Kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam (7.5.1955 - 7.5.2022) và 44 năm Ngày truyền thống Lữ đoàn 146 Trường Sa (8.5.1978 - 8.5.2022)
Trường Sa luôn trong trái tim người dân đất Việt - Kỳ đầu: Ký ức Trường Sa
BHG - Từ nơi địa đầu Tổ quốc đến với Trường Sa, Nhà giàn DK1, mỗi người Hà Giang đều cảm nhận, hiểu được phần nào vất vả, khó khăn, ý chí quyết tâm của những con người nơi đầu sóng ngọn gió, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Gia đình anh Đặng Quốc Thái thường xuyên dõi theo tin tức về Trường Sa. |
Ấy vậy mà đã 10 năm, khi nhắc tới Trường Sa, những người Hà Giang tham gia Đoàn công tác số 14 trên tàu HQ 996 Hải quân ra Trường Sa tháng 5.2012 lại bồi hồi xúc động, kỷ niệm của hải trình lại ùa về. Đây là chuyến công tác đặc biệt, có ý nghĩa rất lớn, mang tình cảm sâu nặng nghĩa tình và trách nhiệm cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh cực Bắc của Tổ quốc đối với Trường Sa. Đến nay, nhiều thành viên trong Đoàn công tác đã nghỉ chế độ nhưng luôn nhớ về Trường Sa.
Sau chuyến thăm của Đoàn Hà Giang, đã có thêm nhiều người đại diện cho các ngành, đoàn thể, LLVT đến với Trường Sa. Đặc biệt, tháng 5.2017, tại đảo Trường Sa lớn diễn ra lễ trao “Đất thiêng gửi Trường Sa - từ Cột cờ Lũng Cú” do Báo Tuổi trẻ tổ chức. Tiếp đó, thông qua chương trình ký kết phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Tỉnh uỷ Hà Giang và Đảng uỷ Quân chủng Hải quân (tháng 8.2018), có thêm những phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh cũng được đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Anh Đặng Quốc Thái và gia đình chị Trần Thị Thu Hương cùng trò chuyện về ký ức Trường Sa. |
Là một trong những thành viên của Đoàn công tác số 14, anh Hoàng Quốc Đạt, khi ấy là Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh (nay đã nghỉ chế độ), nhớ lại: Trên hải trình ra thăm đảo Trường Sa đúng vào dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác Hồ 19.5, đêm giao lưu văn nghệ kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác diễn ra ngay trên tàu thật cảm động. Những lời ca tiếng hát về Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, về biển đảo cứ ngân vang giữa sóng gió, biển, trời. Thật xúc động khi được tham dự Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma, được dự Lễ chào cờ, duyệt binh ở đảo Trường Sa lớn, đặc biệt được dự Lễ rước tượng Hưng đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn từ Chí Linh, Hải Dương vào chùa Trường Sa. Suốt hải trình, tôi luôn có thói quen ghi nhật ký đong đầy cảm xúc về Trường Sa, Nhà giàn, về quân và dân Trường Sa.
Thường xuyên phải đi công tác, được đi hầu hết các Đồn Biên phòng của tỉnh, nhưng khi đến với Trường Sa, chị Trần Thị Thu Hương, nguyên Chủ tịch Petrolimex Hà Giang lại có nhiều cảm xúc nhất. Chị Hương chia sẻ: Tháng 4.2018, tôi được đi 9 đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Tận mắt chứng kiến cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ trên các đảo, Nhà giàn DK1 đã cho chúng tôi những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa. Thực sự khâm phục nghị lực sống, ý thức tự lực tự cường của chiến sỹ nơi đầu sóng. Giá trị lớn nhất mà tôi thu nhận qua chuyến đi đó là thêm tình yêu với biển đảo, tình yêu với quê hương, đất nước con người Việt Nam, qua đó càng ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, chị Trần Thị Thu Hương cũng tích cực cùng ngành tham gia các hoạt động hướng về Trường Sa. Mỗi khi nghe tin có người ra đảo, chị lại gửi quà động viên cán bộ nơi đảo xa. Hôm đến đảo Đá Thị, chị quen sỹ quan trẻ Nguyễn Huy Trường, nhân viên cơ yếu đảo (hiện công tác tại đảo Đá Lớn A), rồi nhận Trường là con nuôi. Về Hà Giang, chị thường xuyên gọi điện động viên Trường yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ. Những dịp về nghỉ phép, Nguyễn Huy Trường cũng lên thăm Hà Giang, thăm bố mẹ nuôi. Trường tâm sự: Em coi Hà Giang như quê hương của mình.
Hà Giang - Trường Sa - Nhà giàn DK1, những cuộc gặp gỡ cảm động này đã trở thành nguồn động lực không nhỏ cho cán bộ, chiến sỹ Hải quân và Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Có lẽ anh Đặng Quốc Thái, nguyên Bệnh xá Trưởng Bệnh xá 40 Quân Y (Bộ CHQS tỉnh) hiện nghỉ hưu tại phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) là người đầu tiên ở Hà Giang thực hiện nhiệm vụ tại Trường Sa. Nhớ lại những ngày được công tác ở Trường Sa, anh Thái kể: Năm 1975, sau khi học hết cấp 3 Lê Hồng Phong, tôi nhập ngũ rồi được đi học Trung cấp Quân y. Tháng 3.1978 ra trường, nhận nhiệm vụ ở đảo An Bang, đây là địa bàn có thời tiết khắc nghiệt bậc nhất trong quần đảo Trường Sa. Ngày đầu đặt chân lên đảo không một bóng cây, nhưng chim thì nhiều vô kể, thức ăn chủ yếu là cá biển. Ngoài đối mặt với sự rình rập của các thế lực nước ngoài, cán bộ chiến sỹ còn phải đối mặt với những sóng cuồng bão giật, với thử thách của bản thân, rồi chống chọi với ruồi, rệp từ chim Hải Âu. Nước ngọt trên đảo rất quý, phải chuyển ra từ đất liền, cả năm mới có 1 chuyến tàu ra đảo, khi ấy cả đảo chỉ có 1 téc nước chưa đầy 20 m3.
Tháng 9.1979, anh Đặng Quốc Thái chuyển về đất liền, công tác tại Ban Quân y Lữ đoàn 146 Trường Sa. Một năm sau, anh lại nhận nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Lớn, rồi ở Vùng 1 Hải quân, năm 1990 về công tác tại Bộ CHQS tỉnh. Ngoài An Bang và Trường Sa lớn, anh Thái được đặt chân đến hầu hết các đảo trên quần đảo Trường Sa, ăn 2 cái Tết ở đảo An Bang và Trường Sa lớn. Anh Thái chia sẻ: Tôi vẫn thường xuyên dõi theo tin tức về Trường Sa qua truyền hình, đài, báo và qua bè bạn. Tôi cũng hay kể cho vợ con nghe về những kỷ niệm thời gian công tác ở Trường Sa.
Bài, ảnh: ĐẶNG PHƯƠNG HOA
Kỳ cuối: Chuyện nơi đầu sóng
Ý kiến bạn đọc