Tri ân “Những người nằm lại phía chân trời”
BHG - Sóng biển có thể đã xóa nhòa mọi dấu vết, song 35 năm qua trong mỗi người dân Việt Nam thì không thể xóa nhòa được ký ức bi tráng về sự kiện Gạc Ma 14.3.1988, về những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Hải quân đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Biểu tượng vòng tròn bất tử trong khu tưởng niệm. |
Đến Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa, có một “địa chỉ đỏ” để du khách luôn tìm đến, đó là Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma.
Ngày 14.3.1988, tại khu vực biển, đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, CBCS Hải quân nhân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu trong cuộc chiến không cân sức để bảo vệ chủ quyền tại các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Trong cuộc chiến đó, 64 CBCS Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi khi đang tuổi thanh xuân. Sự hy sinh kiên cường của các anh mãi mãi là bản hùng ca bất tử.
Để tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh và 64 CBCS đã ngã xuống trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma.
Tọa lạc tại đồi cát thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, công trình được xây dựng bằng công sức, tâm huyết của đoàn viên công đoàn, người lao động và các tổ chức công đoàn trên mọi miền đất nước, các nhà hảo tâm.
Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”. |
Được khởi công xây dựng từ tháng 3.2015, khánh thành ngày 27.7.2017 (giai đoạn 1), công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma có nhiều hạng mục, bao gồm: Cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, Khu trưng bày ngầm, Mộ gió, Quảng trường hòa bình, khuôn viên cây xanh.
Theo các anh trong Ban quản lý khu tưởng niệm: Ý tưởng cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được khắc họa, xây dựng từ hình ảnh giữa sóng nước Trường Sa. Các CBCS Hải quân nhân dân Việt Nam trong giây phút cuối cùng vẫn đứng thành vòng tròn bất tử trước mũi súng, làn đạn của kẻ thù, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo đá Gạc Ma, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Khu trưng bày ngầm là không gian tái hiện lại và là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật lịch sử về biển đảo Việt Nam, về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, về sự kiện ngày 14.3.1988 và CBCS Gạc Ma.
Ngay chân tượng đài, cạnh Khu trưng bày ngầm là hình ảnh vòng tròn bất tử: 64 đóa hoa tượng trưng cho 64 người con bất tử cùng ôm lá cờ đỏ, ngôi sao vàng năm cánh nổi trên mặt nước.
Bên khu Mộ gió là Bia khắc ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ của 64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma.
Theo anh Võ Duy Trúc, Trưởng ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa), kiêm Giám đốc Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, cho biết: Không chỉ là nơi để thân nhân các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh mỗi dịp tháng 3 trở về, tri ân các anh hùng liệt sỹ, hàng năm, tại Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma, nhiều cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống, bảo vệ biển đảo quê hương; tổ chức lễ kết nạp đảng viên, kết nạp Đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Từ tháng 7.2017 đến nay, Khu tưởng niệm đã đón hơn 1.500 đoàn với trên 500.000 lượt khách trong và ngoài nước đến dâng hương, tham quan, đặc biệt trong đó có rất nhiều du khách là người nước ngoài.
Trước ngày theo Đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân đi thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, chúng tôi (những người làm báo thuộc các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương) đã đến thăm và thắp hương tại khu tưởng niệm. Mỗi chúng tôi đều xúc động khi được nghe kể về sự hy sinh của các chiến sĩ nơi biển, đảo Gạc Ma.
Nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi đi tham quan, anh Nguyễn Đức Xướng, nhân viên bảo vệ của Khu tưởng niệm, cho biết: Ngày lễ Tết, ngày truyền thống Quân đội, Hải quân, hoặc ngày thường cũng có nhiều người đến đây tham quan, dâng hương. Các công ty du lịch cũng chọn Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình đưa du khách tham quan, khám phá. Đặc biệt là có nhiều đôi bạn trẻ đến đây để chụp hình cưới.
Được biết anh Xướng quê Hải Phòng, công tác tại Vùng 4 Hải quân. Khi nghỉ chế độ, anh ở lại Cam Ranh và xin làm bảo vệ của khu tưởng niệm.
Đến với Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma, được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, trong rì rào sóng biển, được nghe thuyết minh về sự kiện Gạc Ma, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình kiến trúc độc đáo, của những cây Phong ba, cây Bàng vuông đã trổ hoa, kết trái (đây là những cây của quân dân các điểm đảo Trường Sa gửi theo từng chuyến tàu về tặng), cảm giác như ta đang ở Trường Sa, được hòa mình vào cuộc sống của CBCS đang ngày đêm kiên cường bám trụ nơi “đầu sóng, ngọn gió”.
Nhớ hải trình theo đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân đến với Trường Sa, ngang qua vùng biển Gạc Ma chúng tôi được tham dự Lễ tưởng niệm những liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến ngày 14.3.1988, mỗi khi có tàu đưa các đoàn công tác, thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa đều thực hiện nghi lễ này.
Được biết, trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa sẽ xây Bảo tàng Trường Sa trong tổng thể công trình khu tưởng niệm.
Những ngày tháng 3 này, Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma liên tục được đón người thân, đồng đội, nhân dân đến thắp hương tưởng nhớ các anh với lòng thành kính tri ân. Ngày 7.3 vừa qua, Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam đã tổ chức cho gần 220 cựu cán bộ đoàn đến thăm viếng.
Cùng hướng về biển, đảo thân yêu, Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma đã trở thành điểm đến đầy xúc động và khó quên trong mỗi người đến với nơi đây.
Bài, ảnh: ĐẶNG HOA SIM
Ý kiến bạn đọc