Những cánh hoa của tuổi học trò

16:13, 20/05/2024

BHG - Nhiều người trong số chúng ta chắc đã từng nghe qua câu hát “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu…”. Mùa hè là mùa của một màu hoa rực rỡ - hoa phượng, sắc hoa hòa trong cái nắng chói chang, rát bỏng xen trong tiếng ve inh tai. Đó cũng là mùa chia ly của tuổi học trò đầy lưu luyến.

Mùa hạ, hình như đi đến bất cứ sân trường nào cũng thấy màu hoa phượng đỏ rực, bên cạnh đó là màu tím của bằng lăng chiếm lĩnh không gian. Chẳng biết tự bao giờ, những cánh phượng đỏ thắm trở thành thứ mà bất kỳ cô cậu học trò nào cũng đều cảm mến, nó được gọi là hoa của tuổi học trò. Đặc biệt là với những học sinh cuối các cấp học phổ thông. Trước những buổi chia tay diễn ra đúng vào thời điểm hoa phượng nở rực sân trường. Sắc đỏ mang đến những cảm xúc đan xen vui buồn ở một góc hành lang lớp học, một khoảng sân trường, nó mang đến thật nhiều suy tư, man mác cho những cô cậu học trò. Tưởng như những cánh phượng đỏ thắm sẽ là màu mạnh mẽ, hóa ra lại vô cùng mong manh, dễ vỡ. Khoảng thời gian đầu mùa hạ, thường là những ngày rất thương nhớ của tuổi học trò. Những cơn mưa đầu mùa vừa dứt, tiếng ve ngân lên vội vã như làm cho thời gian trôi đi nhanh hơn.

Những cánh Phượng đỏ luôn là hình ảnh đẹp gắn với tuổi học trò.
Những cánh Phượng đỏ luôn là hình ảnh đẹp gắn với tuổi học trò.

Trên những cành phượng xanh bắt đầu bật nở những nụ hoa lửa, độ hai đến ba ngày đã phủ sắc nhuộm đỏ cả một góc trời. Trong giờ học, ở một góc bàn học nào đó gần cửa sổ, dễ bắt gặp hình ảnh những cô cậu học trò ngẩn ngơ ngóng ra tán phượng vĩ lấp ló bên ngoài. Một ai đó tranh thủ ghi những dòng lưu bút cho bạn bè. Nhiều dòng tâm sự mà mấy mươi năm sau nếu có ai đó còn giữ gìn tốt những cuốn lưu bút, sẽ thấy lại những cảm xúc đáng yêu và ngây ngô lắm.

Mùa hè nóng rực, nhưng chính màu hoa phượng đỏ đến nao lòng khiến các cô cậu học trò có thêm cảm xúc trong trái tim, làm cho các bạn học trò lớn nhanh hơn về suy nghĩ. Những cánh hoa chợt rơi rơi trên sân trường sau những cơn gió khiến cho tình cảm thầy trò thêm thắm đượm và sâu sắc hơn, bởi nó là một báo hiệu của thời khắc chia xa những ngày đẹp nhất của tuổi học trò. Khoảng thời gian cuối các cấp học, đặc biệt là cấp II, cấp III, rất dễ bắt gặp những nét buồn, sự trầm tư lắng lại trong tâm hồn của học trò. Đó cũng là thời điểm mà nhiều người dễ chia sẻ những cảm xúc với nhau, đời học trò trong những thời khắc này cũng được khắc nhớ sâu đậm suốt cuộc đời mỗi người.

Sắc màu Phượng vỹ quen thuộc ở các sân trường mỗi độ Hè về.
Sắc màu Phượng vỹ quen thuộc ở các sân trường mỗi độ Hè về.

Trong quãng thời gian của tuổi học trò, khoảng thời gian cuối cấp là lúc nhiều cô cậu học trò thường ép những cánh phượng, cánh bằng lăng tím vào các trang sách, vở. Bao thế hệ đã qua, thật ngạc nhiên đến nay dù ta đang ở thời của facebook, tiktok, nhưng việc ép những cánh hoa trong trang sách, trang lưu bút vẫn còn. Sẽ không ngạc nhiên khi nhiều người còn giữ những cánh hoa phượng, hoa bằng lăng ép khô đó suốt mấy chục năm. Chợt đến lúc lên ông, lên bà, vô tình tìm thấy cuốn lưu bút ẩn kỹ trong tủ, những kỷ niệm về một mùa hạ, mùa của màu hoa phượng cháy rực ở sân trường ùa về. Ở trong khoảng ký ức ấy, biết đâu có một ai đó vẫn còn ngẩn ngơ với tình yêu đầu đời của tuổi học trò.

Thời gian cứ trôi đi, chúng ta đang cuốn vào thời của cuộc sống số. Nhưng mùa hạ vẫn là một mùa đặc biệt hoa của tuổi học trò với những cánh hoa phượng đỏ rực, những sắc bằng lăng rực tím sân trường. Tiếng ve có thể ít đi do sân trường ngày càng hẹp hơn, bê tông hóa, nhưng chỉ vài chú ve còn lại thôi cũng đủ làm sống lại cả một tuổi học trò đẹp nhất trong đời người.

Trong một không gian nào đó của buổi chia ly mùa hạ, ta vẫn bắt gặp những cô cậu học trò cầm những cành hoa phượng chụp với nhau những kiểu ảnh bằng điện thoại sờ mát phôn. Buổi liên hoan chia tay cuối cấp vẫn còn được tổ chức như một điều gì đó không thể nào thiếu. Hãy nhìn xem, một vài cô cậu ướt át vẫn dễ tựa vào vai nhau sụt sịt trong giờ chia ly. Giờ dạy cuối cùng của cô chủ nhiệm trên một lớp nào đó còn là giờ rơi đầy nước mắt bởi những cảm xúc nuối tiếc khó tả giữa thầy cô và lũ trò tinh nghịch gắn bó bao năm.

Mấy chục năm trôi vụt, kể từ ngày chia tay ở cái sân trường đầy kỷ niệm của tuổi học trò, một ai đó giữa mùa hoa phượng về đã cảm xúc viết bài thơ “Tôi sẽ về họp lớp”. Bài thơ này được lan tỏa trên mạng xã hội, đây không phải là tác phẩm thi ca bất hủ gì, nhưng ai qua tuổi học trò cũng đều thấy hay và nó như khiến ta thương nhớ về một thời của những cánh hoa học trò đầy luyến tiếc.

Bài, ảnh: PHÙNG NGUYÊN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Buổi sinh hoạt đặc biệt dưới cờ “Mừng non sông thống nhất”
BHG - Đã thành nền nếp, cứ vào mỗi dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, trọng đại của quê hương, đất nước, Liên đội các trường học trên địa bàn huyện Quang Bình đều tổ chức chương trình sinh hoạt dưới cờ. Lần này, buổi sinh hoạt đặc biệt dưới cờ mang chủ đề “Mừng non sông thống nhất” nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2024) đã khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay.
30/04/2024
Hứa hẹn nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai
BHG - Tới đây, Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2024 sẽ được huyện Mèo Vạc tổ chức trong 2 ngày, từ ngày 4 – 5.5 tại xã Khâu Vai. Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn, hứa hẹn đem đến cho nhân dân và du khách những trải nghiệm thú vị, khó quên.
30/04/2024
Người Mông Lùng Hẩu gìn giữ nghề đan quẩy tấu
BHG - Xã Thái An (Quản Bạ) không chỉ có vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc của núi non hùng vĩ, những căn nhà trình tường e ấp bên sườn núi; mà còn có hình ảnh những chàng trai người Mông ngồi bên hiên nhà thoăn thoắt đôi tay đan lát tạo nên những chiếc quẩy tấu đẹp mắt. Nghề đan quẩy tấu không chỉ góp phần giữ gìn nghề truyền thống độc đáo và còn tạo sinh kế giúp bà con nâng cao thu nhập.
19/05/2024
Lễ hội truyền thống góp phần giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước
BHG - Đồng Văn là địa phương có 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa riêng. Trong đó, lễ hội truyền thống là một phần không thể thiếu, phản ánh những sinh hoạt, những khát vọng cùng tài năng của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá. Ngày nay, trước sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ, các lễ hội truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng, thể hiện hồn cốt của dân tộc; đồng thời còn là “giáo án” vô giá góp phần giáo dục thế hệ trẻ, giúp thế hệ trẻ hiểu, gìn giữ, phát huy và quảng bá, đưa văn hóa truyền thống vươn xa.
17/05/2024