Hà Giang phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đáp ứng trong tình hình mới
BHG - Theo thống kê từ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, tính đến nay thiết chế văn hóa thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Giang có 1 cơ quan quản lý nhà nước, 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, 11 phòng văn hóa và thông tin, 11 trung tâm văn hóa, thể thao và du lịch thuộc 11 huyện, thành phố. Với tổng số 565 biên chế, người lao động; riêng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang) có 41 biên chế, người lao động. Về độ tuổi, nguồn nhân lực đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Giang có độ tuổi từ 31-50, chiếm ưu thế trong tổng số nguồn nhân lực. Có thể thấy rằng, thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của tỉnh là nguồn nhân lực trẻ, phần đa có trình độ từ cao đẳng trở lên.
Đối với cán bộ quản lý văn hóa ở cơ sở, thì cán bộ văn hóa - xã hội là một trong 7 chức danh chuyên môn nghiệp vụ được “cơ cấu cứng” trong bộ máy cấp xã. Với nguồn nhân lực tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo, thực hành và trình diễn văn hóa nghệ thuật (cụ thể chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn: ca, múa, nhạc) họ đã và đang làm nghề bằng tất cả tài năng, nhiệt huyết, đam mê và khổ luyện. Thực tế hoạt động nghề nghiệp cho thấy đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực quản lý và trực tiếp thực hành sáng tạo văn hóa nghệ thuật còn gặp không ít khó khăn và hạn chế cả số lượng và chất lượng.
Các diễn viên Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt II-2023. |
Để góp phần cải thiện tích cực, giải quyết được những thách thức đặt ra cho nguồn nhân lực quan trọng trong lĩnh vực nghệ thuật của tỉnh. Những năm gần đây ngành văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao và phát triển nguồn nhân lực, trong đó có lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Phối hợp với các cơ sở đào tạo, các cục, vụ, viện chuyên ngành chú trọng mở các lớp tập huấn về công tác quản lý; tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch; tích cực cử công chức đi đào tạo thạc sĩ, đại học tại nước ngoài (theo Bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Sở Du lịch Quảng Ninh với Sở Văn hoá và Du lịch khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), đến nay số cán bộ được cử đi học tại nước ngoài là 4 đồng chí; đào tạo thạc sĩ và đại học trong nước là 17 người. Theo thẩm quyền quản lý, tiến hành xây dựng đề án vị trí việc làm đối với công chức, viên chức, đảm bảo quyền lợi chính sách đối với người lao động, từ đó xây dựng lòng tin đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa nghệ thuật gắn bó lâu dài với sự nghiệp.
Nhận thấy vai trò quan trọng của đội ngũ những người tham gia trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật của tỉnh, đặc biệt cần có sự đổi mới phù hợp với quá trình hội nhập phát triển, trong thời gian tới nguồn nhân lực đặc thù này ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục có những giải pháp cụ thể và thực tế phù hợp như: Đào tạo, đào tạo lại, đào tạo theo chức danh, đồng thời mở rộng quy mô và phạm vi đào tạo. Tăng cường việc bồi dưỡng ngành nghề theo từng lĩnh vực cho cán bộ mới được tuyển dụng. Đảm bảo tính liên kết giữa các cơ sở đào tạo với ngành, để cán bộ có thể học cao hơn khi có điều kiện. Chú trọng đến việc cung cấp, rèn luyện các kỹ năng mềm cho nguồn nhân lực. Đồng thời tạo điều kiện để CBCCVC được thực hành rèn luyện khả năng lao động sáng tạo, có tư duy độc lập và năng lực giải quyết công việc, khả năng thích ứng cao với những yêu cầu trong công việc. Ngành chuyên môn tiếp tục có những chương trình, kế hoạch tăng cường hợp tác hơn nữa với tỉnh Quảng Tây- Trung Quốc đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong các lĩnh vực văn hoá và du lịch, tiếp thu kiến thức tiên tiến của thế giới. Triển khai công tác đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực nghệ thuật, cử cán bộ tham gia học tập, bồi dưỡng tại các trung tâm đào tạo lớn có chất lượng trong và ngoài nước theo hình thức ngắn hạn hoặc dài hạn. Thường xuyên mở các lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở về kiến thức quản lý tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao cơ sở. Tận dụng chính sách hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo chuyên ngành chuyên sâu và nghiên cứu để chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn tiếp theo.
Việc đào tạo nguồn nhân lực luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình triển khai và là yếu tố quyết định đến hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Đội ngũ những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật một lĩnh vực mang tính chất đặc thù, đặc biệt thì việc nâng cao chất lượng và đảm bảo về số lượng luôn cần được quan tâm và đẩy mạnh vừa để góp phần nâng cao giá trị văn hóa tinh thần trong đời sống nhân dân, đáp ứng được những yêu cầu mới của quá trình hội nhập, phát triển đất nước.
Minh Đức (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Ý kiến bạn đọc