Về Nặm Ngặt nghe kể chuyện anh hùng

18:02, 18/03/2022

BHG - Từ ngày trở về Hà Giang làm việc, ngày 17.2 nào tôi cũng đến Đài hương 468, thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên để được gặp những người lính cách đây hơn 40 năm đã chiến đấu ở những cao điểm máu lửa nhất của mặt trận Vị Xuyên. Đài hương 468 được xây dựng để tưởng nhớ những chiến binh đã nằm xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Những người lính chỉ mới mười tám đôi mươi, bỏ lại sau lưng những gì đẹp nhất, hi sinh xương máu giữ từng tấc đất quê hương. Trong những chuyến trở về với đồng đội của những CCB, tôi tin không chỉ là để thắp nén hương chi ân đồng đội đã nằm xuống mà còn là để tìm lại quãng thời gian đẹp nhất của mình đã để lại nơi đây.

Cựu chiến binh vui mừng gặp lại nhau khi về thăm chiến trường xưa.                                              Ảnh: TƯ LIỆU
Cựu chiến binh vui mừng gặp lại nhau khi về thăm chiến trường xưa. Ảnh: TƯ LIỆU

Trò truyện với những CCB ấy, quan sát họ thắp hương cho đồng đội sẽ thấy những khoẳng lặng trong trái tim của chiến binh may mắn được trở về với người thân trong thời bình. Những đôi mắt nhìn lên các cao điểm chất chứa những ký ức khó quên của cuộc chiến khốc liệt. Không một ai có thể diễn tả được tâm trạng của những người CCB ấy, mỗi người đều mang câu chuyện của mình, kỷ niệm, đau thương và tiếc nhớ đồng đội vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này.

Dưới đỉnh 1509 một màu xanh thắm được phủ lên, những người Dao từ nơi sơ tán đã trở về lập lại bản làng, cuộc sống và màu xanh yên bình đã phủ trên những cao điểm mà ngày xưa đạn pháo biến thành những ngọn đồi trọc.

CCB Trần Tiến Xuân, người con đất Vị Xuyên, nguyên cán bộ Sư đoàn 356, là một người lính dày dạn trận mạc, những kỉ kiệm về mặt trận Vị Xuyên vĩnh viễn không phai trong trí nhớ của người lính này. Nhiều năm qua, CCB Trần Tiến Xuân vẫn tiếp đón các đoàn khách và thân nhân đồng đội về thăm lại chiến trường xưa. Nhiều đồng đội gặp ông mừng mừng tủi tủi ôn lại tuổi đôi mươi đầy khí thế chiến đấu bảo vệ đất nước. Qua ông Xuân, chúng tôi được gặp thêm nhiều CCB và thân nhân các liệt sĩ trong niềm bùi ngùi xúc động. CCB Đỗ Quang Huy, quê Hà Tây (Hà Nội), thuộc Sư đoàn 356, là lính trinh sát pháo binh chỉ tay về phía Cao điểm 772 nói trong xúc động: Năm 1984, mưa to gấp nhiều lần ngày hôm nay, người bạn thân nhất của tôi, liệt sỹ Nguyễn Duy Cường, lính cối 82, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, đêm ấy hi sinh tại sườn núi, đó là trận đánh ác liệt nhất trong đời mà một chiến binh được tham gia. Là người may mắn được về với gia đình, chúng tôi phải có nghĩa vụ về với anh em, đồng đội đã bỏ xương máu nơi này. Rất nhiều CCB trở về đời sống bình thường là tấm gương sáng xây dựng cuộc sống âm no. Nhiều người vợ liệt sĩ khi chồng hi sinh còn rất trẻ vẫn ở vậy nuôi con, chăm sóc bố mẹ chồng. Bà Lê Thị Hưng, vợ liệt sĩ Lê Duy Thức ở thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa (Hà Nội) là một trong những người như thế. Mất đi người chồng đúng ngày 17.2.1984, khi ấy mới 26 tuổi nhưng bà nén nỗi đau vượt qua khó khăn chăm lo phụng dưỡng bố mẹ chồng và nuôi con gái duy nhất trưởng thành. Để giữ được từng tấc đất cho Tổ quốc, hàng ngàn chàng trai đã ngã xuống, dành cả thanh xuân của mình để giữ vững biên cương. Mỗi người lính là một kỷ niệm, là một câu chuyện về những tháng ngày bám chốt, giữ đất.

Trong cơn mưa cuối ngày, chúng tôi đi về phía hang Làng Lò nơi rửa vết thương cho các tử sĩ từ các cao điểm máu lửa đưa về. Cuộc hành trình vào hang cuối giờ chiều tưởng chừng sẽ không còn gặp được một cựu binh nào nữa. Khi đến trước cửa hang, một tấm lưng to bè hiện dưới những tán cây dẫn bước tôi theo lên đồi E5. Một chiến sĩ năm xưa nay trở lại chiến trường hay chàng trai tuổi 20 thăm lại cứ điểm xưa. Rồi từ trên cao đi ngược lại chúng tôi là 3 người cựu binh, quân phục vắt vai, mồ hôi hòa nước mưa. Một cuộc trùng phùng của các cựu binh diễn ra dưới làn mưa, khơi lại ký ức một thời hoa lửa và tuổi xuân. Những dấu tích, những hành trình và hi sinh cứ thế theo cuộc hàn huyên hiện lên đầy sống động. 1 trong 3 cựu binh đến từ Thanh Hóa vốn là đồng đội vào sinh ra tử của Anh hùng Lê Trần Mãn, người nổi tiếng với câu nói “Xin mưa trên đỉnh 685”. CCB Nguyễn Văn Hợp đã cùng liệt sỹ Lê Trần Mãn giữ cao điểm 685 kể lại: Hai ngày đánh trận liên tiếp, Đại đội trưởng Lê Trần Mãn sau khi địch chiếm E5 đã cùng 3 chiến sĩ đánh diệt kẻ thù. Trên cao điểm không nước, không lương thực, 7 người tiếp tế từ hang Làng Lò luân phiên nhau cứ 2 người mang cơm, 2 người mang nước cho các chiến sĩ giữ chốt. Sau khi đưa thương binh xuống, Lê Trần Mãn lại tiếp tục chiến đấu cho đến khi hết đạn anh gọi điện “xin mưa” trên đỉnh 685, (mưa ở đây là cơn mưa đạn pháo). CCB Nguyễn Văn Hợp rưng rưng kể về sự hi sinh của đồng đội, sau khi đạn pháo dội xuống đỉnh 685, đồng chí Lê Trần Mãn đã hy sinh, đồng đội tìm thấy anh còn nguyên vẹn trong một hốc đá, Anh Hùng Lê Trần Mãn được đồng đội bọc lại bằng chăn bông, giấu vào một khe đá. Khi quân tiếp tế của ta lên tải thương và tiếp đạn, địch nổ pháo giữ đội không thể lên cao điểm được. Từ đó thi hài của anh hùng Lê Trần Mãn cũng nằm lại trên chốt cao đó tới ngày nay.

Giờ đây, hơn 2.000 chiến sĩ vẫn còn nằm rải rác trên các cao điểm trên tuyến biên giới, có nhiều vật cản nổ chưa được rà phá; các nhân chứng từng chiến đấu ở đây cũng ngày càng ít đi. Các anh vẫn nằm đó nơi chiến hào hoa lửa, tuổi 20 của những người anh hùng vĩnh viễn nằm ở nơi biên cương, linh hồn bất tử của các anh hòa vào đất, vào cỏ cây làm thành lũy giữ biên cương Tổ quốc. Những nén nhang, những ngọn nến của đồng đội, của nhân dân các thế hệ sau sẽ mãi được thắp lên để tưởng nhớ và tri ân sự hi sinh cao cả của các anh…

 Trọng Toan


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sự tích cây nêu
Xuân 2022 - Ngày xưa, ở lưng chừng núi hẻo lánh phía Bắc, có một làng người Dao với vài nóc nhà, cuộc sống gắn liền với nương rẫy, di cư quanh vùng. Dưới chân núi, là một làng người Tày với khoảng hơn chục nóc nhà, họ sống nhờ cày cấy với mấy thửa ruộng ven theo con suối chảy qua giữa làng.
31/01/2022
Độc đáo bánh Tết truyền thống của người Tày Yên Minh
BHG - Bên những dãy núi cao quanh năm mây phủ, những dòng sông uốn lượn, nơi đồng ruộng thênh thang trĩu hạt, người Tày Hà Giang đã định cư sinh sống từ bao đời nay. Trên những thửa ruộng bậc thang của quê hương, họ đã cùng người Dao, người Mông… trồng cấy để tạo nên những hạt gạo thơm ngon phục vụ bữa ăn hàng ngày và làm ra những loại bánh truyền thống đặc sắc…
31/01/2022
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ
BHG - Thôn Lùng Vài xã Phương Độ có tổng số 75 hộ dân, 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Trong những năm qua, phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế, với độ cao hơn 700 mét so với mặt nước biển, có khu rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ quanh năm đây là điều kiện phù hợp cho người dân trong thôn trồng cây thảo quả dưới tán rừng. Tận dụng lợi thế đó, những năm qua người dân trong thôn đã phát triển mạnh diện tích trồng thảo quả, nhờ đó đời sống người dân được nâng lên. Cùng với đó, bản sắc văn hóa của người dân nơi đây được giữ gìn, trong đó có Lễ cấp sắc.
30/01/2022
Xuân về nơi đảo xa
BHG  - Một mùa Xuân mới đang về với Trường Sa, không khí chào đón năm mới đang tràn ngập khắp quần đảo. Gác lại niềm riêng tư, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đang cùng nhau đón một cái Tết ấm tình đồng đội; luôn giữ chắc tay súng để bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc thân yêu.
29/01/2022