Chuyển đổi số tạo ra phương thức làm việc mới theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thay đổi tư duy lãnh đạo và Tòa soạn Báo Hà Giang
BHG - Là một tờ báo ở một tỉnh biên giới, cực Bắc của Tổ quốc, còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng chúng tôi cho rằng báo chí là một trong những lĩnh vực cần đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số để có những thay đổi về phương thức tổ chức và hiệu quả hoạt động.
Hiện nay, cơ quan Báo Hà Giang đang sử dụng: Phần mềm quản lý, điều hành văn bản VNPT - ioffice 4.0 và phần mềm Tòa soạn điện tử hội tụ, được thiết kế, xây dựng trên nền tảng công nghệ Microsoft theo yêu cầu đặt hàng của cơ quan, gồm 4 modul chính: Quản trị hệ thống; Quản lý biên tập; Thư viện lưu trữ; Quản lý nhuận bút.
Tổng Biên tập Báo Hà Giang Nguyễn Trung Thu |
Với những ứng dụng như vậy, có thể nói Báo Hà Giang đang có những bước đi ban đầu trong thực hiện chuyển đổi số tuy còn rất nhiều việc phải làm. Song, đã và đang tạo ra một phương thức làm việc mới, tiết kiệm thời gian hơn, nhanh hơn và chính xác hơn, giúp cho quá trình tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên được thuận lợi và chuyên nghiệp, hiệu quả công việc tăng; tin, bài, ảnh được xử lý nhanh chóng hơn. Từ đó nhuận bút của phóng viên cũng tăng lên. Không chỉ vậy, chính những ưu việt của khoa học công nghệ đã làm thay đổi tư duy của lãnh đạo báo và toà soạn, từ đó giúp thay đổi tác phong báo chí theo hướng hiện đại, khoa học.
Về việc thực hiện theo qui trình của toà soạn: Từ định hướng chung theo kế hoạch xuất bản, phóng viên viết tin, bài, chụp ảnh. Chuyển về “kho” của tòa soạn; sau đó các biên tập viên xử lý theo hai kênh: Biên tập viên báo in sẽ lấy từ “kho” để biên tập cho báo in theo từng số xuất bản, chuyển Thư ký Tòa soạn tổ chức sắp xếp, chuyển họa sỹ maket rồi chuyển Tổng Biên tập (hoặc các Phó Tổng Biên tập được phân công) duyệt; nếu có chỉnh sửa sẽ quay lại Thư ký Tòa soạn, họa sỹ rồi chuyển lại duyệt xuất bản. Biên tập viên Báo điện tử sẽ biên tập cho Báo điện tử, chuyển phụ trách Báo điện tử xem xét đẩy vào các mục cần xuất bản rồi đẩy đến Ban Biên tập (người duyệt xuất bản). Thông qua phần mềm này giúp quản lý phóng viên (trên cơ sở số lượng, chất lượng tin, bài, ảnh) và quản lý nhuận bút một cách dễ dàng, khoa học.
Thuận lợi nhất là hiện nay là toàn bộ tòa soạn có thể không làm việc tại trụ sở nhưng báo vẫn được xuất bản bình thường, rất thích hợp trong điều kiện vừa làm việc, vừa phòng chống dịch COVID-19.
Hiện tại, Báo Hà Giang chưa ứng dụng công nghệ thu phí bạn đọc (vì là tờ báo của Đảng bộ tỉnh, hoạt động bằng nguồn ngân sách cấp là chủ yếu và thuần túy phục vụ nhiệm vụ chính trị).
Tin tưởng vào quá trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong báo chí nói riêng sẽ đạt được những kết quả khả quan trong thời gian tới. Quá trình chuyển đổi số đã và đang là một xu hướng tất yếu và tới đây nó sẽ diễn ra nhanh chóng trên mọi lĩnh vực.
Đối với Báo Hà Giang, khó khăn lớn nhất hiện nay để chuyển đổi số toà soạn toàn diện là nguồn lực đầu tư. Còn các nguồn lực về con người như: phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật luôn sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số với sức trẻ, sự năng động, nhiệt huyết, có khả năng nhanh chóng thích ứng và tiếp cận ứng dụng những công nghệ mới. Hơn nữa, Ban biên tập luôn nhận thức rõ và có quyết tâm cao trong việc thay đổi phương thức làm việc theo hướng chuyển đổi số.
Với sự nỗ lực, cố gắng của lãnh đạo và toàn thể phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật của Toà soạn thời gian qua, hy vọng rằng, trong thời gian tới Báo Hà Giang sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, chuyển đổi số hiệu quả, hỗ trợ tích cực trong quá trình hoạt động, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao phó.
PV
(Lược ghi trả lời phỏng vấn về chuyển đổi số của đồng chí Nguyễn Trung Thu, TUV, Tổng Biên tập Báo Hà Giang)