên một tiếng: Vậy là họ đã từng quen biết nhau. Thược bảo: 5 năm trước, Vĩnh Sơn có lão Pao là người dám nghĩ, dám làm và trở thành người giàu có nhất làng. Đến nay, lão Pao vẫn là người giàu, nhưng thôn còn có thêm 12 gia đình giàu có lắm. Chị Lù Thị Sinh, vợ của anh Giàng Thìn Chơ pha xong ấm trà bộc bạch: Gia đình chị về thôn Vĩnh Sơn đã 31 năm. Hỏi chuyện vợ chồng chị làm gì mà có của ăn, của để? Chị Sinh cười: Mình trồng cam, hết cam trồng ngô, trồng lạc, nuôi trâu, đến nay thì trồng rừng để sống, có thế thôi mà, cả làng đua nhau làm đấy. Phó thôn Sèn Văn Bằng xen lời, sau các phong trào Hội Nông dân xã phát động, nông dân làm giàu nhà Chơ, nhà Sinh là những hội viên nhiều trâu bậc nhất, nhì cái làng Vĩnh Sơn này đấy. Từ tết đến nay nhà chị bán trên ba chục con rồi. Còn trồng rừng “làm được” trên 4 vạn cây... Phó thôn Sèn Văn Bằng cho biết: Việc làm ăn trong làng Vĩnh Sơn “đều bắt đầu từ đất”, cộng với sức lao động cần cù của người dân, đi kèm một tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau. Hỏi ra mới biết “cái chức” phó thôn do dân bầu cho Bằng còn “kiêm” thêm công việc của một cán bộ khuyến nông thôn bản. Thù lao mà phó thôn kiêm khuyến nông viên thôn bản là 100.000đ/tháng. Còn công việc của phó thôn ư? Thì đủ cả. Nhiều nhất là công tác tập huấn kỹ thuật trồng cấy, những cây, con, giống mới, giống cũ... Sau đó là việc vận động (phối kết hợp các tổ chức hội, đoàn thể) công tác KHHGĐ - công tác dân số, tiêm chủng, quyên góp, vận động dân xóa nhà tạm, kể cả công việc hòa giảicho những bất hòa giữa các vợ chồng, làng xóm lúc xảy ra xô sát... “Phó thôn, trưởng thôn bọn em là thế đó”. Tôi hỏi Bằng, anh thấy gì trong công việc đó? Nhìn tôi, Bằng chỉ cười: Vất vả chút, nhưng giúp được dân làng, đem lại cuộc sống, niềm vui cho mọi người mình cũng thấy vui lây. Vậy là cái khó nhất của cán bộ thôn bản là gì? Tôi lại hỏi. Cả Thược, Bằng nhìn tôi cùng nói có một câu ngắn gọn “Là lòng mình anh ạ”. Lúc này, anh Giàng Chín Khoa giãi bày thay họ: Nhà mình nghèo suốt cả thời gian dài vì loay hoay ít vốn làm ăn, nếp nhà ở tạm bợ. Rồi được sự giúp đỡ của cán bộ thôn Thược, Bằng, họ vận động đồng bào người cho ít cây, ít lá, ít gỗ, cả làng xúm tay lại... Thế là mình có cái nhà vững chắc. Thôn bản giúp thêm để mình vay ít vốn ngân hàng mua con trâu nuôi để cày, để đẻ, để lấy thêm phân bón, làm kịp thời vụ. Vậy là lúa tốt, nhà ở ấm cúng, cứ thế, vợ chồng mình làm ăn vươn lên thoát nghèo. Được biết: Cả thôn Vĩnh Sơn 202 hộ, 998 khẩu, gồm 4 dân tộc sống bên nhau, dân tộc Mông có tới 109 hộ, người Kinh có 19 hộ. Cả thôn có 40 ha diện tích lúa cấy 2 vụ, 84 ha ngô và nhiều ha đậu tương, lạc và tập trung chăn nuôi là những điểm chính làm giàu. Số hộ còn khó hiện còn 14 hộ, họ đều là các hộ mới chia tách. Trưởng thôn Nguyễn Văn Thược tâm sự: “Họ mới tách thì nghèo là lẽ thường thấy ở bất cứ đâu. Song, sự đoàn kết giúp đỡ từ: Gia đình, sự chia sẻ của làng xóm, anh em, cộng với sự quan tâm của đoàn thể, chính quyền, sớm muộn rồi họ sẽ thoát nghèo”.
Rời Vĩnh Sơn, tôi cứ nhớ mãi nụ cười hiền của anh phó thôn, kiêm khuyến nông viên và câu nói rất chân chất của người quê mới gặp: “Khó nhất là lòng mình” và đó cũng là lời tâm đắc! Vượt qua lòng mình bằng quyết tâm cao gắn bó công tác Hội thì mọi việc khó trong thôn họ sẽ làm được. Lúc chia tay, Thược bảo: ít độ nữa là đến mùa lạc rồi, anh nhớ về Vĩnh Sơn để thấy đồng bào mình thu về nhiều lạc, ngô thế nào?
Ý kiến bạn đọc