Độc đáo bánh trưng gù

09:14, 06/02/2021

Xuân 2021 - Bánh trưng gù của dân tộc Tày và một số dân tộc thiểu số, được gói bằng lá dong, trong có gạo nếp, nhân đậu và thịt. Bánh thường được gói vào dịp Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu và một số dịp khác. Người ta cũng gói loại bánh này để làm thực phẩm ăn trong vài ngày, do dễ bảo quản hơn bánh trưng vuông như: Mang theo để ăn khi đi xa nhà hoặc để làm quà, mùa Đông có thể để được khoảng 7-10 ngày, để lâu bánh cứng phải cho vào nồi hay ống nứa luộc lại. Bánh trưng gù được gói bằng một lá dong duy nhất, gói theo hình trụ tròn và múp hai đầu: Nếu đặt nằm ngửa bánh có hình nén bạc, nếu đặt nằm sấp trông như một đống thóc hay gạo đã được vun lại theo chiều dài, thể hiện sự no đủ về lương thực. Trọng lượng mỗi chiếc bánh khoảng 250 - 300 gram vừa đủ cho một suất ăn bình thường. 

Vớt bánh. Ảnh: ĐINH MINH TUNG
Vớt bánh. Ảnh: ĐINH MINH TUNG

Vào dịp Tết Nguyên đán, người ta gói bánh khá cầu kỳ: Trước hết phải chọn lá dong có chiều dài khoảng 60 cm, rửa sạch cả hai mặt lá, sau đó phơi nắng nhẹ hoặc hơ qua lửa cho se lại để khi gói không bị rách. Gạo nếp ngon phải được vo thật sạch, để cho ráo nước; đậu xanh xay vỡ mảnh và ngâm, đãi sạch vỏ; thịt lợn ba chỉ thái miếng ướp bột canh, bột thảo quả, bột ngọt. Lá được đặt mặt bụng lên trên, sau đó dùng bát ăn cơm xúc gạo vừa bằng miệng bát, đổ một nửa vào lá, xúc đậu xanh cho vào và cho nhân thịt vào giữa phần đậu; tiếp theo lần lượt cho đậu xanh và gạo phủ lên bằng số lượng ban đầu. Người gói nhẹ nhàng gấp hai mép lá vào đúng chính giữa, sao cho bánh đạt kích thước đã định rồi gấp hai mép lá lại như gấp tà áo; tiếp tục kéo gấp phía đuôi lá rồi kéo gấp phía đầu lá, gập lại sao cho chiều dài của bánh bằng 20 cm. Sau đó vỗ nhẹ cho gạo bên trong dàn đều và xếp lại các nếp gấp nếu chưa chặt. Dùng lạt buộc ở hai đầu múp và kéo phần đuôi lạt về giữa bụng của chiếc bánh; buộc chính giữa chiều dài bánh một lạt nữa, để giữ mối lạt hai đầu không bị tuột. Sau khi gói xong, ngâm bánh trong nước sạch khoảng 4-5 giờ cho gạo no nước. Sau đó đem vào luộc đều lửa liên tục trong 5 giờ; vớt bánh ra quạt cho bớt nóng và dùng khăn sạch lau hết nhớt bên ngoài. Dùng lạt xâu 4 hoặc 6 bánh treo lên sào, nơi thoáng mát. 

Người dân Ngọc Hà, thành phố Hà Giang gói bánh trưng gù. Ảnh: Vũ Đình Giáp
Người dân Ngọc Hà, thành phố Hà Giang gói bánh trưng gù. Ảnh: Vũ Đình Giáp

Khi ăn cởi hết lạt, nhẹ nhàng gỡ nếp gấp của lá, để bánh lộ ra khoảng rộng chừng 1cm từ đầu đến cuối; xé hai bên đuôi lá sao cho chỗ rách chụm về một chỗ và sát với phần bánh; kéo nhẹ đuôi lá để gân lá đi đúng chính giữa bánh chẻ đôi bánh làm hai phần bằng nhau. Bánh ngon thì phần gạo phải chặt, mềm, rền bao bên ngoài; tiếp theo là phần đậu, trong cùng là phần thịt đã nhừ trông rất đẹp. Muốn có bánh ngon phải làm cầu kỳ từ khi gói đến lúc luộc chín, trong đó công đoạn ngâm bánh sau khi gói cho no nước là rất quan trọng, không thể bỏ qua.

Đinh Minh Tung

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc phát huy vai trò Hội Nghệ nhân dân gian

BHG - Thường xuyên được củng cố, kiện toàn và không ngừng được nâng cao về chất lượng, các Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG) trên địa bàn huyện Mèo Vạc ngày càng phát huy tốt vai trò trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời đẩy lùi, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong cộng đồng dân cư.

29/01/2021
Đặc sắc di sản văn hóa dân tộc Dao Hoàng Su Phì

BHG - Là huyện nằm phía Tây của tỉnh Hà Giang với 12 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì hiện nay đang được người dân bảo tồn, lưu giữ nhiều loại hình độc đáo, mang nét đặc trưng riêng biệt.

29/01/2021
Lễ nhảy lửa của người Dao đỏ xã Thượng Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

BHG - Tối 27.1, tại xã Thượng Sơn, UBND huyện Vị Xuyên tổ chức lễ đón nhận và công bố quyết định Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Lễ nhảy lửa của người Dao đỏ. Dự buổi lễ có đồng chí Trần Đức Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở VHTT và DL; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Vị Xuyên cùng đông đảo du khách và bà con nhân dân xã Thượng Sơn.

 

28/01/2021
Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh lần thứ IV

BHG - Sáng 27.1, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự đại hội có các đồng chí: Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

 

27/01/2021