Người Mông Lùng Hẩu gìn giữ nghề đan quẩy tấu
BHG - Xã Thái An (Quản Bạ) không chỉ có vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc của núi non hùng vĩ, những căn nhà trình tường e ấp bên sườn núi; mà còn có hình ảnh những chàng trai người Mông ngồi bên hiên nhà thoăn thoắt đôi tay đan lát tạo nên những chiếc quẩy tấu đẹp mắt. Nghề đan quẩy tấu không chỉ góp phần giữ gìn nghề truyền thống độc đáo và còn tạo sinh kế giúp bà con nâng cao thu nhập.
Chúng tôi chạy xe từ trung tâm xã Thái An, đi theo đường tỉnh lộ 181, đến gần xã Đường Thượng (Yên Minh) rẽ trái đi khoảng chừng 3 km là đến thôn Lùng Hẩu. Đây là thôn vùng cao thuần nông của xã Thái An, khi ghé bất kỳ ngôi nhà nào trong thôn, tôi đều dễ dàng bắt gặp các cụ già, chàng trai, cô gái người Mông đang miệt mài ngồi đan những chiếc quẩy tấu với đủ kích cỡ.
Lãnh đạo xã Thái An đến thăm, động viên người dân thôn Lùng Hẩu đan quẩy tấu để nâng cao thu nhập. |
Nghề đan quẩy tấu ở thôn Lùng Hẩu được người Mông gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Theo các già làng trong thôn, với người Mông, quẩy tấu đồng hành từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành. Các em nhỏ thường được mẹ đặt quẩy tấu địu trên lưng, theo mẹ đi làm nương hay đi chợ; khi đeo trên lưng, chiếc quẩy tấu thể hiện sự đảm đang, vun vén của người phụ nữ. Cứ như vậy, quẩy tấu gần gũi, không thể tách rời trong cuộc sống đồng bào Mông từ đời này qua đời khác. Với người Mông, quẩy tấu còn được coi như là một món đồ trang sức, góp phần làm nên vẻ đẹp khỏe khoắn, nết na của người phụ nữ dân tộc Mông. Chính vì thế, những ngày Tết truyền thống, chiếc quẩy tấu cùng một số vật dụng quen thuộc quan trọng khác của người Mông như: Cuốc, dao, được đặt ở vị trí trung tâm bàn thờ để thắp hương cúng bái tổ tiên.
Đến thôn Lùng Hẩu, tôi may mắn được gặp anh Ly Mí Thào, sinh năm 1991, anh đã có nhiều năm tâm huyết, gắn bó với nghề đan lát. Anh Thào luôn mong muốn đưa quẩy tấu Lùng Hẩu vươn xa và những người Mông trong thôn cũng vậy. Người Mông sinh sống trên các sườn núi cao, dốc thẳm, gập ghềnh nên đã sáng tạo ra chiếc quẩy tấu để vận chuyển nông sản, hàng hóa. Chiếc quẩy tấu được xem như là vật bất ly thân của người Mông, là người bạn trên lưng lúc lên nương hay xuống chợ. Chính vì vậy, 15 tuổi anh Thào đã tiếp xúc với công việc đan quẩy tấu. Anh Ly Mí Thào chia sẻ: “Nhà tôi làm nghề đan lát đã lâu lắm rồi, từ đời ông cha truyền lại rồi các thế hệ sau cứ thế nối tiếp. Quẩy tấu được đan từ cây trúc, nghề đan quẩy tấu cần sự tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo, kỹ thuật chẻ nan phải biết lách dao sao cho độ dày mỏng thật đều, thật phẳng thì lúc đan mới dễ, mới đẹp. Trung bình mỗi tháng tôi đan được 100 chiếc quẩy tấu, nghề này không những tạo việc làm, tăng thêm thu nhập mà còn giúp người dân chúng tôi giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Anh Vàng Mí Phua, thôn Lùng Hẩu đang chẻ nan để chuẩn bị đan quẩy tấu. |
Cũng như anh Thào, anh Vàng Mí Phua là một trong những người tâm huyết với nghề truyền thống của thôn, biết đan quẩy tấu từ năm 12 tuổi, anh là một trong những người có tay nghề đan lát khéo nhất vùng và anh Phua cũng là người truyền dạy và truyền cảm hứng nghề đan lát cho con em đồng bào nơi đây. Anh Phua chia sẻ: “Nghề đan quẩy tấu yêu cầu người làm phải tỉ mỉ, cần mẫn và khéo léo. Phải thật sự yêu và đam mê mới có thể học nghề và gắn bó với nghề, mới cho ra được sản phẩm đẹp. Người dân ở thôn Lùng Hẩu lúc nông nhàn, nếu siêng năng, mỗi ngày đan được 3 sản phẩm, thu nhập hàng tháng từ 6 - 10 triệu đồng”.
Mỗi sản phẩm quẩy tấu có giá thành tùy vào kích cỡ, thường dao động từ 80 đến 150 nghìn đồng. Từ những chiếc quẩy tấu đơn giản ban đầu, sau một thời gian, bà con đã biết làm thêm các sản phẩm bán cho nhà hàng, quán cà phê để trang trí, sản phẩm để làm quà lưu niệm cho khách du lịch. Từ đó, sản phẩm không chỉ làm đến đâu, hết đến đó mà còn có giá trị cao hơn nhiều.
Đồng chí Hạng Mí Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thái An cho biết: “Thôn Lùng Hẩu có 118 hộ, 627 nhân khẩu, trong đó 100 hộ đang giữ gìn và phát huy nghề truyền thống đan quẩy tấu. Các sản phẩm người dân làm ra đã có thị trường và đang dần thay đổi phương thức sản xuất, các sản phẩm ngày càng độc đáo, tinh xảo, đáp ứng cơ chế thị trường và thị hiếu của khách hàng. Trong thời gian tới, xã Thái An sẽ xây dựng những sản phẩm đan lát này thành sản phẩm OCOP của địa phương. Với mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp tục học tập, phát huy nghề đan lát truyền thống nhằm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông. Qua đó, tận dụng các lợi thế từ nghề truyền thống để tăng thêm thu nhập, đóng góp vào việc giảm nghèo tại địa phương”.
Bài ảnh: NGUYỄN DỊU
Ý kiến bạn đọc