Một ngày tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học Minh Tân
BHG - Trường PTDT Bán trú Tiểu học Minh Tân (Vị Xuyên) là ngôi trường có bề dày thành tích, nhiều năm liền được các cấp, ngành khen thưởng trong công tác giảng dạy và quản lý học sinh bán trú với các hoạt động học tập, giảng dạy linh hoạt, sáng tạo, đổi mới; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nơi biên cương Tổ quốc.
Giáo viên trực bán trú hướng dẫn học sinh ôn bài. |
5 giờ sáng, miền biên viễn bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc trong cái rét cắt da. Các thầy, cô giáo Trường PTDT Bán trú Tiểu học Minh Tân đã thức dậy từ lâu, chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Ở đây, mỗi ca trực, buổi tối có 6 người, gồm 1 lãnh đạo, 3 giáo viên, 1 thầy quản bán trú và 1 bảo vệ. Thầy Vũ Khắc Lân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Hôm nay trời lạnh, cho các con ngủ thêm. Trời mùa Hè là các con dậy từ 5 giờ rồi. Học sinh đông, phải dậy giờ đó mới kịp”. Tôi thắc mắc, 7giờ vào lớp, chỉ cần dậy vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong là lên lớp, không mất thời gian di chuyển, sao phải dậy sớm thế? Nhưng ở đây, mọi hoạt động đều khác các trường ở thành phố.
Đúng 5 giờ 30 phút. Tiếng trống báo thức của cô giáo trực bán trú vang lên. Rất nhanh, tất cả phòng ngủ học sinh bán trú đều sáng đèn, các em dậy gấp chăn màn, mặc áo ấm, những em gái giúp nhau chải đầu tóc gọn gàng. Để tiện trong sinh hoạt và giúp các em học sinh lớp 1 mới chuyển về quen dần với nếp sinh hoạt của học sinh bán trú, nhà trường ghép các em học sinh cùng thôn ở chung phòng với nhau. Bên cạnh sự hướng dẫn của thầy, cô thì những chị lớn sẽ giúp các em lớp bé trong sinh hoạt hàng ngày. Giàng Thị Xùa, học sinh lớp 1A, vừa được chuyển từ điểm trường thôn Mã Hoàng Phìn về trường chính theo Đề án 84 của UBND tỉnh về chuyển học sinh tiểu học từ điểm trường về trường chính. Chưa quen nếp sinh hoạt mới, Xùa được các chị giúp buộc lại tóc, mặc thêm áo ấm, hướng dẫn cách tự vệ sinh cá nhân. Xùa bảo: “Em thích đi học, ở đây được ăn ngon, ngủ ấm, được chơi với các chị, được học chữ, vui lắm”.
Đọc sách tại thư viện xanh. |
Trên 270 học sinh bán trú, sau khi gấp chăn màn gọn gàng, ngăn nắp, các em xếp hàng, lần lượt thực hiên vệ sinh cá nhân, không chen lấn, xô đẩy. Những đứa trẻ lên 6, đi học xa nhà, xa vòng tay chiều chuộng của bố, mẹ, đã tự lập một cách rất thành thạo. Cô Nguyễn Thị Thuyết, Tổng phụ trách đội nhanh thoăn thoắt, miệng lúc nào cũng nở nụ cười hiền, trực tiếp kiểm tra tất cả các phòng ngủ, hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân và ra hiệu lệnh trống tập trung trước sân trường, bắt đầu giờ thể dục buổi sáng. Được vận động để làm ấm cơ thể, xua đi cái rét đậm, khởi động một ngày mới đầy năng lượng, trên gương mặt các em hiện rõ niềm vui đón chào ngày mới. Sau giờ thể dục, các em ăn sáng, tự vui chơi và đến giờ lên lớp học.
Trường PTDT Bán trú Tiểu học Minh Tân được thành lập từ năm 2011, là một trong những trường bán trú đầu tiên của huyện Vị Xuyên. Thực hiện nhiệm vụ giáo dục ở địa bàn miền núi, biên giới, cơ sở vật chất thiếu thốn, các em học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên công tác giảng dạy, quản lý học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhà trường nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ các năm học với nhiều thành tích quan trọng: Toàn trường có 495 học sinh, trong đó 382 học sinh học tập tại trường chính, còn lại ở điểm trường; 38 cán bộ, giáo viên, tất cả đều đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ chuyên môn. Thực hiện Đề án 84 của UBND tỉnh, trường đã chuyển toàn bộ học sinh tại 2 điểm trường và chuyển 1 phần học sinh ở các điểm trưởng lẻ về trường chính. Việc chuyển học sinh về học tại trường chính giúp duy trì sỹ số, nâng cao chất lượng giáo dục, các em được học tập, rèn luyện kỹ năng sống tốt, năng động, mạnh dạn trong học tập và giao tiếp xã hội…
Thực đơn bữa trưa hôm nay của học sinh có thịt gà, đậu phụ và canh rau. Không cần phải để giáo viên nhắc nhở, các em trật tự xếp hàng, nhận phần cơm của mình về bàn, ăn rất ngon miệng, không để lãng phí thức ăn. Thầy Lân cho biết: Theo quy định, mỗi suất ăn của các em chỉ có hơn 10 nghìn đồng. Để cải thiện bữa ăn, nhà trường thuê khu đất phía sau, trồng rau tăng gia sản xuất. Toàn bộ thực phẩm cung cấp cho học sinh bán trú được trường ký kết hợp đồng, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kết thúc một ngày học tập, các em học sinh tản ra khắp sân trường. Em thì vào Thư viện xanh đọc sách, em cùng bạn chơi các trò chơi dân gian, nhóm bạn trai tụm 5 tụm 3 ngồi kể chuyện, vui cười trên ghế đá, một số học sinh lớp 5 theo cô giáo đi chăm sóc vườn rau xanh... Sau bữa tối, các em tập trung trước sảnh lớn nhà trường, xem chương trình ti vi mình yêu thích. Thầy giáo trực bán trú sẽ mở các chương trình phù hợp với lứa tuổi học sinh như: Chương trình thiếu nhi, đố vui, học tập, các cuộc thi kiến thức, phim truyện thiếu nhi... Sau đó, các em về lớp học ôn bài. Giáo viên trực bán trú trực tiếp lên lớp hướng dẫn học sinh làm bài tập về nhà, luyện đọc, viết...
Một ngày của học sinh bán trú kết thúc lúc 21giờ đêm. Sau tiếng trống hiệu lệnh, tất cả các phòng ngủ tắt đèn, màn đêm tĩnh lặng bao trùm lên cả không gian rộng lớn miền biên viễn xa xôi. Thầy Lân tâm sự: “Để có được sự khoa học, ngăn nắp, chỉnh chu trong công tác quản lý học sinh bán trú như hôm nay là cả một quá trình rèn luyện. Những ngày đầu năm học vất vả, khó khăn lắm, đặc biệt các em học sinh lớp 1 vừa chuyển về trường chính, không quen với nếp sinh hoạt mới, khóc nhớ nhà, đòi về với bố, mẹ. Ở đây, các thầy, cô giáo thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa là giáo viên dạy học, vừa đóng vai phụ huynh, chăm chút cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, từng tấm áo, đến đôi giày...Vất vả là vậy, nhưng với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, mong muốn các em có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai, xây dựng môi trường học tập thân thiện, an toàn, mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường luôn nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, các bậc phụ huynh tin tưởng”.
Chúng tôi trở về thành phố trong màn sương đêm dày đặc. Hình ảnh những học sinh nhỏ bé, chăm chỉ, chịu khó; các thầy, cô giáo tận tụy, yêu nghề in hằn trong tâm thức. Khâm phục sự học nơi đây!
Ghi chép: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc