Phim hoạt hình VN: Cách tân để tồn tại

08:39, 26/03/2008

Phim có thời lượng dài, phim 3D là những cách tân thể hiện nỗ lực của đội ngũ những người làm phim hoạt hình VN trong việc tiếp cận với thị hiếu của người xem hôm nay. Những thể nghiệm ban đầu trong Ve vàng và dế lửa, Vào hang kiến... đã được ghi nhận.


 
 Cảnh trong phim "Ve vàng và dế lửa"
Nhưng cũng chính từ những ghi nhận ấy cũng đặt ra nhiều vấn đề mà hoạt hình VN muốn có người xem ( kể cả trên sóng truyền hình và ngoài rạp) phải tiếp tục đổi mới.

Mổ xẻ những phim khá

Trong số 7 phim hoàn thành trong năm 2007, Ve vàng và dế lửa (phim 3D- đạo diễn Phùng Văn Hà), Bước nhảy của châu chấu (phim vi tính- đạo diễn & họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn) và Vào hang kiến ( phim dài-vi tính, đạo diễn Trần Trọng Bình) có chất lượng khá hơn.

Điểm trội dễ nhận thấy ở cả 3 phim là tạo hình đẹp, màu sắc khá ấn tượng, chuyển động của các nhân vật uyển chuyển, sinh động. 

Tuy nhiên, bên cạnh  thế mạnh riêng (Ve vàng và dế lửa có những khuôn hình đẹp được tạo dựng bởi không gian 3 D ấn tượng; Vào hang kiến là câu chuyện dài hơi đầu tiên đưa người xem thâm nhập vào mê cung của thế giới loài kiến qua sự tưởng tượng khá phong phú của các nhà làm phim;

Bước nhảy của châu chấu súc tích, chuyển tải bài học lớn trong một câu chuyện nhỏ mà không cần những lời thoại to tát), thì cả 3 phim được coi là khá nhất này vẫn chưa thoát được cái lỗi cố hữu của phim hoạt hình Việt- đó là kịch bản sơ lược, thiếu tính bất ngờ, thiếu độ gay cấn và vì thế mà phim chưa hấp dẫn, chưa sâu.

Với mong muốn đổi mới để tồn tại, Hãng phim Hoạt hình VN đã dũng cảm đặt những phim khá nhất trong năm lên bàn để mổ xẻ.

Ông Viết Linh- tác giả  kịch bản phim Thám tử  004 ( phim 2D, đạo diễn Lương Xuân Huy) khen Vào hang kiến  làm khá công phu nhưng lại chê thoại của phim này khá dài dòng, ít tính thực tế, thiếu ngôn ngữ điện ảnh.

Nhà biên kịch Đoàn Trúc Quỳnh thì nói: “ Với độ dài hơn 50 phút, lẽ ra các nhà làm phim nên kết hợp kiến thức thực tế và sức tưởng tượng để giới thiệu cho người xem một thế giới kiến với những sinh hoạt cộng đồng rất riêng biệt và sinh động.

Bên cạnh đó, cũng phải cho người xem thấy thế giới của loài mối ra sao, chúng sinh sống và có tác hại thế nào đối với môi trường và con người. Tiếc là các nhà làm phim đã không làm được điều này. Vì thế, xem phim dài hơi nhưng người xem vẫn thấy thiếu , thấy hụt hẫng vì những gì thể hiện trong phim không tới bến, không đủ độ, tất cả cứ chơi vơi, châng lâng và... nhàn nhạt”.

Cũng nói về bộ phim này, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc (thành viên Ban giám khảo hoạt hình của giải Cánh diều vàng 2007) kể: “Nếu với những gì thể hiện trong Vào hang kiến, tôi nghĩ nên cắt đi khoảng 20 phút  thì phim sẽ ổn. 

Còn với độ dài hiện tại, khi ngồi chấm phim này, đạo diễn Phương Hoa cứ kêu: buồn ngủ quá”. Chê thế, nhưng các ý kiến vẫn cho rằng nên phát triển thể loại hoạt hình dài. Thể loại này thế giới đã làm từ lâu và chỉ loại này mới có thể ra rạp.

Được khen nhiều nhất về tạo hình là phim Ve vàng và dế lửa. So với bộ phim Hai chiếc bình làm trước đó, thì Ve vàng và dế lửa  có tính biến ảo nhiều hơn và màu sắc cũng ấn tượng hơn.

Đánh giá chung về các phim khá của năm 2007, ông Vũ Kim Dũng, nguyên trưởng phòng kịch bản (Hãng phim Hoạt hình VN) khẳng định: “Hoạt hình VN đã có tiến bộ vượt bậc về mặt kỹ thuật và xử lý đồng bộ (hình, tiếng, màu sắc),  đặc biệt là phim 3D và phim có thời lượng dài. Trên cơ sở những gì đã đạt được ở 2 loại phim này, chúng ta tự tin với những gì đang theo đuổi sẽ được người xem chấp nhận”.

Và những điểm yếu cần khắc phục

Nhìn khắp lượt những cây viết đang cộng tác với Hãng phim Hoạt hình, phần lớn thuộc lứa U50, 60... thậm chí hơn. Sức hấp dẫn của phim hoạt hình phụ thuộc vào sức tưởng tượng của người sáng tác ra câu chuyện và  người thể hiện câu chuyện đó trên màn ảnh.

Nhất là trong xã hội hiện đại, để hấp dẫn người xem, phim hoạt hình phải luôn cập nhật các tiến bộ về kỹ thuật và các thông tin mới trong xã hội để làm mới một câu chuyện cũ và biết cách kể mới một câu chuyện vốn rất quen thuộc.

Sở dĩ Ve vàng và dế lửa  được khen bên cạnh tiến bộ về kỹ thuật và sự đồng bộ trong xử lý hình và tiếng, thì vấn đề mà bộ phim đặt ra- hát nhép đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Nhà văn Lê Phương Liên nói : Hiện tượng hát nhép đã tràn vào các sân khấu biểu diễn của thiếu nhi. Tôi đã chứng kiến nhiều em thiếu nhi hát nhép, nhiều dàn đồng ca của thiếu nhi hát nhép.

Điều đáng lo ngại, là BTC, những người phụ trách các em lại đồng tình với việc làm mà cả xã hội đang phê phán này. Vì thế, rất cần những bộ phim như Ve vàng và dế lửa, và bộ phim này phải được giới thiệu đến đông đảo các em thiếu nhi, để các em một lần nữa nhận thức lại, chỉ có sự cần cù, chịu khó luyện tập mới đem đến thành công đích thực và được xã hội mến mộ”.

Bà Liên cũng cho rằng, điểm yếu nhất của phim hoạt hình hiện này là vấn đề kịch bản và để cải thiện vấn đề này hãng phim cần tổ chức  nhiều cuộc giao lưu với các cây viết cho thiếu nhi. Tổ chức cho họ xem phim, xin ý kiến đóng góp và đặt hàng họ viết kịch bản cho hãng.

Đồng tình với bà Liên về việc cần phải có sự “đột phá” ở khâu kịch bản, nhà văn Đoàn Trúc Quỳnh cũng khẳng định: “Với tiến bộ về kỹ thuật hiện nay, chỉ cần có kịch bản hay ( trong đó hội tụ các yếu tố: cốt truyện  hấp dẫn, tình tiết bất ngờ) và đầu tư thoả đáng để  các nhà làm phim có điều kiện thực hiện các ý tưởng nâng cao chất lượng hình ảnh (tạo hình đẹp, nhiều tính biến ảo)  phim Hoạt hình VN có thể lên sóng, ra rạp mà không bị cả chủ rạp lẫn người xem từ chối”.

Nói thì đơn giản, nhưng để làm được những gì mà nhà văn Phương Liên, hay tác giả Đoàn Trúc Quỳnh gói trong “một câu”... là cả một vấn đề mà đội ngũ làm phim hoạt hình phải gồng mình dốc sức để vượt qua chính những bước khởi điểm được cho là thành công của mình. Quan trọng nhất là không được thoả mãn.


baovanhoa.vn

Cùng chuyên mục

Bảo tàng tỉnh nhận hiện vật từ gia đình có công với nước
(HGĐT)- Vừa qua, tại thôn Séo Lủng 1, xã Thái An, huyện Quản Bạ, Bảo tàng tỉnh tiếp nhận hai khẩu súng và một số hiện vật khác do gia đình ông Ma Kháy Sò và ông Ma Kháy Dèn, trao tặng.
29/02/2008
Dự thảo quy chế về liên kết xuất bản: Tư nhân chịu trách nhiệm liên đới về vật chất nếu như bị xử lý
Dự thảo “Quy chế liên kết trong hoạt động xuất bản” đang được Cục Xuất bản (Bộ TT-TT) gấp rút xây dựng.
28/02/2008
Tục “kéo vợ” của người Mông Hà Giang
(HGĐT)- Ở Hà Giang, người Mông có dân số đông nhất, với hơn 190.000 người, phân bố chủ yếu ở các huyện vùng cao phía Bắc là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và hai huyện phía Tây là Xín Mần và Hoàng Su Phì.
26/02/2008
Võ Thị Lệ Thu đoạt hoa hậu ĐBSCL
Vào tối 23/2, Thí sinh Võ Thị Lệ Thu (Kiên Giang), cao 1,75m đã đăng quang hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2008.
25/02/2008