Nét riêng Hạ Thành
BHG - Thôn Hạ Thành, xã Phương Độ cách trung tâm thành phố Hà Giang 6 km đi theo hướng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. Đây là bản nhỏ của người Tày, mang vẻ đẹp thanh bình và thơ mộng, với những nếp nhà sàn truyền thống và sự thân thiện của người dân, đã cuốn hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch. Ảnh: TƯ LIỆU |
Cách biệt với sự ồn ào, náo nhiệt, lối vào Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Hạ Thành là con đường bê tông nằm giữa những thửa ruộng bậc thang đang vào thời kỳ chín rộ. Thôn có địa hình tương đối bằng phẳng, có dòng suối xinh đẹp chảy qua trung tâm, xung quanh là đồi cọ xanh biếc, xen giữa là những thửa ruộng được tô điểm bởi các tảng đá cuội nguyên thủy. Thôn Hạ Thành có 126 hộ, 576 khẩu, 100% là đồng bào Tày. Năm 2011, thôn Hạ Thành được công nhận Làng Văn hóa du lịch cộng đồng, hạ tầng cơ sở được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Hiện thôn có 7 hộ đầu tư làm du lịch cộng đồng Homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, giúp người dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; bên cạnh đó, còn nâng cao nhận thức của người dân về làm du lịch, phát triển du lịch và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Hiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/người/năm. Anh Nguyễn Văn Hạnh, chủ Homestay HAHA chia sẻ: Gia đình tôi mở dịch vụ đã 5 năm, đón tiếp rất nhiều khách du lịch, chủ yếu là khách quốc tế. Họ rất thích tìm hiểu nét văn hóa của đồng bào Tày, sinh hoạt và ăn cơm cùng gia đình. Để đảm bảo theo phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, gia đình tôi cũng như các hộ khác trong thôn luôn thân thiện và minh bạch giá cả, đảm bảo vệ sinh trong khâu ăn uống…
Ẩm thực dân dã để lại ấn tượng trong lòng thực khách. |
Điểm nổi bật ở thôn Hạ Thành là các gia đình đều giữ được nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, đồng thời lưu giữ được những bộ trang phục truyền thống. Các ngôi nhà chủ yếu xây dựng theo kiến trúc nhà ở truyền thống người Tày, được làm từ khung gỗ chắc chắn, không gian rộng rãi thoáng mát, mái lợp lá cọ. Ngoài thu hút khách du lịch, thì đây còn là điểm để bà con người Tày từ nhiều địa phương khác đến tham quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Đến Hạ Thành, du khách có dịp dạo chơi quanh đường làng thơ mộng, trực tiếp tham gia vào các hoạt động trải nghiệm theo mùa cùng với bà con, như: Nhổ cỏ, trồng rau, câu cá, thu hoạch lúa… Buổi chiều, nơi đây được phủ vàng bởi màu hoàng hôn, đây là lúc du khách được tận hưởng không gian làng quê yên bình, ngắm những dải khói lam chiều lãng đãng bay lên từ mái bếp nhà sàn, hoặc chụp những bức hình lưu niệm cho chuyến đi. Khi màn đêm buông xuống, bên bếp lửa bập bùng, du khách được đắm mình trong những câu hát Then, tiếng Đàn tính và các điệu múa do những chàng trai, cô gái Tày trong thôn biểu diễn. Hiện nay, thôn Hạ Thành duy trì câu lạc bộ hát Then, vừa để bảo tồn, truyền dạy cho thế hệ trẻ, vừa để giới thiệu cho du khách nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Ngoài ra, các lễ hội còn được lưu giữ khá nguyên vẹn, như: Lễ hội Lồng tông được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm, Lễ hội Lẩu then Boóc Mạ vào tháng Ba âm lịch; Lễ hội Lẩu then cốm vào tháng Chín âm lịch…
Ngoài ngắm phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, tận hưởng không khí trong lành, ngủ trên nhà sàn trong không gian thoáng đãng, du khách còn được thưởng thức các món ăn mang hương vị dân dã, như: Thịt Vịt bầu, gỏi cá Bỗng, cá Bỗng nướng, canh măng chua, canh cá nấu lá chua, xôi ngũ sắc và các loại rau rừng… Các món ăn đều được người dân chế biến theo văn hóa ẩm thực địa phương, điều đó tạo cho Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Hạ Thành những nét hấp dẫn riêng, lôi cuốn du khách mỗi khi đặt chân đến đây.
Bài, ảnh: Trọng Đạt