Nét đẹp văn hóa trong Lễ hội Xuống đồng

09:55, 29/01/2011

HGĐT- Sau những ngày nghỉ tết hàng năm, các dân tộc Tày, Nùng, Muờng, Thái...lại tổ chức Lễ hội xuống đồng, rồi mới bắt đầu vào công việc đồng áng.


Lễ hội này có tên gọi khác nhau, như: Hội lồng tồng, Hội ném còn, Hội tung còn... tiếng Tày là Lồng tông dựa vào cách thức cách tổ chức truyền thống thì gọi Lễ hội xuống đồng đúng hơn, còn gọi Lễ hội tung còn là chỉ hoạt động chính. Lễ hội xuống đồng thường làm 2 phần việc: Phần lễ, cúng cầu may, cày ruộng, gieo vãi hạt giống; phần hội là tung còn và các trò chơi dân gian có thưởng.


Thôn giao cho một nhóm hộ dựng lán, bàn cúng; lấy một cây mai làm cột cao khoảng 15m, ngọn buộc vòng nguyệt to bằng cái sàng; dán các vòng giấy đỏ, tím vòng trong giấy trắng tròn đường kính 10 cm, quanh vòng dán các tua giấy tượng trưng linh vật nữ trinh. Thôn hỗ trợ 1 hộ gần nơi tổ chức sắm mâm lễ chính: 1con gà luộc, thịt lợn luộc, cá nướng, bánh chưng, các loại bánh tự làm, xôi... hương - vàng, rượu, chè, đèn, cành đào có hoa, thóc giống...Trưởng thôn mời thầy cúng. Cả thôn họp thống nhất mỗi hộ đóng góp một ít bánh chưng, thực phẩm chín, rượu, hoa quả tự sản xuất được và mấy quả còn đánh dấu riêng mang ra lễ; nhà có điều kiện tự nguyện chuẩn bị thịnh soạn hơn thể hiện tài chế biến món ăn ngày tết và lòng mến khách của mình. Quả còn tượng trưng linh vật thanh niên nam khỏe mạnh, phải làm đúng quy cách khi tung phải chuẩn hướng, không làm đau tay người bắt. Lễ cúng từ 8- 9 giờ sáng, khi bà con đến đông thì dựng cột, bày mâm lễ lên giàn, sắp lễ của các hộ thành hàng ngang; thầy cúng mặc sắc phục đứng quay mặt về hướng Đông, chỗ đặt mâm lễ và cột còn rồi gõ chiêng khấn vái 4 phương: Cảm ơn trời đất và các thần linh năm qua đã cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi; gia súc, gia cầm phát triển đầy đàn; con người khoẻ mạnh ấm no hạnh phúc; cầu mong năm mới lại được sự phù hộ nhiều hơn. Sau khi bài cúng kết thúc, thầy xin âm dương cầu may rồi lấy gậy chọc xuống ruộng mấy lỗ, vãihạt giống và vẩy ít nước lên tưới.


Kết thúc phần lễ, thầy mang mấy quả còn đến chân cột cúng tiếp và tung thử. Sau đó cho các ông, bà phúc hậu đứng ra bên nam, bên nữ tung trước; tiếp theo là thanh niên rồi tất cả mọi người cùng tung. Trưởng thôn công bố các giải: Người tung quả còn xuyên thủng vòng trước được giải Nhất, người tung lọt lần 2 được giải Nhì,người tung lọt lần 3 được giải 3; người đón được 3 quả còn lọt vòng và chủ của các quả còn đó cũng được thưởng. Cột còn được hạ ngay sau khi có người trúng giải 3; nếu không ai tung thủng, phải dùng súng bắn thủng mới hạ cột. Ngoài việc tung còn có nơi còn thi đánh sảng, đánh yến, bắn nỏ, kéo co, hát giao duyên có thưởng... Sau khi các trò chơi kết thúc, Trưởng thôn công bố, trao giải cho những người trúng thưởng rồi cùng nhau rải chiếu lá cọ bày cỗ thành một hàng dọc tại bãi, mời các hộ trong thôn và khách liên hoan chúc mừng người trúng thưởng, chúc nhau năm mới mạnh khoẻ làm ăn tấn tới hơn rồi mới chia tay.


Lễ hội tung còn là hoạt động văn hoá, thể thao thu hút mọi người, nhất là con em trong thôn, xã lâu ngày mới về thăm quê và khách du lịch có dịp thưởng thức, cổ vũ nhiệt tình. Đây là bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc cần lưu giữ và phát huy.


ĐINH MINH TUNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

10 hoạt động, sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2010
Chiều 30.12 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức gặp mặt báo chí nhân dịp kết thúc năm công tác và công bố các hoạt động, sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2010.
31/12/2010
Chiều hạ
Giọt nước nào trên láCòn lại sau cơn mưaTrong một chiều mùa hạTheo nhành non đong đưa...
31/12/2010
Mừng Xuân sang!
Mùa Xuân mới vừa tới nơiCao nguyên đá quê tôiLại vừa được quốc tế công nhận thànhCông viên địa chất thế giới
31/12/2010
Huyền thoại một công viên
Anh thấy cao nguyên trong mắt emSóng sánh rượu ngô mưa suốt đêmMột khoảng trời nửa vầng trăng khuất Tiếng đàn môi xứ sở thần tiên
31/12/2010