Nâng cao văn hóa du lịch để bảo vệ di tích
“Đi đâu? Làm gì?” luôn là câu hỏi gần gũi với bất cứ ai mỗi khi có dịp nghỉ lễ. Các di tích, danh lam thắng cảnh... tất nhiên là lựa chọn của số đông; nhưng làm thế nào để vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, vừa bảo vệ môi trường và cảnh quan trước chính khách du lịch và cả những cá nhân, tổ chức làm công tác khai thác du lịch... luôn là câu hỏi đau đầu của các nhà quản lý.
Phóng uế, xả rác thải bừa bãi, dẫm đạp cây cối, chạm khắc lung tung lên hiện vật... chính sự thiếu ý thức (cả vô tình và cố ý) của con người đang là hiểm họa đối với chính những thắng cảnh du lịch.
Bạ đâu cũng... “lưu dấu”
Việc du khách bắt chước... Tôn Ngộ Không theo kiểu “lão Tôn đã đến nơi đây” thực sự phải coi là thảm họa của ngành du lịch. Cái việc chạm khắc tên mình hay một ký hiệu gì đó lên đá, đồ vật, cột gỗ... để “làm kỷ niệm” thực sự gây tổn hại nghiêm trọng đến hiện vật và cảnh quan trong các khu di tích, danh lam thắng cảnh.
Đâu đâu trên các rìa đá lối lên đỉnh Hàm Rồng (Sa Pa, Lào Cai) cũng có thể bắt gặp tên các cặp đôi lồng trong những hình tim méo mó, hoặc dăm ba câu thơ được khắc lên nguệch ngoạc, càng quá quắt hơn khi những hình khắc này cũng xuất hiện trên bề mặt di tích cần được bảo vệ nghiêm ngặt là bãi đá cổ Sa Pa. Các động đá tại Phong Nha - Kẻ Bàng, Hạ Long, Chùa Hương... cũng nằm trong tình trạng tương tự.
Tình trạng buôn bán, giăng bảng che khuất di tích là phổ biến. Ảnh: Giang Huy. |
Chị Minh Ánh, một hướng dẫn viên du lịch công tác lâu năm cho biết: “Du khách hay có thói quen chạm khắc, nhất là thành phần học sinh, sinh viên. Họ dùng bất cứ thứ gì tiện tay vớ được như cành cây, đá cục có một đầu nhọn, thậm chí có người “chuyên nghiệp” đến mức chuẩn bị sẵn dao nhọn... để khắc, viết, vẽ lên những cột, kè, đá tảng hay cây cối…”.
Cách đây một vài năm, nhiều diễn đàn du lịch đã ồn ã một thời gian dài vì chuyện một đạo diễn nổi tiếng không hề ngần ngại khắc tên mình to đùng trên tảng đá cột mốc trên đỉnh núi Phan Xi Păng. Vị đạo diễn này sau đó phải nhận không ít phản ứng của cư dân mạng.
Tại khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ, có thể thấy cảnh các bảng hiệu đặt tại vị trí cửa hầm xuyên núi và lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, lán làm việc của Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy... ngoài những vết cào xước nham nhở, không đọc được rõ nội dung giới thiệu, còn bị du khách khắc tên hoặc vẽ đè lên những hình thù phản cảm.
Tượng đài Thánh Gióng - một biểu tượng đặc trưng của văn hóa tâm linh, một công trình trọng điểm trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (đặt tại núi Đá Chồng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cũng chịu chung số phận tương tự khi vừa mới khánh thành không lâu đã “được” du khách khắc thêm đủ thứ tên tuổi, hoa văn...
Rác vứt bừa bãi
Sự thiếu ý thức trong việc bảo vệ những khu di tích, khu du lịch không chỉ xảy ra với một số người buôn bán thiếu hiểu biết mà nhiều khi chính những du khách có học vấn khi đi du lịch cũng mắc phải. Anh Nguyễn Phước Thịnh – Nhân viên hướng dẫn du lịch của Cty YTC (TP HCM) cho biết: Trong một lần dẫn đoàn khách tham quan khu Du lịch sinh thái Cần Giờ, anh đã phải không ít lần nhắc nhở du khách không được xả rác trong suốt chuyến đi vì không ít khách cứ quen tay ăn kẹo cao su hoặc kẹo, bánh xong là quăng luôn vỏ bọc, hộp giấy ngay trên đường đi tham quan và cho rằng ở giữa thiên nhiên, đất cát, cây cỏ, đầm nước như thế này thì cần gì phải giữ vệ sinh. Thậm chí có người còn quay ra cho những em nhỏ (cũng là du khách) đi tiểu tiện ngay tại những nơi vừa mới đi qua.
Tình trạng xả rác bất cứ nơi đâu dường như đã trở thành thói quen mặc định của dân Việt, bất cứ là “du lịch” dưới hình thức nào. Chưa cần nói đâu xa, chỉ riêng bãi cỏ trong các thành phố lớn sau mỗi dịp lễ Tết thực sự trở thành một bãi rác khổng lồ, dọc đường Nguyễn Chí Thanh, Thanh Niên, khu vực Bờ Hồ, hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu... vung vít giấy ăn, vỏ hoa quả, vỏ bánh kẹo và cả giấy báo dùng để lót chỗ ngồi... Còn tại những nơi “thiên nhiên hoang dã” thì khỏi phải nói, dọc đường lên đỉnh Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), Bà Nà (Đà Nẵng); hay cả mặt nước vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng)... lúc nào cũng có thể thấy vỏ chai, vỏ lon, giấy ăn hay các túi ni lông rác ném bừa bãi...
Kinh doanh lấn sân di tích
Di tích lịch sử chùa Phụng Sơn và chùa Giác Viên thuộc quận 11 (TPHCM), ngay ở trước cổng chùa, hàng quán vẫn “mọc lên” vô tư, lấn chiếm mặt tiền chùa. Vào những đợt thanh kiểm tra liên ngành, thực trạng này giảm đi một thời gian song sau đó lại đâu vào đấy, người dân lại lấn chiếm, kinh doanh một cách “vô tư”.
Tình trạng lấn chiếm di tích lịch sử để kinh doanh cũng xảy ra với khu vực chùa Ông (trên đường Nguyễn Trãi – quận 5). Chùa này nằm trong danh sách những chùa cổ của sách Sài Gòn 100 năm, cũng là một trong những điểm tham quan của nhiều du khách quốc tế…. Thế nhưng, cứ sau 18h mỗi ngày (trừ các ngày rằm, mùng một), sau khi chùa đóng cửa thì một số người dân lại đẩy xe bán sữa đậu nành đến ngay trước cổng bán một cách vô tư.
Và cứ thế, cả người bán lẫn thực khách đến ăn uống tại đây cứ vô tư xả rác. Khi những chiếc xe hàng rong bán hết thì hầu như ngày nào cũng để lại rất nhiều rác rưởi, bao giấy đựng đồ ăn thức uống ngay trước cổng chùa, khiến ngôi chùa nhìn rất mất mỹ quan và gây cản trở không ít cho việc tìm hiểu, tham quan của du khách thập phương đến với ngôi chùa này.
Thống kê của Sở VH-TT-DL TPHCM cho biết, hiện TPHCM có 73 di tích kiến trúc nghệ thuật (26 di tích cấp quốc gia và 47 di tích cấp TP) đều là những điểm đến mà hầu hết các Cty du lịch lữ hành có thực hiện City tour nhắm đến giới thiệu với du khách. Thế nhưng, khi đề cập đến việc bảo tồn và khai thác hợp lý những di tích lịch sử này, một vị Phó GĐ Sở VH-TT-DL đã phải “ta thán”: Công tác quản lý di sản tại TPHCM gặp muôn trùng khó khăn. Bởi bên cạnh những di tích hư hỏng, bị xâm hại bởi nhiều lý do khách quan thì ý thức kém của người dân là một trong những “tác động xấu” đến việc bảo quản di sản…
Thực trạng đó không chỉ tại TPHCM mà còn là tình trạng chung của cả nước đặc biệt trong mùa lễ hội, báo giới đã từng lên tiếng than về việc “hội không khác chợ” như nhắc tới lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình) khi hàng trăm hàng quán và cả lực lượng bán rong đông đảo đổ xô ra lấn chiếm lối vào chùa, chèo kéo du khách. Cũng như vậy, lực lượng chèo đò kiêm “môi giới” hàng quán tại khu di tích Chùa Hương trở nên nổi tiếng với câu “9 tháng mài dao 3 tháng chém”, “thập diện mai phục” giăng bạt biển, xả rác, lấn chiếm đường đi lối lại.
Ý kiến bạn đọc