Sở GD&ĐT Hà Giang tổ chức thi thử Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021
BHG - Nhằm chuẩn bị tốt về kiến thức cho học sinh lớp 12 năm học 2020-2021 chuẩn bị tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; ôn tập và kiểm tra năng lực, kiến thức của học sinh lớp 12 để có đánh giá toàn diện khách quan về học sinh khối 12 năm học 2020-2021; phân tích kết quả thi thử từ đó đưa ra tư vấn biện pháp ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh nhằm nâng cao tỉ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT năm 2021. Sở GD&ĐT Hà Giang ban hành kế hoạch tổ chức thi thử Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Theo kế hoạch, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục có thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 bố trí nhân lực và cơ sở vật chất đảm bảo cho việc thi thử được diễn ra thuận lợi; yêu cầu 100% học sinh lớp 12 dự thi; từ kết quả thi thử, nhà trường có những tư vấn kịp thời, chỉ ra biện pháp ôn tập cho học sinh để đạt hiệu quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Nội dung các bài thi theo cấu trúc bộ đề thi tham khảo các môn của Bộ GD&ĐT đã công bố ngày 31.3.2021.
Tổ chức thi thử: Mỗi trường THPT, THCS&THPT, Trung tâm GDTX-HN là một điểm thi. Các môn thi gồm: Toán (thi trắc nghiệm), số câu hỏi 50, thời gian làm bào 90 phút; Tiếng Anh (thi trắc nghiệm), số câu hỏi 50, thời gian làm bào 60 phút; Khoa học tự nhiên (thi trắc nghiệm), số câu hỏi 40, thời gian làm bào 50 phút; Khoa học xã hội (thi trắc nghiệm), số câu hỏi 40, thời gian làm bào 50 phút. Lưu ý, thí sinh chỉ được chọn 1 trong 2 môn thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Kết quả điểm thi thử của thí sinh do Sở GD&ĐT chấm và thông báo trên phần mềm, điểm bài thi tự động được công bố chậm nhất 1 ngày kể từ sau khi kết thúc mở đề thi (thí sinh xem điểm bài thi bằng tài khoản cá nhân của mình)
Thời gian tổ chức thi thử theo lịch sau:
+ Lần 1: Mở đề thi các môn từ 7h00’ ngày 18.6.2021;
+ Lần 2: Mở đề thi các môn từ 7h00’ ngày 21.6.2021;
+ Lần 3: Mở đề thi các môn từ 7h00’ ngày 24.6.2021;
+ Lần 4: Mở thi tự do dành cho học sinh ôn tập từ 18h00’ ngày 26.6 đến
hết ngày 30.6.2021.
Các điểm trường lựa chọn phương thức thi gồm: Cách 1, thi thử tập trung có giáo viên coi thi: Yêu cầu nhà trường bố trí giáo viên coi thi, cán bộ hoặc giáo viên hỗ trợ kỹ thuật tin học phục vụ thi thử; có thể tổ chức làm nhiều đợt tùy thuộc và điều kiện cở sở vật chất của nhà trường. Cách 2: Học sinh làm bài thi thử tại nhà: Nhà trường cử giáo viên giám sát từ xa; cử giáo viên hỗ trợ kỹ thuật cho học sinh.
>>Hướng dẫn sử dụng phần mềm thi trực tuyến
Lê Lâm