Mèo Vạc nhân rộng mô hình xếp tường rào đá
BHG - Cùng với đẩy mạnh chỉ đạo bảo tồn nhà ở theo kiến trúc truyền thống gắn với phát triển du lịch, thời gian qua huyện Mèo Vạc chú trọng nhân rộng mô hình xếp tường rào đá của dân tộc Mông.
Là địa phương có đồng bào Mông sinh sống chiếm số lượng lớn, với hơn 78%. Hiện nay, dân tộc Mông ở Mèo Vạc vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, như: Chế tác khèn Mông, dệt vải lanh, đan quẩy tấu, chế biến các món ăn ẩm thực và biểu diễn các làn điệu múa, hát dân ca. Trong lĩnh vực nhà ở, dân tộc Mông thường làm nhà theo kiến trúc nhà trình tường hoặc nhà ghép ván gỗ, mái lợp ngói âm dương, cổng bằng gỗ và xếp tường rào đá xung quanh nhà để bảo vệ tài sản của gia đình. Điểm nổi bật là kỹ năng xếp đá khéo léo chỉ người Mông mới có, từ những em thiếu niên đến người già, ai ai cũng biết xếp tường rào đá, bức tường rào luôn vững chắc trước mưa gió và trường tồn cùng thời gian. Vì thế, ngoài ngôi nhà ở truyền thống thì tường rào đá không thể thiếu được trong đời sống văn hóa và kiến trúc nhà ở của đồng bào dân tộc Mông.
Hàng rào đá bao quanh ngôi nhà của gia đình anh Và Vả Lầu, xã Pải Lủng. |
Để góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, BTV Huyện ủy Mèo Vạc đã chỉ đạo UBND huyện ban hành 3 mẫu nhà ở theo kiến trúc nhà truyền thống dân tộc Mông áp dụng rộng rãi trên địa bàn huyện, đồng thời ban hành Chỉ thị số 07-CT/HU ngày 1.7.2021 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác tuyên truyền bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc Mông. Thành lập Tổ chỉ đạo khôi phục, cải tạo, giữ gìn và bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông thuộc các xã Pả Vi, Pải Lủng, Sủng Trà. Kết quả, từ năm 2019 đến nay, đã chỉ đạo nhân dân xếp tường rào đá được 90 nhà, chỉ riêng năm 2023 đôn đốc nhân dân xã Pải Lủng xếp tường rào đá được 14 nhà. Hiện nay, mỗi khi du khách đến tham quan đều rất thích thú chụp ảnh tường rào đá với ngôi nhà trình tường tại thôn Pả Vi Thượng và Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; hay tường rào đá và cổng gỗ truyền thống dân tộc Mông tại trụ sở xã và các đơn vị trường học trên địa bàn xã Pả Vi.
Du khách bên tường rào đá tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi. |
Cô Mạc Thị Bích Hà, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã đi tham quan nhiều địa phương ở các tỉnh nhưng rất ấn tượng mỗi khi được đến Mèo Vạc, bởi ngoài phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của danh thắng Mã Pì Lèng và dòng sông Nho Quế, tôi được chụp ảnh với tường rào đá của dân tộc Mông, vừa cổ kính, vừa giàu bản sắc văn hóa”.
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, nhiều bản sắc văn hóa dần bị mai một, song, những hàng rào đá vẫn được người Mông trân trọng, bảo vệ, giữ gìn như một nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Phát huy truyền thống đó, huyện Mèo Vạc tiếp tục triển khai nhân rộng ra các thôn, bản; trong đó tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân sinh sống tại các thôn dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ xếp tường rào đá, tạo điểm nhấn thu hút khách đến tham quan, vừa góp phần tô điểm cảnh quan môi trường, vừa bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Bài, ảnh: Quỳnh Lưu (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc