Đặc sắc di sản văn hóa dân tộc Dao Hoàng Su Phì
BHG - Là huyện nằm phía Tây của tỉnh Hà Giang với 12 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì hiện nay đang được người dân bảo tồn, lưu giữ nhiều loại hình độc đáo, mang nét đặc trưng riêng biệt.
Lễ hội Bàn vương của dân tộc Dao xã Hồ Thầu. |
Đến với Hoàng Su Phì, đã có nhiều du khách có ấn tượng đặc biệt bởi kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng của người Dao. Đồng bào Dao sinh sống tại xã Hồ Thầu dựng trên những sườn đồi và những vạt nương có độ dốc không lớn và cách biệt giữa các hộ gia đình với nhau. Nhà ở được làm bằng cột gỗ rừng, mái lợp bằng cỏ tranh hoặc cây vầu bổ đôi, vách ngăn tường bằng gỗ. Nhà được dựng lưng quay vào núi, phía trước hướng ra ruộng hoặc suối.
Trong quan niệm về thế giới thần, người Dao đỏ cho rằng thế giới luôn tồn tại 3 tầng với hệ thống các thần ma khá phức tạp (còn gọi là tam giới): Tầng cao nhất là nơi sống của các vị thần; tầng giữa là con người, cây cỏ, muông thú… tức là thế giới thực; tầng dưới cùng là tổ tiên, ma quỷ, thần linh… Đứng đầu ba tầng này là Ngọc Hoàng, bên dưới là các thần như Tam Thanh, Diêm Vương, thấp hơn là các Ma tổ tiên, thổ công… Ngoài ra, người Dao còn cho rằng vạn vật trong vũ trụ đều có linh hồn cũng giống như thế giới người. Có thần mưa, thần gió, thần lúa gạo, thần chăn nuôi, thần ruộng… Chính vì vậy, họ thường tổ chức các lễ hội cầu các vị thần cho một năm mưa thuận, gió hòa.
Theo phong tục của người Dao, họ phải tổ chức lễ Cấp sắc với ý nghĩa chứng minh một người đã trưởng thành, trở thành một thành viên trong xã hội. Để bắt đầu buổi lễ, người Dao cần chuẩn bị các lễ vật: Gà, lợn… và mời 7 vị thầy cúng đến. Trang phục dụng cụ hành lễ của các thầy cúng gồm: 1 chiếc áo dài màu đỏ có các hoa văn màu trắng, mũ chóp nhọn màu đỏ có dây tua màu đỏ chiếc cháo bằng sừng trâu dài 8 cm, rộng 3 cm để xin âm dương, chuông nhạc, chiêng, tù và bằng sừng trâu. Khi bắt đầu buổi lễ, thầy cúng sẽ mời tổ tiên của người Dao về dự lễ và sau đó múa điệu cúng nghi lễ. Cuối cùng, thầy cúng thổi 7 hồi tù và rồi mời vua trời xuống chứng kiến buổi lễ, đọc tên những người trong gia đình của người cấp sắc và ghi tên của người đã được cấp sắc vào gia phả của gia đình; đồng thời, thầy cũng sẽ viết lên 2 tờ giấy trong khi những người được cấp sắc quỳ xung quanh trước mặt có tấm khăn thêu màu đỏ đặt lên đùi. Khi cúng song, thầy cúng sẽ ném một tờ giấy lên đùi người được cấp sắc. Tờ còn lại đốt để báo với tổ tiên.
Có thể nói, kho tàng truyện cổ dân gian người Dao rất đa dạng và được lưu truyền đến ngày nay. Các câu truyện: Con cáo biết hát, Sự tích hạt lúa, Sự tích loài người… vẫn được già làng, trưởng bản thường xuyên kể cho các em nhỏ nghe và nhắc nhở các em phải nhớ cái gốc của dân tộc mình. Ngày nay, đồng bào người Dao vẫn thường chơi các trò chơi dân gian của dân tộc mình. Đến thôn Tân Phong, xã Hồ Thầu, chúng tôi đã được hòa mình vào trò chơi thi tài sử dụng nhạc cụ. Trò chơi này được thực hiện qua việc gõ chiêng theo nhịp trống giữa hai người. Khi chơi, người đánh trống có vai trò cầm trịch bằng cách đánh lên từng hồi cho người đánh chiêng đánh đuổi theo. Trong khi người đánh trống cứ 4 hồi một lượt đánh thì người đánh chiêng có nhiệm vụ phải đánh đuổi theo tiếng trống cuối cùng của từng hồi sao cho đúng nhịp. Trong trò chơi này, người đệm chiêng được coi là thắng khi tiếng chiêng trùng với tiếng trống cuối cùng ở mỗi hồi theo tốc độ nhanh dần, nếu thiếu hoặc thừa tiếng trống thì coi như bị thua.
Trong quá trình phát triển, hội nhập, việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống là hết sức quan trọng. Đồng thời, cần tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của các dân tộc anh em, làm cho các giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao ngày càng đặc sắc.
Bài, ảnh: Nguyễn Ngân
Ý kiến bạn đọc