Tập trung mọi nguồn lực làm đường giao thông nông thôn
(HGĐT)- Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước bằng nhiều nguồn vốn, như vốn ngân sách Chương trình 134, Chương trình 135, vốn vay nước ngoài...các huyện, thị trong tỉnh đã huy động được nguồn lực địa phương, tập trung đầu tư hệ thống giao thông nông thôn.
Nhà nước và nhân dân cùng làm đường giao thông nông thôn ở thị xã Hà Giang.
|
Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn đã có đường ô-tô đến trung tâm. Một số xã đã kiên cố hoá mặt đường và hoàn thành công trình thoát nước bảo đảm thông xe.
Xác định hệ thống giao thông nông thôn miền núi là một bộ phận quan trọng trong tổng thể mạng lưới giao thông vận tải, góp phần làm cho giao thông thông suốt từ tỉnh đến các huyện, xã, thôn bản. Những năm qua, phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT) ở tỉnh ta phát triển sâu rộng, các địa phương đã phát huy nội lực trong nhân dân đóng góp bằng tiền, ngày công lao động, nguyên vật liệu để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đường và các công trình thoát nước...Trong năm 2007, nhân dân các huyện, thị đã tham gia mở mới 311 km đường dân sinh; 362 km đường GTNT và 24 chiếc cầu GTNT. 6 tháng đầu năm 2008, đã thực hiện duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường được 135 km; duy tu, sửa chữa 14 chiếc cầu treo; nâng cấp đường ô-tô được 165 km; mở mới 145 km đường GTNT và 27 km đường bê-tông. Các địa phương có phong trào làm đường GTNT phát triển mạnh là Bắc Quang, Xín Mần, Mèo Vạc, thị xã Hà Giang... Để đạt được kết quả trên, trước hết là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Giao thông- Vận tải, các ngành, các cấp trong tỉnh, sự ủng hộ và nhiệt tình hưởng ứng của nhân dân các dân tộc. Vì vậy, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng đường GTNT được duy trì và phát triển mạnh. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào toàn dân xây dựng đường GTNT được thực hiện theo chiều sâu, đạt chất lượng. Đồng chí Hoàng Quyết Chiến, Giám đốc Sở GT-VT, cho biết: “Phong trào làm đường giao thông nông thôn đã đi vào cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đồng bào đã nhận thức được tầm quan trọng của việc giao lưu hàng hoá, nhằm góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói giảm nghèo, tiếp cận với giáo dục, y tế, đảm bảo sự thịnh vượng cho cộng đồng nông thôn. Nhiều tuyến đường huyện, xã, thôn bản được đầu tư xây dựng, cứng hoá mặt đường bằng nhựa đường, bê tông xi-măng. Mạng lưới GTNT được cải thiện đáng kể, tạo nên bộ mặt nông thôn mới, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH, XĐGN, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhất là vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa”. Ngoài ra, Sở GT-VT đã phối hợp với các ngành, các cấp mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ giao thông địa phương về quy hoạch, quản lý, bảo dưỡng đường GTNT; phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp quy của Nhà nước, cấp phát những tài liệu có liên quan cho các huyện, thị; phối hợp với các địa phương phát động phong trào làm đường GTNT, xây dựng kế hoạch hỗ trợ các công trình GTNT; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện tốt các Dự án về đầu tư xây dựng đường GTNT. Bên cạnh đó, tổ chức tổng kết, đánh giá, lựa chọn mô hình điển hình tiên tiến để rút kinh nghiệm, khen thưởng và nhân rộng. Với nhận thức sâu sắc, tâm huyết và trách nhiệm của chính quyền các cấp và nhân dân cùng với sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước đã tác động tích cực mỗi người dân trong việc xây dựng và quản lý đường GTNT, thực hiện và phát huy được quy chế dân chủ ở cơ sở, khơi dậy tình cảm và ý thức trách nhiệm, lòng hảo tâm của những người con hiện đang học tập và làm việc ở mọi miền đất nước quyên góp tiền để xây dựng quê hương. Trên thực tế, ở địa phương nào cán bộ, đảng viên năng động thì phong trào xây dựng đường GTNT phát triển mạnh...Tiêu biểu, ở huyện Bắc Quang, bằng sự tham gia đóng góp của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, phong trào làm đường GTNT đã được người dân tự giác trên tinh thần phát huy nội lực, xóa bỏ tư tưởng trông chờ sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước. Chỉ tính trong năm 2007 vừa qua, toàn huyện đã huy động ngày công, nguyên vật liệu với tổng giá trị ước đạt trên 15 tỷ đồng, để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, như: Đường giao thông nông thôn, thuỷ lợi, nhà lớp học, Nhà Văn hoá, trụ sở thôn bản, hỗ trợ xoá nhà tạm cho hộ nghèo. Kết quả, đã có 80 Nhà Văn hoá thôn được xây dựng; 78,7 km đường GTNT được nâng cấp và làm mới...
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng đường GTNT hiện đang phát triển mạnh, nhưng còn phân tán, chưa có quy hoạch phát triển phù hợp. Nhiều công trình trong quá trình đầu tư xây dựng chưa thực sự chú trọng đến kỹ thuật, mỹ thuật nên khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp. Nhiều công trình thoát nước trên cả tuyến chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, nhất là khi trời mưa, nước đọng; công tác quản lý để thực hiện dự án đầu tư ở một số địa phương chưa thực hiện đúng trình tự về quản lý đầu tư xây dựng, như: Lập, thẩm định, xét duyệt hồ sơ thiết kế mỹ thuật, giám sát. Cán bộ chuyên ngành về quản lý giao thông ở cấp huyện, xã còn yếu về trình độ chuyên môn; việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường GTNT, nhất là các tuyến đường mới được đầu tư xây dựng chưa được quan tâm đúng mức, nên đã ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Nếu khắc phục được những thiếu sót, nhược điểm trên, việc xây dựng đường GTNT trên địa bàn tỉnh ta sẽ tiếp tục có bước phát triển nhanh, vững chắc và chất lượng công trình sẽ tốt hơn.
Ý kiến bạn đọc