Mèo Vạc đẩy mạnh xóa mù chữ
BHG - Mặc dù công tác xóa mù chữ (XMC) đã được các cấp, ngành của huyện Mèo Vạc đặc biệt quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng trong thời gian qua; song, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác này vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Trường Mần non Hoa Đào (thị trấn Mèo Vạc) chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, nhằm thu hút học sinh đến trường. |
Thực hiện Nghị định 20/20214 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, XMC, tính đến hết năm 2020, huyện Mèo Vạc đạt XMC mức độ 1; số người biết chữ từ 15 – 25 tuổi đạt 98%, từ 15 – 35 tuổi đạt 97%, từ 15 – 60 tuổi đạt 91%; huyện có 18/18 xã, thị trấn đạt chuẩn XMC, trong đó 15/18 xã, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ 2.
Xác định công tác XMC có vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển KT – XH địa phương, những năm qua, huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều giải pháp và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện tốt công tác này. Đơn cử, Hội Khuyến học huyện đã tham mưu cho UBND huyện hướng dẫn Hội khuyến học các xã, thị trấn phối hợp với các đoàn thể hỗ trợ cho học viên nghèo, neo đơn đi học; kịp thời phát hiện, động viên những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để giúp các em tiếp tục đến trường… Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chỉ đạo Hội Phụ nữ các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em gái về sự cần thiết phải biết chữ; tổ chức thành lập các nhóm nói tiếng phổ thông, người biết chữ dạy người không biết chữ… Hội Nông dân các cấp tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng làng văn hóa, làng học tập, tổ chức các lớp tập huấn, lớp chuyên đề giáo dục kỹ năng sống chú trọng đến ngôn ngữ tiếng Việt…
Giáo viên Trường Tiểu học Cán Chu Phìn động viên học sinh ra lớp. |
Từ 2014 đến nay, huyện Mèo Vạc đã mở 46 lớp XMC, thu hút trên 800 học viên tham gia. Tài liệu hướng dẫn dạy và học được biên soạn phù hợp với từng nhóm tuổi. Ngoài ra, các lớp XMC đã có sự phối hợp với dạy nghề hay các hoạt động khác nhằm tạo điều kiện cho người học tiếp cận nhiều kiến thức trong cuộc sống, phù hợp với đối tượng, tránh được sự nhàm chán cho các học viên…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác XMC ở Mèo Vạc đang đối diện không ít khó khăn, hạn chế. Cụ thể, địa bàn dân cư sống không tập trung, các đối tượng XMC, tái mù chữ là độ tuổi lao động, phần lớn người học là lao động chính hoặc phụ nữ nên việc huy động mở lớp học gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi của một số xã biên giới còn hạn chế; tỷ lệ người biết chữ tương đối lớn nhưng do chất lượng học tập chưa thực sự đảm bảo nên tỷ lệ tái mù trở lại cao. Mặt khác, một số cấp ủy, chính quyền xã chưa thực sự quan tâm đến công tác XMC, phó mặc việc vận động, duy trì học sinh cho giáo viên; một số đoàn thể chưa làm tốt công tác tuyên truyền, tham mưu chưa tốt cho cấp ủy, chính quyền để huy động người học ra lớp; một số Trung tâm Học tập cộng đồng xây dựng kế hoạch mở lớp còn mang tính hình thức, chưa chú trọng đến chất lượng; năng lực giảng dạy và tuyên truyền của một số giáo viên còn hạn chế, chưa chú trọng đến các kỹ năng dạy học cho người lớn tuổi…
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc, Bùi Văn Thư: Nhằm tháo gỡ những khó khăn, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác XMC trên địa bàn, hiện nay, Phòng đang tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tập trung vào các giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, nâng cao nhận thức của người đứng đầu với công tác XMC; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy lãnh đạo của các Trung tâm Học tập cộng đồng, BCĐ phổ cập giáo dục các xã, thị trấn đảm bảo về cơ cấu, bộ máy mang tính ổn định lâu dài; chỉ đạo các đơn vị giáo dục tổ chức điều tra, rà soát các đối tượng XMC để xây dựng kế hoạch mở các lớp học theo từng giai đoạn, năm học.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc