Phát triển nông nghiệp bền vững từ cải tạo vườn tạp
BHG - Triển khai Chương trình cải tạo vườn tạp, tính đến hết năm 2021, tổng số thực hiện là 2.477 hộ (vườn) với tổng diện tích trên 113 ha; số hộ nghèo, cận nghèo vay vốn theo Nghị Quyết số 58/2020/NQ-HĐND ngày 9.12.2020 của HĐND tỉnh là 1.220 hộ, số hộ không được thụ hưởng là 1.257 hộ. Tổng số kinh phí (bao gồm ngân sách của tỉnh và kinh phí xã hội hoá) thực hiện hỗ trợ trên 36 tỷ đồng.
Mô hình cải tạo vườn tạp của hộ anh Nguyễn Thành Lân, thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang). |
Việc ban hành chính sách và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo được xây dựng đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và từng huyện, thành phố; đồng thời đã chỉ đạo các giải pháp thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án tham gia cải tạo vườn tạp trong quá trình triển khai thực hiện. UBND các huyện, thành phố đã chủ động chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã tiến hành rà soát đánh giá hiện trạng vườn, vườn tạp, quy hoạch, bố trí lại cơ cấu cây trồng trên diện tích vườn tạp được cải tạo hợp lý, khoa học, phù hợp với xây dựng nông thôn mới và điều kiện đất đai, khí hậu của từng vùng đảm bảo cho việc gia tăng giá trị hàng hóa của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Kết quả, đến hết tháng 12.2021, trong tổng số 1.032 hộ giải ngân thực hiện cải tạo vườn tạp, có 629 hộ bắt đầu cho thu nhập, mang lại hiệu quả kinh tế với tổng thu nhập là trên 24 tỷ đồng/8 huyện, bình quân lợi nhuận sau khi trừ chi phí là 8,3 triệu đồng/hộ (thu nhập gấp 2 - 3 lần so với trước thời điểm thực hiện cải tạo vườn tạp). Việc cải tạo vườn tạp đã thực sự đi vào đời sống, làm thay đổi đáng kể nhận thức của người dân, không gian sinh sống của hộ gia đình được sắp xếp hợp lý, khoa học, ngăn nắp, thuận lợi cho sinh hoạt gia đình; thôn xóm được sạch - đẹp, tác động mạnh đến chương trình xây dựng nông thôn mới tại các vùng nông thôn; thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, không để đất bỏ hoang; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những hướng đi tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững; đồng thời góp phần cải thiện môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe người dân.
Quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện một số cách làm hay: Huyện Bắc Quang phân công các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện cùng tham gia, vào cuộc hỗ trợ trực tiếp bằng ngày công, vật tư từ 1-2 hộ trên địa xã đăng ký phụ trách, ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng vườn hộ đã thực hiện cải tạo vườn tạp, hàng tuần, hàng tháng kiểm tra giám sát việc duy trì các khâu công việc của các hộ, liên kết với một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ các hộ cải tạo vườn tạp và bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm. Huyện Hoàng Su Phì phát huy vai trò chỉ đạo của các thành viên Ban chỉ đạo huyện phụ trách cụm xã thường xuyên kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn thực hiện tại cơ sở, vận động ủng hộ cả về kinh phí hỗ trợ cây, con giống, nhân lực, vật lực giúp đỡ cho các hộ thực hiện cải tạo vườn tạp tại địa bàn phụ trách; hướng dẫn quy hoạch nhà ở, chuồng trại, vườn cây, bố trí hợp lý theo từng quỹ đất và không gian vườn hộ; khuyến khích các hộ tham gia các lớp tập huấn, tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm cách làm của các hộ thực hiện với nhau.
Huyện Quản Bạ Ban chỉ đạo huyện đã thành lập 1 nhóm thông tin qua mạng xã hội Zalo để tất các các thành viên nắm bắt và trao đổi thông tin hàng ngày, một số xã bố trí kinh phí cho các hộ vay vốn thực hiện cải tạo vườn tạp theo hình thức đầu tư có thu hồi, huy động các lượng lượng ra quân giúp người dân thực hiện các nội dung cải tạo vườn tạp, thực hiện việc bù đất trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, thực hiện việc cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu nâng cao thu nhập gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới, phát động cải tạo vườn tạp gắn với Chương trình 1953 của tỉnh về xây dựng nhà ở cho người có công, hộ nghèo...
Tuy nhiên, thực tế triển khai vừa qua cho thấy một bộ phận cán bộ và nhân dân còn thiếu kinh nghiệm, kiến thức và kỹ thuật làm vườn; nhiều hộ dân chưa chịu khó, chưa dám thay đổi cây trồng, tư tưởng còn sợ bị thất bại, thậm chí trông chờ hỗ trợ trực tiếp của nhà nước; đất đai bị xói mòn, bạc màu, nghèo dinh dưỡng, quy mô đất vườn trong mỗi hộ dân nhỏ, manh mún, khó áp dụng tưới tiêu, khó áp dụng cơ giới hóa; sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương thiếu sức cạnh tranh; dịch vụ nông nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của nông dân nông thôn.
Để đạt mục tiêu cải tạo vườn tạp gắn với phát triển bền vững ngành nông nghiệp và kế hoạch thực hiện năm 2022 là trên 2000 hộ, thiết nghĩ cần tiếp tục quan tâm một số nội dung: Hướng tới cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng thành vùng sản xuất với các hình thức cải tạo phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao, gắn với thị trường đầu ra ổn định. Trong đó đặc biệt quan tâm tập trung cải tạo vườn tạp để có sản phẩm đặc thù và gắn với từng vùng, địa phương, như các loại cây: Hồng không hạt, lê, mận, dược liệu, rau an toàn vùng cao núi đá phía Bắc; cây chè, dược liệu và lâm nghiệp vùng núi phía Tây; cây có múi, chè, họ đậu vùng thấp...
Gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển ngành nông nghiệp với chương trình xây dựng nông mới, chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các huyện, thành phố thường xuyên tiến hành rà soát kế hoạch cải tạo vườn tạp để chủ động thực hiện cải tạo vườn tạp bằng các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu được giao: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, nông sản hữu cơ; ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ tưới tiết kiệm; đánh giá kịp thời các mô hình sản xuất phát triển bền vững thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Tăng cường quản lý chất lượng giống, thuốc, hóa chất và vật tư nông nghiệp và chất lượng nông sản; nâng cao hiệu quả công trình hạ tầng thủy lợi; phòng chống thiên tai. Người làm vườn phải là người thông thạo kinh nghiệm chăm sóc, bảo vệ, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật thì cải tạo vườn tạp mới mang lại hiệu quả cao.
Những hiệu quả bước đầu của Chương trình cải tạo vườn tạp tại các địa phương đã minh chứng việc cải tạo vườn tạp là hướng đi đúng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Phạm Văn Tú
Ý kiến bạn đọc