Bước phát triển của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
BHG - Sau 20 năm thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, từng bước đi vào chiều sâu và trở thành phong trào thi đua yêu nước rộng lớn.
Lớp học hát Then – đàn Tính xã Phú Linh (Vị Xuyên). Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG |
Có mặt tại xã Phú Linh (Vị Xuyên) vào những ngày cuối năm, tiếng đàn Tính cùng những điệu Then mượt mà vọng ra từ Nhà văn hóa xã như mời gọi bước chân lữ khách. Qua tìm hiểu được biết, đây là lớp dạy hát Then, đàn Tính do Hội Nghệ nhân dân gian xã tổ chức; học viên cả nam và nữ cùng nhiều lứa tuổi, từ em nhỏ đến các cụ già. Dưới sự hướng dẫn cần mẫn và tận tình của các nghệ nhân, từng nốt nhạc đàn Tính được học viên nắn nót và cất lên lời ca của điệu Then truyền thống. Những năm gần đây, không chỉ ở Phú Linh mà nhiều xã khác của huyện Vị Xuyên như: Linh Hồ, Kim Thạch, Tùng Bá, Phương Tiến, Ngọc Linh cũng chú trọng thành lập các câu lạc bộ hát Then – đàn Tính và mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần gìn giữ làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc và “đánh thức” ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống trong các thế hệ.
Truyền dạy văn hóa truyền thống và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ còn góp phần tích cực vào phong trào “Biểu diễn văn nghệ thường xuyên” của tỉnh. Đây là phong trào có tính sáng tạo của riêng tỉnh ta trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao. Các xã, thôn trên địa bàn tỉnh đều thành lập đội văn nghệ, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, khích lệ nhân dân hăng say học tập, lao động, đồng thời nâng cao mức thụ hưởng văn hóa tinh thần cho nhân dân. Những năm qua, toàn tỉnh tổ chức được 560 buổi biểu diễn văn nghệ trên địa bàn các xã, phường, thị trấn với gần 10.000 tiết mục đặc sắc ở các thể loại, phục vụ trên 840.000 lượt người nghe, xem.
Cùng với đó, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” cũng được các xã, thôn tích cực triển khai. Hầu hết các gia đình đều thực hiện tốt các tiêu chí của phong trào, có ý thức tự giác trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc bình bầu “Gia đình văn hóa” hàng năm ở các khu dân cư được thực hiện công khai, dân chủ; tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời các gia đình văn hóa tiêu biểu. Đến nay, toàn tỉnh có 132.705/186.815 gia đình văn hóa, đạt 71%. Phong trào “Xây dựng thôn, làng, tổ khu phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” được nhân dân tích cực hưởng ứng. Qua đó, phát huy tốt vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng trong việc giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh, trật tự. Đến nay, toàn tỉnh có 18 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 1.376 làng đạt tiêu chí làng văn hóa. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cũng được triển khai sâu rộng. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 890 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 84,8%.
Phong trào “Học tập, lao động sáng tạo” ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng KHKT vào sản xuất, phát huy những ý tưởng sáng tạo của tập thể, cá nhân. Đặc biệt, trong lĩnh nông nghiệp, các ý tưởng sáng tạo, ứng dụng KHCN đã đưa năng suất cây trồng, vật nuôi ngày càng tăng; nhiều gia đình được công nhận “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng, thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.
Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các huyện, thành phố cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các nghi lễ trong việc cưới, việc tang đã được đơn giản hóa, tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, đảm bảo đúng pháp luật và thuần phong, mĩ tục, không phô trương, lãng phí.
Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa tại cơ sở thực sự phát huy hiệu quả. Các xã, thôn, tổ khu phố đều có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn; thường xuyên tổ chức giao lưu thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ sôi nổi, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư.
Đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và gia đình” khẳng định: Xuyên suốt 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là sự chung sức, đồng lòng của người dân trong việc xây dựng nếp sống văn minh, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Qua đó, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT – XH của địa phương.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc