Hàng chục vạn người hành hương về đất Tổ

08:52, 25/04/2007

Chính hội Đền Hùng được tổ chức vào mùng 10/3 âm lịch. Thường thì sau Tết Nguyên đán cho đến hết tháng 3, đồng bào cả nước hành hương về đây, thắp nén hương thơm lên bàn thờ các vua Hùng, bồi hồi, xúc động, thành kính tri ân công đức Tổ tiên.


Năm 2007 là năm lẻ, UBND tỉnh Phú Thọ được giao trách nhiệm chủ trì chính lễ.

Để tổ chức thành công Lễ hội, công tác chuẩn bị đã được tiến hành ngay từ trước Tết Nguyên đán. Do trùng với ngày nghỉ nên lượng du khách về với đất Tổ đông hơn.

Riêng trong ba ngày 5 - 7/3 âm lịch, mặc dù trời mưa suốt buổi sáng nhưng lượng du khách đổ về Đền Hùng  ước tính đã trên 17 vạn người.

Tình trạng tắc nghẽn giao thông liên tục xảy ra trên các tuyến đường dẫn về khu vực này; các mạng điện thoại di động ở khu vực cũng bị nghẽn cục bộ ở một số thời điểm.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay được tổ chức từ ngày 6 – 10/3 (âm lịch) trong không gian rộng từ Khu di tích lịch sử đền Hùng, thành phố Việt Trì đến các xã vùng ven.

Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, thành kính vào ngày 10/3 (âm lịch) tại “Điện Kính Thiên” trên núi Nghĩa Lĩnh.

Đoàn đại biểu mặc trang phục lễ truyền thống, đoàn kiệu lễ vật, đội tiêu binh rước Quốc kỳ cùng đông đảo đồng bào, du khách hòa trong âm hưởng vang vọng và linh thiêng của nhạc lễ dành riêng cho Giỗ Tổ Hùng Vương.

Phần hội diễn ra trong 5 ngày từ 6 đến 10/3 âm lịch với nhiều hoạt động phong phú như rước kiệu, diễn xướng dân gian, các hoạt động thể thao, hội chợ, các tour du lịch gắn với chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam” và “Du lịch về cội nguồn” của ba tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai.

Đặc biệt, do là năm đầu tiên người lao động được nghỉ làm việc ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch; cũng là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cho phép được bắn pháo hoa tầm cao (thay cho pháo hoa tầm thấp như mọi năm) vào 21 giờ ngày 9/3 âm lịch nên những cuộc hành hương về nơi nguồn cội của dân tộc sẽ ngày một dày thêm, ngày một ý nghĩa.

Không chỉ bó hẹp tại Đền Hùng, không gian lễ hội được kéo dài đến Việt Trì và vùng phụ cận với các sự kiện:

Tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia và công bố quy hoạch chi tiết Khu di tích khảo cổ Làng Cả; Biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; Trình diễn trang phục Việt Nam theo dòng lịch sử… tại thành phố Việt Trì và Hội thảo khoa học về Làng cười Văn Lang tại Đại học Hùng Vương (thị xã Phú Thọ).

Mở đầu cho phần hội năm nay là màn trình diễn ấn tượng đánh trống đồng, múa sư tử và hát xoan của các diễn viên, nghệ nhân xã Kim Đức (thành phố Việt Trì) tại Công Quán - Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Tiếp đó là lễ khai mạc giải bóng chuyền nam, bắn nỏ, cờ tướng, vật dân tộc.

Các hoạt động văn hóa dân gian đậm nét truyền thống cổ xưa từ thời Hùng Vương dựng nước sẽ diễn ra sôi động tại nhiều địa điểm với các loại hình: rước kiệu, đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân, rước kiệu, thi giã bánh dày, gói bánh chưng, kéo lửa nấu cơm thi...

Các hoạt động văn nghệ quần chúng và hội trại văn hóa được dàn dựng công phu với nhiều chủ đề, nhiều hình tượng hàm chứa nội dung và ý nghĩa sâu sắc của vùng đất cội nguồn cũng là biểu trưng cho nét văn hóa dân gian đã trở thành tục lệ lưu truyền trong các lễ hội vùng quê Đất Tổ cũng đồng loạt được tổ chức.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thực sự là điểm hội tụ ý chí, tinh thần cộng đồng của dân tộc. Ảnh: Phạm Yên

Điểm mới dễ thấy nhất ở Đền Hùng năm nay là các khu vực tổ chức hoạt động dịch vụ đã được quy hoạch quy củ hơn. Về với đất Tổ, đồng bào và du khách được lực lượng an ninh và thanh niên tình nguyện dẫn đường theo lộ trình hợp lý, hệ thống bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, biển bảng chỉ dẫn đã được chỉnh trang, nâng cấp, đảm bảo an tâm, thoải mái.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng đã bố trí trên 20 kiốt bán hàng, hai cửa hàng ăn uống có niêm yết giá phục vụ trong lễ hội.

Ngoài ra, BTC cũng đã phối hợp với các xã vùng ven tổ chức các điểm bán hàng cho nhân dân, không để tình trạng bán hàng rong lan tràn, gây ảnh hưởng tới nếp sống văn minh trong khu di tích. Phân luồng ra vào ở 5 trục đường chính, nhằm đảm bảo cho du khách yên tâm khi đến lễ hội.

Con Rồng cháu Tiên từ khắp nơi trên đất nước, từ nhiều nước trên thế giới, đang nườm nượp đổ về mong được thắp nén hương kính lễ tổ tiên, tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là ngày hội đoàn kết của cả dân tộc, đã đi vào sâu thẳm tâm linh của mỗi người và thực sự trở thành điểm hội tụ ý chí, tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.


Tiền phong

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giỗ Tổ Hùng Vương theo dòng lịch sử
Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 - 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là ngày giỗ của một gia tộc, một dòng họ, một làng, một xã, một vùng mà là ngày giỗ cụ Tổ chung của cả nước.
25/04/2007
Bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của người dân tộc Lô Lô
(HGĐT)- Người già làng Lô Lô kể rằng, xưa kia người Lô Lô có tục “Khù mi” gọi là ăn cắp chơi - nghĩa là ăn cắp lấy may. Ăn cắp vào tối 30 tết: Mỗi gia đình đi ăn cắp một cái gì đó và phải lấy cho đủ con số 12 bởi con số đó ứng với 12 tháng trong năm.
24/04/2007
Phát động quyên góp ủng hộ sách cho thư viện và tủ sách cơ sở xã
(HGĐT)- Nhân Ngày Sách và bản quyền thế giới (23.4) và hưởng ứng “Tuần lễ đọc sách”, từ ngày 22 - 23.4, tại Thư viện tỉnh, Sở VH-TT tổ chức Lễ phát động quyên góp ủng hộ sách cho thư viện và tủ sách cơ sở xã. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Trần Bắc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Đình Châm, ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo, đại diện
24/04/2007
Mèo Vạc biểu dương các gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu
(HGĐT)- Vừa qua Huyện Mèo Vạc đã tổ chức Hội nghị biểu dương các gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu toàn huyện giai đoạn 2001 - 2006. Đến dự có các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hóa thông tin, huyện Mèo Vạc và hơn 80 gia đình gia đình văn hóa tiêu biểu.
23/04/2007