Giữa thăm thẳm biên thùy
Đồng Văn - Mèo Vạc - Lũng Cú, nơi ở bản đồ nước mình “là cái mỏm nhọn nhất trên cơ thể Tổ quốc”. Giữa vùng phên giậu ấy, chúng tôi đã kịp dừng chân vào một ngày nắng tháng Tư...
Nơi “sống mũi con ngựa”
Những khung cảnh ở cao nguyên đá Đồng Văn luôn có sức hút với nhiều người |
Tuyệt nhiên im lặng. Chậm rãi và cẩn trọng, người lái xe dường như chỉ nhìn phía taluy dương để tránh cảm giác choáng ngợp, chúng tôi đã lên Mã Pí Lèng, ngay trong buổi nắng sớm của miền biên viễn.
Mã Pí Lèng, nơi người Mông địa phương gọi là Mả Pì Lèng, được đặt theo tên bản của người Mông xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), có nghĩa là sống mũi con ngựa.
Những đoạn cua tay áo với một bên là vách núi, bên kia là vực thẳm, Mã Pí Lèng là đỉnh cao mà các tay lái đều muốn chinh phục. Cùng với Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ và đèo Pha Đin, Mã Pì Lèng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi cao phía Bắc Tổ quốc.
Mã Pí Lèng nằm trong “con đường Hạnh phúc”, khởi đi từ cột mốc số 0, TP.Hà Giang (giáp biên giới Việt - Trung) với tổng chiều dài tuyến đường là 185km, điểm đầu tại cầu Gacdie của Hà Giang và điểm cuối ở Mèo Vạc.
“Đường Hạnh phúc” khởi công năm 1959 và hoàn thành 6 năm sau đó, năm 1965. Tấm bia dựng bên vệ đường đèo với những thông tin chi tiết về cung đường đặc biệt, như gợi lên đầy tự hào và bi tráng về sức lực, ý chí của con người. Toàn bộ tuyến đường thi công chủ yếu bằng sức người và dụng cụ thô sơ.
Riêng đèo Mã Pì Lèng lực lượng thi công phải treo mình bằng dây ròng từ trên xuống, bám vào vách đá dựng đứng đục từng lỗ choòng, phá từng tấc đá, thi công 11 tháng mới hoàn thành.
Đã có 14 thanh niên xung phong - cũng là công nhân mở đường hy sinh cho tuyến đường này. Bây giờ, họ nằm lại ở thung sâu Yên Minh, nơi vốn trước đây tên gọi hành chính là Đồng Văn.
Nơi “sống mũi con ngựa” đầy hiểm trở này, cũng chính là nơi cảm nhận được một cao nguyên đá Đồng Văn kỳ vĩ với trập trùng đá. Đá như những lớp sóng dồn dập và dồn đuổi sức người trong cuộc sinh tồn.
Những mỏm núi đá sắc nhọn với cấu tạo địa tầng phức tạp cùng vết tích của nơi đã trải qua 7 thời kỳ địa chất từ hơn 550 triệu năm, tạo tác nên một Cao nguyên đá Đồng Văn với chiều dài hơn 2.356km từ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn cho đến Mèo Vạc.
Đá xếp lớp qua bao bản làng của người Mông, Lô Lô, Dao, Thái...với những tên gọi ngay khi đọc đã gợi lên cảm giác xa ngái như Tả Pìn Thủng, Sà Phìn, Ma Lé, Lũng Cú... Năm 2010, khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, những tên gọi của vùng phên giậu như được kéo xích lại gần hơn.
Và cũng thật thiêng liêng, ở ngay nơi biên thùy, cảm thức về chủ quyền Tổ quốc trở thành sợi dây kết nối người đến. Trong đáy mắt những bạn đường lúc chạm vào cột cờ trên đỉnh Lũng Cú, nơi chưa cần dướn mắt đã thấy đường biên, tôi mơ hồ nhận ra những xao động. Tiếng kẻng vang lên từ đồn biên phòng dưới chân cột cờ. Nghe như trái tim mình đang đầy chặt niềm xúc động và tự hào Việt Nam...
Sự sống
Những nương đá lởm chởm, tầng tầng lớp lớp, dưới làn sương bảng lảng, khuất lấp cả những bản làng của đồng bào. Thứ đá tai mèo như người bạn đồng nghiệp dẫn đường nói, nó không thể làm được gì nhiều ngoài chuyện sừng sững giữa đất trời như vậy. Người Mông không thể dùng thứ đá này để làm nhà. Từng tảng đá, có lẽ được người Mông đẽo gọt và xếp lớp để dùng làm vật “giữ đất”.
Tôi nhớ trong “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng”, Thào Mỹ của nhà văn Nguyên Ngọc dùng tay để đo những bụm đất được chắt chiu trong từng hốc đá. Họ chắt chiu giữ những bụm đất như kho báu của bản làng mình. Người Mông có tập tục sống ở những nơi càng cao, dốc đứng sừng sững vì cho rằng đó mới chính là nơi an toàn để họ cư trú.
Nên ở Mã Pì Lèng đoạn qua Mèo Vạc, thảng hoặc ở mỗi khúc cua, người đi đường nhìn thấy những chiếc váy Mông sặc sỡ đang cheo leo bám trên nương ngô bé mọn so với cái sừng sững của cao nguyên đá. Tôi cứ hình dung người phụ nữ xứ này như những con ong nhỏ, cần mẫn chăm bón từng bộng ngô non cho đến ngày trổ cờ.
Tầm - người dẫn đường nói khi chỉ về phía những hồ trơ đáy, rằng cùng với từng bụm đất, thì nước ở đây cũng quý không kém. Trước những năm 2000, đồng bào Mông, Dao, Lô Lô, Sán Dìu... phải tích trữ nước mưa chảy từ mái tôn, mái lá hay gùi từng can nước từ sông Nho Quế, rồi leo gần cả ngàn mét núi đá dựng đứng để đem về dùng.
Như một kỳ tích từ tâm huyết của những nhà khoa học, khi tìm ra vỉa nước trong mấy tầng lớp đá để đưa về phục vụ cho người dân ở miền xa nhất của Hà Giang. Và những bể nước lần lượt ra đời, làm sứ mệnh thu gom nước trời, cũng như nước từ các vách đá. Người ở vùng cao nguyên đá gọi những bể nước như vậy là hồ treo.
Từ năm 2007 đến nay, đã có 115 hồ treo cho người dân Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn, Quản Bạ. Hồ treo được xây dựng ở những thung lũng nhưng vẫn phải nằm ở những vị trí tương đối cao để từ đó có thể dẫn nước về các bể áp, cấp nước cho dân bản. Những hồ nước như viên ngọc tạc vào đá núi này. Long lanh sự sống.
Mùa tam giác mạch của 10 năm trước, tôi lần đầu đến Đồng Văn - Lũng Cú - Mèo Vạc. Để mùa tháng Tư rồi, trong bước chân chậm rãi của hồi tưởng, bên dòng Nho Quế như soi bóng của đất trời cao nguyên đá, vẫn giá như mình có thể gặp được những cặp đôi người Mông mới lớn, đi chợ phiên mặc áo đẹp đợi một ánh nhìn, một điệu khèn trên mỏm đá mèo.
Hình như đã thưa vắng dần nhịp chân trong nếp váy hoa xòe đi mà như có giai điệu của người phụ nữ Mông, Hoa, Nùng... Cũng đã không còn thấy khói um một góc trời từ bếp lửa củi tấu hừng hực dùng đun nồi thắng cố, cạnh đó là những bát rượu ngô men lá phải bưng bằng hai tay để uống của người đàn ông Mông.
Những người Mông ấy, họ đã ở đâu, khi đêm giữa phố cổ Đồng Văn ngày tôi đến - cũng vang điệu khèn của một A Páo - nhưng lại là người từ Nghệ An lên...
Theo baoquangnam.vn
Ý kiến bạn đọc